Cảm mạo phong hàn

ĐẠI CƯƠNG

Phong, hàn là hai thứ trong lục khí: phong, hàn, thử, thấp, táo, hoả. Phong là gió, chủ khí về mùa xuân; hàn là lạnh, chủ khí về mùa đông. Khi thời tiết bốn mùa ôn hoà đúng quy luật, mùa xuân ấm, mùa hè nóng, mùa thu mát, mùa đông lạnh cơ thể sẽ khoẻ mạnh.

Cảm mạo phong hàn là cơ thể cảm nhiễm phải tà khí phong hàn. Khi thời tiết thay đổi trái thường, cơ thể không thể thích nghi kịp, tà khí (phong, hàn) sẽ thừa cơ xâm nhập vào cơ thể mà sinh ra bệnh. Trương cảnh Nhạc cho là bệnh thương phong gốc là ngoại cảm, nếu tà nặng vào sâu ở kinh lạc là bệnh thương hàn, nếu tà nhẹ mà ở nông chỉ phạm da lông là bệnh thương phong. Du căn Sơ cũng cho là cảm hàn là bệnh nhỏ chỉ ở da lông không vào kinh lạc.

Cammao1

Cảm mạo phong hàn xâm phạm vào da, phế làm mất công năng tuyên giáng của phế, kèm thêm vệ khí bị trở ngại phát sinh ra các chứng: ho, sợ gió, sợ lạnh, nhức đầu, ngạt mũi, mạch phù khẩn.

Điều trị, cơ bản là giải cảm, tán tà.

Các bệnh viêm cấp đường hô hấp trên thuộc phạm vi cảm mạo.

CHỨNG TRỊ

Triệu chứng:

Sốt nhẹ, sợ gió, sợ lạnh nhiều, không mồ hôi, đau đầu, ngạt mũi, chảy mũi, người đau ê ẩm, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù.

Phép điều trị: Tân ôn giải biểu.

Bài thuốc 1: Nấu nước xông với 3 loại lá.

- Lá có tinh dầu, diệt khuẩn đường hô hấp: lá chanh, bưởi, tía tô, kinh giới, sả, bạc hà, hương nhu…

- Lá có tác dụng kháng sinh: hành, tỏi …

- Lá có tác dụng hạ sốt: lá tre, lá duối …

Ví dụ: Nồi nước xông sau đây:

Hương nhu, cúc tần, tía tô, kinh giới, lá chanh, lá sả, lá bưởi, lá tre. Dùng lá tươi, mỗi thứ 1 nắm.

Các thuốc cho vào nồi, đổ nước ngập trên thuốc khoảng 2cm, lấy giấy dầy hay lá chuối bịt trên miệng nồi và đậy nắp lại, đun sôi 1 – 3 phút rồi bắc xuống để gần người bệnh, trùm chăn cho kín, người bệnh ngồi mở nắp vung bỏ ra ngoài, lấy đũa cả chọc thủng 1 lỗ giấy (lá) bịt miệng nồi để hơi nước nóng và các hương tinh dầu toả ra mặt và thân, vừa xông vừa ngoáy nồi xông, vừa thở đều chậm, khoảng 10 phút. Người bệnh sẽ ra mồ hôi, người nhẹ nhõm. Lau khô người, thay quần áo và bỏ chăn. Chú ý tránh gió.

Bài thuốc 2: Cháo giải cảm (Thuốc nam châm cứu – cảm mạo).

Hành tăm cả rễ 20g, gừng tươi 10g, gạo nếp 50g để nấu cháo loãng.

Hành thái nhỏ, gừng thái tăm hay giã nát cho vào bát. Khi cháo được, múc cháo đang sôi cho vào bát quấy đều, ăn lúc nóng, trùm chăn cho ra mồ hôi. Nếu đã ra mồ hôi thì không dùng bài thuốc này.

Ý nghĩa: Hành, gừng để phát hãn giải biểu, cháo nóng để giúp hành gừng và bổ chính khí.

Bài thuốc 3: Tô bạch thang (Thuốc nam châm cứu).

Tô diệp, trần bì, cam thảo dây, củ gấu đều dùng 12g, gừng 8g, hành tăm 5g.

Ý nghĩa: Hành, gừng để sơ tán phong hàn. Hương phụ, trần bì để lý khí. Tô diệp để giáng khí bình suyễn. Cam thảo để điều hoà các vị thuốc. Nếu nhức đầu nhiều thêm mạn kinh tử, bạch chỉ. Nếu đầy bụng, buồn nôn, hay đi ỉa phân lỏng thêm hoắc hương, hậu phác.

Nếu người già yếu bị cảm phong hàn, ho có đàm thì dùng:

Phép điều trị: Ích khí giải biểu, khứ đàm chỉ ho.

Bài thuốc 4: Sâm tô tán (Cục phương)

Nhân sâm 10g, tô diệp 10g, cát căn 10g, tiền hồ 10g, trần bì 8g, bán hạ 10g, chỉ xác 8g, phục linh 10g, cát cánh 8g, cam thảo 8g.

Ý nghĩa: Nhân sâm để bổ nguyên khí, tô diệp để sơ tán phong hàn, cát căn để giải cơ thư cân, tiền hồ để khứ đàm, bán hạ để hoá đàm giáng nghịch, phục linh để thẩm thấp, trần bì, chỉ xác để lý khí, cát cánh để tuyên phế giải cơ, cam thảo để hoà vị hợp với cát cánh để lợi hầu họng.

Châm cứu: Phong môn, khúc trì, hợp cốc. Nhức đầu thêm bách hội, thái dương. Ho thêm xích trạch, thái uyên. Ngạt mũi thêm nghinh hương.

Đánh gió:

Nguyên liệu: Lòng trắng trứng gà và đồng (miếng, dây) Bạc.

Cách làm: Cho Bạc vào trong lòng trắng trứng còn nóng bọc vào vải mỏng bao (vuốt) vùng lưng dọc cột sống từ trên xuống dưới, bao trên mặt từ giữa trán ra hai bên xuống má, bao vùng tay chân từ gốc chi đến ngọn chi.

Có thể thay trứng, bạc bằng rượu trắng với gừng sao nóng ấm.

Ths Nguyễn Văn Tánh 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ hai, 18 Tháng 6 2012 11:12