Glôcôm chấn thương

BS. Lê Văn Hiếu – 

Glôcôm chấn thương là gì?

Glôcôm chấn thương là bất kỳ loại glôcôm nào do chấn thương ở mắt. Bệnh glôcôm này có thể xảy ra ngay sau khi bị chấn thương ở mắt hoặc sau chấn thương nhiều năm.

Glôcôm có thể do chấn thương đụng dập nhãn cầu và chấn thương xuyên qua mắt.

Các tình trạng kèm theo như mắt bị cận thị nặng, bị chấn thương trước đó, hay bị viêm nhiễm hoặc phẫu thuật trước đó là yếu tố nguy cơ làm cho mắt dễ bị chấn thương nghiêm trọng hơn.

Chấn thương đụng dập

Là loại chấn thương kín, là chấn thương không xuyên qua mắt, chẳng hạn như bị đánh vào vùng đầu mặt hoặc chấn thương trực tiếp vào mắt.

ctglocom

Nguyên nhân phổ biến nhất là do chấn thương liên quan đến thể thao, chẳng hạn như bóng chày hoặc quyền anh.

Thông thường, thuỷ dịch lưu thông từ thể mi tới tiền phòng của mắt qua lỗ đồng tử và sau đó được hấp thụ vào máu thông qua mạng lưới các ống dẫn lưu tại vùng rìa của mống mắt. Khi chấn thương đụng dập xảy ra, hệ thống này có thể bị tổn thương. Tổn thương phổ biến nhất là do tổn thương thể mi, phần mắt sản xuất thuỷ dịch mắt, điều này có thể gây xuất huyết nội nhãn.

Lượng máu, huyết tương và tế bào viêm có thể tích tụ và làm tắc hệ thống dẫn lưu. Điều này có thể dẫn đến tăng nhãn áp, có thể gây tổn thương dây thần kinh thị giác.

Nhãn áp tăng cao do chấn thương đụng dập được điều trị bằng cách duy trì nhãn áp ở mức an toàn trong khi chờ lượng máu bị xuất huyết nội nhãn giảm. Thuốc điều trị bệnh tăng nhãn áp để kiểm soát áp suất mắt thường được ưu tiên điều trị trước. Nếu không đủ để kiểm soát nhãn áp, có thể cần phải phẫu thuật.

Tăng nhãn áp sau chấn thương đụng dập, trong hầu hết các trường hợp chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải dặn dò bệnh nhân khám mắt định kỳ.

Trong một số trường hợp, các ống dẫn lưu bị tổn thương trong mắt có thể tạo thành sẹo. Sẹo này chặn dòng chảy của thuỷ dihcj và có thể dẫn đến bệnh glôcôm . Glôcôm này được gọi là bệnh glôcôm góc mở, có thể xảy ra nhiều năm sau chấn thương ban đầu.

ctglocom2

Bệnh glôcôm góc mở được phát hiện khi khám thấy chân mống mắt bị tổn thương, nơi có các ống dẫn lưu . Bệnh glôcôm góc mở có thể khó điều trị. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm thuốc hạ nhãn áp, phẫu thuật bằng laser hoặc phẫu thuật cắt bè.

Chấn thương xuyên thủng nhãn cầu

Bệnh glôcôm do chấn thương cũng có thể do chấn thương xuyên thủng nhãn cầu, chẳng hạn như do vật sắc nhọn hoặc mảnh vỡ bay vào mắt. Nhãn áp thường thấp hơn ngay sau khi chấn thương xảy ra. Sau khi vết thương kín, tổ chức nội nhãn có thể bị viêm và kích ứng, có thể chảy máu, khiến nhãn áp tăng lên.

ctglocom3

Tăng nhãn áp trong thời gian ngắn được kiểm soát theo những cách tương tự như các trường hợp chấn thương đụng dập. Tuy nhiên, các tổ chức nhãn cầu bị tổn thương và sẹo do chấn thương xuyên thủng mắt có thể dẫn đến tắc ống dẫn lưu tại vùng bè.

Bệnh glôcôm do chấn thương xuyên thủng nhãn cầu được điều trị tốt nhất bằng các biện pháp điều trị ban đầu khi vết thương mới xảy ra. Liệu pháp corticosteroid giúp ngăn ngừa tổn thương mô và tạo sẹo, thuốc kháng sinh là một thành phần quan trọng của phương pháp điều trị ban đầu. Phẫu thuật để loại bỏ dị vật, và vết thương xuyên gây hở nhãn cầu.

Nếu bệnh glôcôm tiến triển trong thời gian dài, thuốc hạ nhãn áp thường là phương pháp điều trị đầu tiên, sau đó nếu nhãn áp không điều chỉnh thì phải tiến hành phẫu thuật cắt bè hay đặt van dẫn lưu.

Lược dịch: https://glaucoma.org/types/traumatic-glaucoma


Tin cũ hơn: