Điều trị và dự phòng viêm quanh khớp vai

Viêm quanh khớp vai bao gồm các trường hợp đau và hạn chế vận động của khớp vai do tổn thương phần mềm quanh khớp vai như gân cơ, dây chằng, bao khớp. Trong 10 trường hợp đau vùng khớp vai thì có tới 9 trường hợp do viêm quanh khớp vai, tức là không phải đau ở khớp vai mà là đau xung quanh khớp vai. Nguyên nhân của bệnh rất phong phú, chủ yếu là do chấn thương, do thời tiết lạnh và ẩm, các bệnh vùng cổ, ngực, bệnh lý thần kinh.

vai1    vai2

Bệnh viêm quanh khớp vai nếu điều trị không đúng thì sẽ tiến triển nặng dần, dẫn đến các biến chứng đứt gân, khiến khả năng phục hồi rất khó khăn. Bệnh nhân bị đau đớn, hạn chế vận động kéo dài sẽ bị trầm cảm, lo lắng, ảnh hưởng lớn đến khả năng làm việc, sinh hoạt và giấc ngủ. Khớp vai có thể bị đông cứng, giả liệt, gây tàn phế cho bệnh nhân. Ngoài ra bệnh nhân có thể phải gánh chịu các tai biến do dùng thuốc hay thủ thuật như bị nhiễm khuẩn khớp vai hay áp-xe cơ vùng vai, dị ứng thuốc, có thể dẫn đến tử vong. Để tránh các hậu quả của viêm quanh khớp vai khi bị đau vai, bệnh nhân cần đến bệnh viện  khám ngay để được chẩn đoán đúng và điều trị bệnh kịp thời.

Điều trị viêm quanh khớp vai bao gồm điều trị đợt cấp và điều trị duy trì. Điều trị đợt đau cấp làm giảm nhanh chóng các triệu chứng đau vai, góp phần sớm phục hồi được chức năng vận động của khớp. Điều trị duy trì có mục tiêu phục hồi các mô bị tổn thương, tăng cường sức mạnh của khớp vai và tránh tái phát bệnh. Bệnh nhân cần xác định thái độ kiên trì và hợp tác với bác sĩ, tránh nôn nóng, chạy chữa hết nơi này đến nơi khác... Điều trị viêm quanh khớp vai phải kết hợp nhiều biện pháp khác nhau như nội khoa, ngoại khoa, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và cả Đông y. Ở bệnh viện bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau, chống viêm (celebrex, mobic), giãn cơ (myonal), an thần hay tiêm thuốc chống viêm corticoid tại chỗ vào vùng bao gân cơ bị tổn thương. Có thể áp dụng các biện pháp vật lý trị liệu như chườm lạnh, hay dùng đèn hồng ngoại, laser, sóng ngắn, vi sóng, điện từ trường. Có thể chườm lạnh bằng cách lấy nước đá viên cho vào túi ni lông rồi chườm lạnh vùng vai đau trong 5-10 phút. Khi vai đỡ đau thì mới được vận động nhẹ nhàng. Cũng có thể xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu. Khi cần cũng có thể dùng cồn thuốc đắp trên vùng khớp vai bị đau. Cánh tay được nghỉ ngơi sẽ hồi phục dần dần mà không cần phải phẫu thuật. Đa số bệnh nhân viêm quanh khớp vai có thể khỏi bệnh sau 6 tháng đến 3 năm. Chỉ có các vận động viên thể thao trẻ, sau khi được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau mà không khỏi mới có thể tính đến phẫu thuật. Ngoài ra trong trường hợp bị đứt gân cơ quanh vai có thể chỉ định phẫu thuật nối gân.

Trong giai đoạn đau vai cấp tính cần phải để cho vai được nghỉ ngơi. Khi bị đau vai  ít thì chỉ cần tránh không cử động tay bên vai bị đau. Khi đau vai nhiều thì cần cố định cánh tay bên vai đau bằng một cái khăn đeo vào cổ để cho cơ vai được nghỉ ngơi dưỡng thương. Sau khi điều trị có hiệu quả thì bắt đầu tập luyện để phục hồi chức năng khớp vai. Tuy nhiên các bài tập luyện bao giờ cũng phải dần dần, từ nhẹ đến nặng, từ dễ đến khó, không được quá sức. Cần phải luyện tập thường xuyên vùng khớp vai trong 1-2 năm. Có thể tập thái cực quyền. Để phòng tránh bệnh nên kiên trì tập luyện sức khỏe ngay từ khi còn trẻ để phòng tránh quá trình thoái hóa vai khi đến tuổi trung niên. Mùa hè tránh để gió thổi vào người quá lâu. Khi bị mưa ướt cần phải tắm bằng nước nóng ngay. Tăng cường giữ ấm vào mùa đông, ban đêm ngủ nên tránh để lộ vai ra ngoài. Tránh lao động quá mức trong thời gian dài. Tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Bệnh nhân cũng cần được an ủi về mặt tâm lý, tránh những biểu hiện lo âu, căng thẳng, lo lắng vì bệnh tật. Cũng cần chăm sóc bệnh nhân trong sinh hoạt hằng ngày.

KHOA PHCN (Nguồn thuoctructuyen.com)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ năm, 25 Tháng 10 2012 09:44