• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Bệnh giãn tĩnh mạch tinh

  • PDF.

Bs Hồ Kiến Phát - Khoa Ngoại TN-LN

I. Đại cương:

Giãn tĩnh mạch tinh là hiện tượng giãn bất thường của tĩnh mạch tinh và đám rối tĩnh mạch tinh. 90% giãn tĩnh mạch tinh xảy ra ở một bên và thường là bên trái. Lý do chủ yếu để người bệnh đi khám là đau tức vùng bẹn bìu hoặc hiếm muộn con cái.

II. Nguyên nhân:

Cơ chế gây giãn tĩnh mạch tinh là do không có van hoặc thiểu năng hệ thống van, vì vậy có trào ngược máu từ tĩnh mạch thận vào đám rối tĩnh mạch tinh làm tĩnh mạch dần dần giãn rộng.

III.  Lâm sàng:

1. Cơ năng:

  • Có cảm giác khó chịu, căng tức, đau tinh hoàn. Đôi khi, người bệnh có cảm giác nóng ở bìu hoặc một tình trạng khó chịu mơ hồ ở bìu.
  • Bệnh nhân tự nhìn thấy hay sờ thấy búi tĩnh mạch giãn to ngoằn ngoèo như búi giun nằm trong bìu khi đứng.
  • Bệnh nhân tự sờ thấy tinh hoàn một bên nhỏ hơn bên đối diện và lo lắng đi khám bệnh.
  • Vô sinh.

giantm

2. Thực thể:

Khám bệnh nhân ở tư thế đứng: có thể thấy búi giãn tĩnh mạch.

Nghiệm pháp Valsalva :bệnh nhân được hướng dẫn tập thể dục hoặc chạy tại chỗ, sau đó đánh giá so sánh để phát hiện sự chênh lệch độ giãn của tĩnh mạch.

IV. Cận lâm sàng:

1. Siêu âm Doppler màu

Siêu âm Doppler màu cuống mạch tinh hoàn để đánh giá chính xác mức độ giãn tĩnh mạch tinh. Bình thường khẩu kính tĩnh mạch tinh dưới 2 mm.

Gọi là giãn tĩnh mạch tinh khi có ít nhất một tĩnh mạch trong đám rối tĩnh mạch có đường kính lớn hơn 2 mm, có hồi lưu khiến tĩnh mạch phình to hơn sau khi bệnh nhân đứng dậy hoặc cho làm nghiệp pháp Valsalva.

2. Siêu âm và chụp cắt lớp vi tính ổ bụng

Là những xét nghiệm cần thiết khi có giãn tĩnh mạch tinh nhằm loại trừ các trường hợp giãn tĩnh mạch tinh thứ phát do các khối u sau phúc mạc hay ở tiểu khung chèn ép.

3. Tinh dịch đồ

Chỉ định trong những trường hợp vô sinh nhằm đánh giá ảnh hưởng của giãn tĩnh mạch tinh đối với chức năng sinh sản tinh trùng.

V. Phân độ dùng trên lâm sàng:

- Độ 0: Giãn tĩnh mạch tinh chưa có biểu hiện lâm sàng. Không phát hiện được khi thăm khám, chỉ phát hiện được khi làm các thăm dò cận lâm sàng như siêu âm (gọi là giãn tĩnh mạch tinh khi có ít nhất một tĩnh mạch trong đám rối tĩnh mạch có đường kính lớn hơn 3 mm, có hồi lưu khiến phình to hơn sau khi bệnh nhân đứng dậy hoặc cho làm nghiệm pháp gắng sức (nghiệm pháp Valsalva)

- Độ 1: Giãn tĩnh mạch tinh sờ thấy hoặc nhìn thấy khi làm nghiệm pháp gắng sức.

- Độ 2: Giãn tĩnh mạch tinh sờ thấy nhưng không nhìn thấy khi đứng thẳng mà không cần làm nghiệm pháp Valsalva.

- Độ 3: Giãn tĩnh mạch tinh nhìn thấy hiện rõ ở da bìu khi đứng thẳng.

VI/ Điều trị:

Hiện nay điều trị đối với giãn tinh mạch tinh chủ yếu là can thiệp ngoại khoa

1. Chỉ định can thiệp:

- Khi xuất hiện tất cả các biểu hiện sau:

  • Giãn tĩnh mạch tinh có thể sờ thấy được (độ 2-3)
  • Cặp đôi vô sinh
  • Phía nữ có khả năng sinh sản bình thường hoặc nếu không bình thường thì cũng có tiềm năng có thể chữa khỏi
  • Nam giới có hơn một dữ liệu bất thường trên tinh dịch đồ hoặc trên kết quả xét nghiệm chức năng tinh trùng

- Ở nam giới trưởng thành bị giãn tinh mạch tinh có thể sở thấy được và phân tích tinh dịch đồ bất thường nhưng hiện tại không cố gắng có con

- Ở nam giới trưởng thành có bằng chứng giảm kích thước tinh hoàn cùng bên giãn tĩnh mạch tinh

- Giãn tĩnh mạch tinh gây triệu chứng đau tức vùng bìu kéo dài ảnh hưởng đến sinh hoạt và lao động hằng ngày

2. Phương pháp can thiệp:

  • Mổ mở
  • Mổ nội soi
  • Vi phẫu thuật
  • Nút mạch chọn lọc qua da

* Hiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam đã thực hiện can thiệp nhiều ca giãn tĩnh mạch tinh và đạt được kết quả tốt sau điều trị.

Lần cập nhật cuối lúc Thứ hai, 10 Tháng 10 2016 05:35

You are here Tin tức Y học thường thức Bệnh giãn tĩnh mạch tinh