Prostaglandin E2 (Dinoprostone)

BS Nguyễn Anh Khiêm - 

Prostaglandin E2 là một loại thuốc được FDA chấp thuận sử dụng để loại bỏ các phần thai trong tử cung và khởi phát chuyển dạ. Nó thuộc nhóm thuốc prostaglandin. Bài này đề cập đến các chỉ định và chống chỉ định đối với prostaglandin E2 khi nó được sử dụng làm thuốc phá thai hoặc chất gây chuyển dạ. Nội dung bài này sẽ làm rõ cơ chế hoạt động, các tác dụng phụ và các yếu tố liên quan (ví dụ: sử dụng ngoài hướng dẫn, liều lượng, dược lực học, dược động học, theo dõi, tương tác có liên quan).

1. CHỈ ĐỊNH

Prostaglandin E2 (PGE2), còn được gọi là dinoprostone, là một hợp chất tự nhiên liên quan đến việc thúc đẩy quá trình chuyển dạ, mặc dù nó cũng có mặt trong con đường gây viêm. Prostaglandin E2 được FDA chấp thuận cho việc làm chín muồi cổ tử cung để khởi phát chuyển dạ ở những bệnh nhân có chỉ định y khoa về khởi phát. Khi được sử dụng làm thuốc đặt âm đạo, nó được chỉ định làm thuốc phá thai từ tuần thai thứ 12 đến 20 hoặc để loại bỏ các phần thai bên trong tử cung trong quản lý sẩy thai và thai chết trong tử cung cho đến 28 tuần. Prostaglandin E2 cũng được sử dụng trong quản lý bệnh nguyên bào nuôi trong thai kỳ. Điều quan trọng, nó không phải là một tác nhân gây hại cho thai. Do đặc tính oxytocic của nó, việc sử dụng dinoprostone chỉ nên ở liều lượng thích hợp bởi các bác sĩ lâm sàng có kinh nghiệm.

dino

2. CƠ CHẾ

Mặc dù cơ chế hoạt động chính xác vẫn chưa được biết rõ, nhưng prostaglandin E2 gây ra các cơn co tử cung thông qua kích thích trực tiếp. Nó liên kết với các thụ thể kết hợp với protein G (GPCR) EP1-4 dẫn đến nhiều sự kiện tiếp theo tùy thuộc vào phân nhóm EP và đặc hiệu cho từng loại tế bào. Ví dụ: các thụ thể EP trong nội mạc tử cung hoạt động thông qua các kênh canxi ở màng tế bào và 3’5’-adenosine monophosphate tuần hoàn nội bào (cAMP). Vì một số thụ thể đã biết đối với prostaglandin E2 đối kháng lẫn nhau, các nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng sự biểu hiện của các thụ thể này quyết định các tác động cụ thể. Hiệu quả của prostaglandin E2 trong thai kỳ có thể liên quan đến sự biểu hiện của các thụ thể này. Prostaglandin E2 cũng thúc đẩy sự giãn nở, xóa và làm mềm cổ tử cung, tương tự như quá trình mang thai tự nhiên, có thể là do tăng tiết collagenase.

Vai trò của prostaglandin E2 trong viêm rất phức tạp; nó đã thể hiện hoạt động gây viêm trong một số trường hợp và đóng vai trò chống viêm ở những trường hợp khác. Các chức năng đa dạng này dường như phụ thuộc vào loại tế bào và kiểu biểu hiện của các thụ thể khác nhau. Nó có thể thúc đẩy việc kích hoạt các tế bào Th17 gây viêm nhưng ngăn chặn quá trình sản xuất IL-2 và IL-12 trong các tế bào T khác. Điều quan trọng là mặc dù các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã chứng minh rằng prostaglandin E2 có thể ức chế quá trình sản xuất tế bào T, nhưng các nghiên cứu trên sinh vật sống vẫn chưa cho kết quả tương tự.

3. CÁCH SỬ DỤNG

PGE2 được sử dụng qua đường âm đạo dưới dạng thuốc đạn, gel hoặc miếng đặt âm đạo.

Thuốc đặt âm đạo dùng để loại bỏ các phần thai trong tử cung. Một viên đạn 20 mg được đưa vào túi cùng sau âm đạo cứ sau ba giờ cho đến khi thai được tống ra. Nếu thai không được tống ra trong vòng 24 giờ, hoặc nếu có tác dụng phụ nghiêm trọng, bác sĩ lâm sàng nên ngừng thuốc.

Gel và miếng đặt âm đạo là tác nhân gây cảm ứng chín muồi ở cổ tử cung. Dạng Gel cổ tử cung giải phóng nhanh hơn so với miếng đặt âm đạo nhưng kém thuận tiện hơn vì quy trình này yêu cầu khám âm đạo nhiều hơn. PGE2 được đặt vào túi cùng sau tử cung và được đổi mới mỗi sáu giờ cho đến khi khởi phát chuyển dạ, xác định bằng các cơn co tử cung đều đặn. Tuy nhiên, nên ngừng sử dụng thuốc nếu không có cơn co nào trong vòng 24 giờ hoặc nếu có tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm vỡ ối hoặc cơn go cường tính.

4. TÁC DỤNG PHỤ

Các tác dụng phụ phổ biến nhất của prostaglandin E2 liên quan đến tác động của nó đối với cơ trơn đường tiêu hóa. Dạng viên đạn gặp nhiều nhất, với 2/3 bệnh nhân bị nôn mửa, 2/5 bị tiêu chảy và 1/3 bị buồn nôn. Các tác dụng phụ khác bao gồm tăng nhiệt độ ở 1/2 số bệnh nhân, đau đầu ở 1/10, run và ớn lạnh ở 1/10. Thuốc chống nôn và chống tiêu chảy có thể cần thiết trước và trong khi dùng thuốc để chống lại các tác dụng phụ này.

Miếng đặt âm đạo và gel có tỷ lệ mắc các triệu chứng đường tiêu hóa ít hơn. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chúng có mối liên quan với nguy cơ kích thích tử cung cao hơn có hay không có suy thai (lớn hơn 2%) so với giả dược (dưới 1%). Ngoài ra, nó cũng có nguy cơ suy thai cao hơn mà không kèm kích thích tử cung (trên 2%) so với giả dược (1%). Cũng có những thay đổi liên quan đến nhịp tim của thai nhi, có hay không có cơn co tử cung. Trong tất cả các trường hợp này, việc loại bỏ thuốc sẽ giúp cơ thể trở lại bình thường, mặc dù một số trường hợp cần điều trị bằng thuốc giảm co.

5. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Prostaglandin E2 chống chỉ định ở những bệnh nhân quá mẫn cảm với prostaglandin. Là một tác nhân oxytocic, nên tránh sử dụng prostaglandin E2 trong các trường hợp có chống chỉ định sinh thường hoặc khởi phát chuyển dạ và nên ngừng sử dụng trước khi dùng oxytocin.

Dạng viên đạn

Các bác sĩ lâm sàng nên tránh dùng thuốc đạn ở những bệnh nhân mắc bệnh viêm vùng chậu cấp tính, cũng như những bệnh nhân mắc bệnh tim, thận, phổi hoặc gan đang hoạt động. Ngoài ra, cần thận trọng ở những bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh này và bệnh nhân có tiền sử ung thư cổ tử cung, hen suyễn, hạ huyết áp hoặc tăng huyết áp, thiếu máu, vàng da, bệnh phổi hoặc động kinh. Thuốc đạn prostaglandin E2 không được chỉ định để tống thai đối với tuổi thai có thể sống.

Dạng Gel/ dạng đặt

Các dạng gel hoặc miếng đặt âm đạo được sử dụng để làm chín muồi cổ tử cung chống chỉ định ở những bệnh nhân suy thai hoặc bị chảy máu âm đạo khi mang thai, bất xứng đầu chậu và tiền sử sinh nhiều lần (≥ 6 lần). Prostaglandin E2 cũng nên tránh dùng khi cơn co tử cung kéo dài có thể gây rủi ro vỡ tử cung như tiền sử mổ lấy thai trước đó hoặc phẫu thuật trên tử cung. Prostaglandin E2 để khởi phát chuyển dạ cũng nên tránh ở những bệnh nhân có tiền sử hen suyễn, tăng nhãn áp hoặc bệnh tim.

6. THEO DÕI

Chỉ nên sử dụng Prostaglandin E2 ở cơ sở chăm sóc đặc biệt dưới sự giám sát của bác sĩ lâm sàng.

Dạng viên đạn

Cần theo dõi bệnh nhân về các tác dụng không mong muốn, đặc biệt là sốt và nên ngừng thuốc nếu xảy ra bất kỳ phản ứng bất lợi nghiêm trọng nào. Phá thai bằng thuốc đạn prostaglandin E2 có thể không hoàn toàn, có thể cần các biện pháp tiếp theo như nong và nạo.

Dạng Gel/ dạng đặt

Cần theo dõi cơn go tử cung, tình trạng của thai nhi và sự tiến triển, sự giãn nở cổ tử cung. Đặc biệt, cần chú trọng tìm bất kỳ dấu hiệu nào của tử cung quá kích thích, co thắt tử cung kéo dài và suy thai. Nếu có những tác dụng phụ này hoặc bất kỳ tác dụng phụ nào khác, nên tháo miếng đặt và ngừng sử dụng thuốc. Prostaglandin E2 cũng nên ngừng trước khi chọc ối và trước khi dùng oxytocin.

7. ĐỘC TÍNH

Quá liều prostaglandin E2 thường biểu hiện là quá kích thích tử cung và ngừng thuốc là cách điều trị hiệu quả nhất. Ngoài ra, thuốc beta-adrenergic, chẳng hạn như terbutaline, có thể được sử dụng trong trường hợp các triệu chứng vẫn tiếp diễn.

8. KẾT LUẬN

Với các đặc tính oxytocic của prostaglandin E2 và các tác dụng phụ tiềm ẩn, việc sử dụng và các tác dụng phụ có thể xảy ra của nó cần được theo dõi cẩn thận. Cách hiệu quả nhất để làm điều này đòi hỏi một đội ngũ bác sĩ lâm sàng, y tá và dược sĩ đa ngành để theo dõi tiến trình của bệnh nhân. Đặc biệt cần loại bỏ prostaglandin E2 trước khi sử dụng các loại thuốc oxytocic khác, nhất là khi gây chuyển dạ.

Lược dịch từ Michael Xi and Valerie Gerriets, Prostaglandin E2 (Dinoprostone). StatPearls. 2022.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ ba, 25 Tháng 4 2023 20:46