Các biến chứng nguy hiểm do viêm họng

Viêm họng cấp là một bệnh hay gặp ở nước ta. Bệnh tuy thông thường, nhưng có thể gây ra các biến chứng phức tạp, nhất là ở trẻ em.

1. Nguyên nhân, biến chứng

Nguyên nhân gây ra viêm họng cấp có nhiều, trong đó có liên cầu khuẩn tan máu nhóm A. Liên cầu khuẩn xâm nhập vào niêm mạc họng gây viêm họng. Phần kháng nguyên của vi khuẩn lưu hành trong máu, đến lắng đọng ở cầu thận, van tim, màng khớp, gây biến chứng ở các cơ quan này. Ở trẻ em, nhất là trẻ từ 5-15 tuổi, viêm họng cấp có thể gây ra một số biến chứng cần lưu ý như:

- Viêm cầu thận cấp: tình trạng viêm lan tỏa không nung mủ ở tất cả các cầu thận của hai thận. Bệnh diễn biến cấp tính với biểu hiện: phù, tăng huyết áp, đái máu và protein niệu. Các triệu chứng này diễn ra điển hình, rầm rộ. Biến chứng này có thể khắc phục hoàn toàn sau 6 tuần nếu được điều trị;

vh

- Thấp khớp cấp: tình trạng viêm cấp tính các khớp lớn xảy ra sau nhiễm liên cầu khuẩn. Các khớp bị viêm có biểu hiện sưng, nóng, đỏ và đau. Thường hay bị ở khớp gối, cổ chân, khuỷu tay, cổ tay. Các khớp bị viêm có hiện tượng di chuyển, khớp này bị sau đó khớp kia bị. Sau khi di chuyển thì khớp cũ không còn biểu hiện viêm. Biến chứng này nếu không được điều trị sẽ gây hỏng màng khớp và ảnh hưởng tới chức năng vận động sau này.

- Thấp tim: tình trạng viêm tim do nhiễm liên cầu khuẩn tan máu nhóm A. Viêm tim có thể xảy ra ở màng trong tim, cơ tim, màng ngoài tim hoặc viêm tim toàn bộ. Đây là biến chứng để lại hậu quả nặng nề nhất vì nó gây tổn thương van tim, màng ngoài tim; là tiền đề cho hàng loạt các bệnh tim mạch về sau như: hẹp van tim, hở van tim, viêm màng trong tim…

2. Đề phòng các biến chứng

- Cần giữ gìn sức khỏe cho trẻ, nhất là những đợt thời tiết chuyển mùa. Việc giữ ấm cổ trẻ em là cần nhất, mặc dù đây không phải là biện pháp có thể loại bỏ tuyệt đối viêm họng, nhưng nó làm giảm phần lớn nguy cơ bị viêm họng cấp ở trẻ em.

- Khi trẻ bị viêm họng cấp, cần phải được đi khám, không được tự ý điều trị theo người bán thuốc. Đi khám để bác sĩ biết được cụ thể mức độ bệnh và có hướng điều trị, và để xác định xem viêm họng cấp đã có biến chứng hay chưa; cần điều trị triệt để viêm họng cấp ở trẻ em. Khi trẻ bị viêm họng cấp, không điều trị ngắt quãng, điều trị một vài ngày rồi bỏ. Cần điều trị đủ liều thuốc, đủ thời gian theo hướng dẫn của người có chuyên môn để khỏi bệnh và ngăn ngừa biến chứng xảy ra.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Võ Tấn ( 1989), Tai Mũi Họng thực hành - tâp 1, Nhà xuất bản Y học
2. Nguyễn Quang Quyền (1993), Giải phẫu mũi xoang, Bài giảng giải phẫu học, tập1.
3. Jayson Greenberg, M. D (2010), Current Management of Polyposis, Otolaryngology- Head and Neck Surgery

 BS CKII Trần Giám


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: