• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Vibrio cholerae và bệnh tả

  • PDF.

CN Trình Thị Diễm Trinh - Khoa Vi sinh

Hiện nay, trên thế giới và ngay cả ở nước ta, vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề hết sức quan trọng. Một trong những tác nhân gây ngộ độc chính là vi khuẩn tả Vibrio cholerae. Nếu hiểu biết đúng và kịp thời, chúng ta có thể ngăn ngừa nguồn lây nhiễm để bảo vệ cho mình và cộng đồng xung quanh.

Năm 1817 Thomas Sydenham là người đầu tiên mô tả bệnh tả khác với những bệnh tiêu chảy khác, nhưng phải đến năm 1854 vi khuẩn gây bệnh tả mới được Filippo Pacili quan sát thấy từ phân của bệnh nhân tả trong vụ dịch ở Italia và đặt tên là Vibrio cholerae (V.cholerae). Phương thức lây truyền bệnh tả được John Snow phát hiện năm 1849 tại London.

vkta1

Thế giới đã trải qua 7 vụ đại dịch tả. Từ 1817 đến 1923 đã có 6 vụ đại dịch xảy ra, những vụ dịch này đều bắt đầu từ ấn Độ và đều do V. cholerae O1 typ sinh học classic gây ra. Vụ đại dịch thứ 7 khác với 6 vụ trước, vụ dịch này do V.cholerae typ sinh học eltor gây ra và có nguồn gốc từ đảo Celebes của Indonesia năm 1961. Vụ dịch này kéo dài nhất và có phạm vi rộng hơn 6 vụ trước, đến nay còn nhiều nước thông báo những đợt bùng phát dịch tả do căn nguyên này gây ra.

Trong những bệnh phải khai báo ở Việt Nam, bệnh tiêu chảy là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Riêng năm 2009 đã có 930.496 ca mắc tiêu chảy, trong đó có 4 người chết.

Tả là một bệnh tái xuất hiện ở Việt Nam. Năm 2008 có 853 ca bệnh tả, không có người chết, năm 2009 có 479 người mắc tả, trong đó có một người chết, năm 2010 có 606 ca bệnh tả, không có người chết, và năm 2011 có ba ca mắc tả, không có người chết.

1. Đặc điểm sinh học

V.cholerae là loại vi khuẩn hình que hơi cong, Gram âm, không có vỏ, không sinh nha bào, có một lông ở đầu và có khả năng di động rất mạnh. Vi khuẩn có sức đề kháng yếu với các tác nhân lý hóa, trừ pH kiềm, tuy nhiên có thể sống một số giờ trong phân và một số ngày trong nước.

Về mặt phân loại, dựa vào cấu tạo đa dạng của lipopolysaccharide O nằm trên bề mặt tế bào V.cholerae (100 nhóm kháng nguyên O khác nhau) mà phân chia các type cho vi khuẩn tả. Tuy nhiên, nhóm O1 là nhóm cổ điển và gây bệnh tiêu chảy nghiêm trọng nhất. Còn nhóm không phải O ( ký hiệu là non-O1) chỉ gây bệnh tiêu chảy nhẹ, không có khả năng phát thành dịch.

2. Khả năng và cơ chế gây bệnh của vi khuẩn

Trong diều kiện tự nhiên V.cholerae chỉ gây bệnh cho người. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể theo nước uống hay thức ăn vào trong dạ dày, vi khuẩn chịu tác động của dịch dạ dày có độ pH thấp (môi trường acid). Những vi khuẩn sống sót sẽ tiếp tục xuống ruột non. Ở ruột non, vi khuẩn có khả năng tồn tại rất lâu, V.cholerae bám vào niêm mạc nhưng không xâm nhập sâu vào mô ruột và hầu như không gây tổn thương cấu trúc của niêm mạc ruột. Tại ruột non, vi khuẩn phát triển nhanh chóng nhờ pH thích hợp, tiết ra độc tố LT (thermolabile toxin). Độc tố ruột gắn vào niêm mạc ruột non làm cho tế bào niêm mạc ruột giảm hấp thụ Na+, tăng tiết nước và Cl- gây ra ỉa chảy cấp tính. Nếu không được điều trị tích cực bệnh nhân sẽ chết vì kiệt sức và mất các chất điện giải.

V.cholerae chỉ xâm nhập vào đường ruột, không truyền nhiễm qua đường máu.

Để phát bệnh, hàm lượng tế bào vi khuẩn tả trong ruột phải đạt nồng độ cao khoảng 108-1010 tế bào/ 1ml. Trong khi đó bệnh do khuẩn Samonella hay Shigella chỉ cần nồng độ thấp cỡ 105-106 tế bào/1ml là đã phát bệnh. Do đó, nếu người nào bị rối loạn tiêu hóa, pH acid ở dạ dày không đủ kiềm hãm số lượng tế bào vi khuẩn thì chúng sẽ sống sót để di chuyển đến ruột non để gây bệnh.

vkta2

Cơ chế gây bệnh của vi khuẩn

3. Triệu chứng

V. cholerae có thể gây ra các hội chứng khác nhau, từ không có triệu chứng đến bệnh tả nặng.Tại các khu vực đặc hữu, 75% trường hợp không có triệu chứng, 20% là từ nhẹ đến vừa phải, và 2-5% là hình thức nghiêm trọng như bệnh tả nặng.

Biểu hiện ban đầu là sôi bụng, đầy bụng, tiêu chảy vài lần. Sau đó, bệnh nhân tiêu chảy liên tục rất nhiều lần với khối lượng lớn, có khi hàng chục lít một ngày. Phân tả toàn nước, màu trắng lờ đục như nước vo gạo, không có nhầy máu.

Bệnh nhân nôn rất dễ dàng (lúc đầu ra thức ăn, sau toàn nước), thường không sốt, ít khi đau bụng
Mất nước xảy ra sau đó, với các triệu chứng và dấu hiệu như khát nước, niêm mạc khô, mắt trũng, hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, thở nhanh, giọng nói khàn khàn, thiểu niệu, đau bụng, suy thận, co giật, buồn ngủ, hôn mê, và chết. Tử vong do mất nước có thể xảy ra trong một vài giờ đến vài ngày ở trẻ em được điều trị. Bệnh cũng là đặc biệt nguy hiểm cho phụ nữ mang thai và thai nhi trong giai đoạn cuối thai kỳ, vì nó có thể gây sinh non và thai chết.

4. Dịch tễ

Nguồn lây bệnh là bênh nhân và người lành mang mầm bệnh. Bệnh nhân bắt đầu đào thải vi khuẩn theo phân từ thời kỳ ủ bệnh. Đến thời kỳ toàn phát một số lượng lớn vi khuẩn được đào thải theo phân và chất nôn. Sau khi khỏi bệnh vi khuẩn vẫn còn tiếp tục được đào thải theo phân trong nhiều tháng. Trong các vụ dịch tả, tỉ lệ người lành mang vi khuẩn cao hơn hẳn người mắc bệnh.

Nước giữ vai trò đặc biệt trong quá trình truyền bệnh dịch tả. Thức ăn được xác định là một yếu tố trung gian truyền bệnh quan trọng. Trong thức ăn giữ ở nhiệt độ xấp xỉ 30oC vi khuẩn tả có thể sống được từ 1 đến 5 ngày, nếu ở nhiệt độ 5 – 10oC vi khuẩn tả có thể sống một vài tuần. Mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch đầy đủ đều có thể mắc bệnh tả. Tại những khu vực có bệnh tả lưu hành thì tỉ lệ trẻ em mắc cao hơn người lớn.

5. Chẩn đoán vi sinh vật

Để xét nghiệm vi khuẩn tả trong bệnh phẩm (chất nôn và phân), ta có thể: 

- Nhuộm hoặc soi tươi dưới kính hiển vi

- Sử dụng kỹ thuật kháng thể huỳnh quang trực tiếp hoặc nuôi cấy phân lập.

Thực tế không sử dụng chẩn đoán huyết thanh vì cho kết quả chậm.

6. Biện pháp phòng ngừa

Khi nắm được đặc điểm cấu tạo và sinh hóa của vi khuẩn tả, ta có thể phòng ngừa một cách hiệu quả như:

  • Bổ sung nước và chất điện giải ngay khi có biểu hiện bệnh.
  • Có thể dùng kháng sinh tetracycline để tiêu diệt vi khuẩn tả.
  • Vùng nguy cơ cao có thể cho sử dụng vaccine tả.
  • Do V. cholerae có khả năng chịu muối cao, do đó thói quen rửa rau bằng muối ở gia đình hoàn toàn không tác dụng. Ngược lại nếu dùng muối với nồng độ quá cao để rửa thì sẽ làm mất nước trong rau quả, mất chất dinh dưỡng. Vì vậy thực phẩm cần nên ăn sôi, nấu chín là an toàn nhất.
  • Ngoài ra, có thể dùng nước ozone (máy OZ-magic) tạo ozone trực tiếp vào nguồn nước để khử trùng rau quả, thịt cá.
  • Phải rửa tay sạch trước khi ăn và chế biến thức ăn. Nguồn thực phẩm sử dụng phải rõ nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh và còn trong hạn sử dụng.
  • Xử lý vệ sinh khu vực có nhiễm phân bệnh nhân bằng cloramin B 10%. Tẩy trùng vật dụng cá nhân bằng nước Javen, nước sôi, cloramin 2%, không nên dùng vôi bột để khử trùng.
  • Rửa tay sau khi đi vệ sinh hay vào các nơi công cộng.
  • Mặc dù bệnh tiêu chảy là bệnh nguy hiểm nhưng có thể dễ dàng phòng và điều trị nếu nguồn nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh và thói quen ăn uống được chú ý. Mỗi người phải hiểu biết và tự bảo vệ chính bản thân mình, đó cũng là cách tốt nhất để bảo vệ cộng đồng.

Tài liệu tham khảo:

  1. Lê Huy Chính (2007),Vi Sinh Vật Y học,“  Vibrio ”,  NXB Y học,Tr.176-182.
  2. http://tdt.edu.vn/images/stories/tapchikhoahocungdung/tckhud13/44-45.pdf
  3. https://en.wikipedia.org/wiki/Vibrio_cholerae

Lần cập nhật cuối lúc Thứ tư, 09 Tháng 11 2016 20:41

You are here Tin tức Y học thường thức Vibrio cholerae và bệnh tả