• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Trực khuẩn mủ xanh

  • PDF.

CN Vũ Thị Thúy Kiều - Khoa Vi sinh

Trực khuẩn mủ xanh phân bố rộng rãi trong môi trường ngoại cảnh như đất, nước, không khí, nhất là môi trường ẩm ướt. Chúng có nhiều cơ hội xâm nhập và gây bệnh. Pseudomonas aeruginosa đã trở thành một nguyên nhân quan trọng của nhiễm trùng gram âm, đặc biệt là ở những bệnh nhân khi cơ chế bảo vệ bị suy giảm. Nó là tác nhân thường gặp nhất được phân lập từ bệnh nhân đã được nhập viện kéo dài hơn 1 tuần, và nó là một nguyên nhân thường gặp của nhiễm trùng bệnh viện. Nhiễm khuẩn do pseudomonas rất phức tạp và có thể đe dọa tính mạng.

Là một trong những tác nhân quan trọng gây nhiễm khuẩn bệnh viện, nhiễm trùng cơ hội và là loại vi khuẩn có khả năng kháng lại nhiều kháng sinh.

muxanh

Hình ảnh trực khuẩn mủ xanh

I. Đặc điểm sinh vật học

1. Hình thể và tính chất bắt màu

Trực khuẩn thẳng, hơi cong, hai đầu tròn, kích thước 0.5 - 1µm x 1 - 5 µm. Có một lông ở một đầu, di động, ít khi có vỏ, không sinh nha bào. Nhuộm bắt màu gram (-)

2. Tính chất nuôi cấy

Trực khuẩn mủ xanh mọc dễ dàng trên các môi trường nuôi cấy thông thường, hiếu khí. Nhiệt độ thích hợp 37oC nhưng phát triển được ở nhiệt độ 5 – 42 0C, pH thích hợp 7,2 – 7,5 nhưng phát triển được ở pH 4,5 - 9,0

- Trên môi trường đặc: Có thể gặp 2 loại khuẩn lạc: 1 loại to, nhẵn, dẹt, trung tâm hơi lồi. Có xu hướng mọc lan, 1 loại xù xì bờ không đều, đôi khí có loại khuẩn lạc nhầy. Trên môi trường thạch máu đa số gây tan máu. Trong các nuôi cấy từ bệnh phẩm thường gặp loại khuẩn lạc thứ nhất. Trong các nuôi cấy từ môi trường thường gặp loại khuẩn lạc thứ hai.

- Trong môi trường lỏng vi khuẩn mọc thành váng ở trên mặt canh thang.

Trực khuẩn mủ xanh mọc được ở trên môi trường SS (shigella salmonella), đây là đặc điểm để phân biệt với trực khuẩn Whitmore.

Sắc tố

Tính chất đặc trưng của trực khuẩn mủ xanh (TKMX) là sinh sắc tố và chất thơm.

Các loại sắc tố chính:

  • Pyocyanin: có màu xanh lá cây, tan trong nước và cloroform, khuếch tán ra môi trường làm môi trường có màu xanh. Đa số TKMX sinh sắc tố này. Sắc tố này làm cho mủ vết thương do trực khuẩn có màu xanh.
  • Pyoverdin: là loại sắc tố huỳnh quang, tan trong nước nhưng không tan trong cloroform, phát màu xanh khi chiếu tia cực tím. Sắc tố này không bền vững dễ mất đi trong điều kiện nuôi cấy không tốt.
  • Pyorubrin: Sắc tố màu hồng nhạt chỉ 1% chủng trực khuẩn mủ xanh sinh ra sắc tố này.
  • Pyomelanin: Sắc tố màu nâu đen, chỉ 1-2% chủng trực khuẩn mủ xanh sinh ra sắc tố này.

Có khoảng 5-10% số chủng trực khuẩn mủ xanh không sinh sắc tố.

Chất thơm do TKMX sinh ra là kimetilamine

Tính chất sinh vật hóa học (TCSVHH)

  • Sử dụng một số loại đường bằng hình thức oxy hóa có sinh acid như glucose, mannitol, arabinose, galactose, fructose.
  • Không lên men đường lactose.
  • Oxydase (+); citrat-cimmons (+); catalase (+).
  • Indol (-); H2S (-); LDC (-).
  • Urease (-).

Cấu tạo kháng nguyên gồm hai loại là kháng nguyên lông và kháng nguyên thân.

  • Kháng nguyên lông H: Kháng nguyên này chung cho cả giống, dễ bị phá hủy bởi nhiệt độ.
  • Kháng nguyên thân O: đặc hiệu cho từng typ. Bản chất là Lipopolysaccharid, bền với nhiệt độ. Dựa và kháng nguyên này chia TKMX thành 12 nhóm.

Sức đề kháng

Vi khuẩn bị tiêu diệt ở 100 0C và bởi các thuốc sát khuẩn thông thường. TKMX sống ở trong đất, nước. Ở nơi có không khí, đủ độ ẩm và không có ánh sáng mặt trời, vi khuẩn sống được hàng tuần. Trong môi trường chất dinh dưỡng tối thiểu trong tủ  lạnh chúng có thể sống được 6 tháng.

II. Khả năng gây bệnh 

P aeruginosa là nguyên nhân phổ biến thứ hai của viêm phổi bệnh viện (17%), nguyên nhân thường gặp thứ ba của nhiễm trùng đường tiết niệu (7%), nguyên nhân thứ tư  phổ biến nhất của nhiễm trùng phẫu thuật tại chỗ (8%), và tác nhân đứng thứ năm (9 %) trong tất cả các tác nhân vi khuẩn gây bệnh cho người từ tất cả các vị trí.

TKMX thường sống ở trong đất, nước, trên da và niêm mạc người và động vật. Là loại vi khuẩn gây bệnh có điều kiện, khi cơ thể bị suy giảm miễn dịch, bị mắc các bệnh ác tính hoặc mạn tính, …

Trực khuẩn mủ xanh có ở nhiều nơi, nhiều dụng cụ máy móc trong bệnh viện như ống thông, máy hô hấp nhân tạo, … Chúng xâm nhập vào cơ thể qua da (nhất là sau khi bị bỏng) hoặc qua vết thương, do phẫu thuật. Tại chỗ vi khuẩn gây viêm có mủ điển hình là mủ có màu xanh. Nếu cơ thể giảm sức đề kháng hoặc do bệnh toàn thân, vi khuẩn xâm nhập và gây viêm các cơ quan như viêm bàng quang, tai giữa, màng não, màng bụng, … Có thể vi khuẩn vào máu gây nhiễm khuẩn huyết, viêm nội tâm mạc. Ngoài ra, ngày nay TKMX được coi là tác nhân gây nhiễm khuẩn bệnh viện mắc phải ở những bệnh nhân nằm viện lâu ngày. Nhiễm khuẩn do TKMX ngày càng trở nên trầm trọng do sự kháng kháng sinh rất mạnh của vi khuẩn.
Về cơ chế gây bệnh, có giả thiết cho rằng các sản phẩm ngoại tiết như ngoại độc tố, yếu tố tan máu, sắc tố, độc tố ruột có vai trò chủ yếu.

III. Chẩn đoán vi sinh vật

Những bệnh phẩm lấy từ ổ kín (ổ mủ chưa vỡ, dịch màng phổi, dịch màng não) hoặc từ máu thì cấy trực tiếp vào môi trường thạch thường. Những bệnh phẩm lẩy từ những vùng tạp nhiễm (ổ mủ đã vỡ, đờm nhầy họng) thì cấy vào môi trường có cetrimid (chất ức chế). Để các môi trường đã cấy bệnh phẩm ở 370 C trong khí trường thường.

Chọn các khuẩn lạc màu xanh và nhuộm màu môi trường để làm các thử nghiệm xác định vi khuẩn. trong thực hành bệnh viện, nếu những khuẩn lạc như trên là trực khuẩn Gram âm không sinh nha bào, oxidase (+), chuyển hoá đường theo kiểu oxy hoá thì được coi là trực khuẩn mủ xanh.

Đối với các chủng không sinh sắc tố cần cấy vào môi trường tăng sinh sắc tố : King A và King B. Ngưới ta có thể sử dụng những kỹ thuật khác nhau để xác định các chủng của trực khuẩn mủ xanh trong nhiễm trùng bệnh viện.

IV. Phòng bệnh và điều trị

Phòng bệnh không đặc hiệu

Phòng bệnh không đặc hiệu đóng vai trò chính trong việc ngăn ngừa nhiễm trực khuẩn mủ xanh. Giữ gìn vệ sinh chung, triệt để thực hiện các quy trình tiệt trùng, làm đúng các thao tác vô trùng để tránh lây chéo trong bệnh viện. Đối với cá nhân, giữ gìn vệ sinh, tránh xây sát da và niêm mạc, tăng cường sức đề kháng chung, tránh lạm dụng kháng sinh và các thuốc gây suy giảm miễm dịch.

Điều trị

Trực khuẩn mủ xanh kháng lại nhiều kháng sinh thông dụng nhất là những chủng gây nhiễm trùng bệnh viện. Người ta thường dùng gentamicin, amikacin, tobramycin hoặc cephalosporin thế hệ 3 hoặc imipenem để điều trị các nhiễm trùng do trực khuẩn mủ xanh.

Tất cả các bệnh nhiễm trùng gây ra bởi P aeruginosa là có thể điều trị và có khả năng chữa được những nhiễm trùng tối cấp cấp tính, chẳng hạn như viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng vết thương bỏng, và viêm màng não, có liên quan với tỷ lệ tử vong rất cao.

Theo một nghiên cứu của 205 bệnh nhân được phẫu thuật bệnh Charcot khớp của bàn chân, nhiễm trùng do P aeruginosa liên quan phẫu thuật và thời gian nằm viện lâu hơn (52 ngày so với 35 ngày) so với nhiễm với Staphylococcus aureus kháng methicillin (MRSA) hoặc vi khuẩn khác.

Tài liệu tham khảo

  1. Lê Huy Chính (2007), Vi sinh vật Y học, NXB Y học, tr.218 - 220. 
  2. Dịch từ http://emedicine.medscape.com/article/226748-overview

 

Lần cập nhật cuối lúc Thứ năm, 28 Tháng 7 2016 16:34

You are here Tin tức Y học thường thức Trực khuẩn mủ xanh