• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Tác dụng của cây nghệ (curcuma longa) và các chế phẩm trong việc hỗ trợ điều trị một số bệnh (phần 2)

  • PDF.

Bs CK2 Nguyễn Ngọc Võ Khoa - Khoa Nội Tiêu hóa

2. Vai trò của Curcumin trong hỗ trợ điều trị ung thư

2.1. Đích tác dụng phân tử của curcumin

Những nghiên cứu gần đây đã cho thấy trong bất kỳ một loại ung thư nào đó, có 300-500 gen bình thường đã bị biến đổi. Vì thế ung thư được đặc hiệu bởi sự rối loạn điều hòa thông tin trong tế bào ở nhiều bước khác nhau, nhưng phần lớn các thuốc hóa trị ung thư lại chỉ tác dụng điều biến đến một mục tiêu (mono target) nên hiệu quả kém.

Nhiều hoạt chất có nguồn gốc thực vật có tác dụng trên nhiều mục tiêu (multitarget), lại không quá đắt và an toàn hơn đã và đang hấp dẫn các nhà nghiên cứu, trong đó, đứng đầu là curcumin.

Curcumin là một phân tử rất đa hướng, có tác dụng điều biến trên rất nhiều mục tiêu, bao gồm: 

  • Hoạt hóa các yếu tố phiên mã như NF-kB (Nuclear factor-kappa B), STAT3 (signal transducers and activators of transcription), PPAR-g (peroxisome proliferator-activated receptor-gamma)…;
  • Điều biến các kinase (EGFR, ERK, JAK), các cytokin (TNF, IL, MIP), các enzym (MMP, iNOS, ATPasa) và các yếu tố phát triển (EGF, NGF,HGF).

curcumin1

Nhờ những tác dụng đó, curcumin đã ức chế sự tăng sinh và di căn của tế bào ung thư, đồng thời gây ra cái chết theo chương trình (apoptosis).

2.2. Tiềm năng chống ung thư của curcumin

Nhiều nghiên cứu thực nghiệm và lâm sàng trong hơn 2 thập kỷ qua đã cho thấy curcumin có tác dụng đầy hứa hẹn trong hỗ trợ điều trị và dự phòng nhiều loại ung thư khác nhau như ung thư vú, ung thư dạ dày-ruột, ung thư gan, tụy, ung thư đại trực tràng, ung thư đường sinh dục-tiết niệu,ung thư máu…

Dưới đây xin điểm qua một số ung thư chính.

2.2.1. Ung thư vú

- Một số nghiên cứu đã mô tả tác dụng chống ung thư vú của curcumin trên các dòng tế bào ung thư của người loại phụ thuộc, không phụ thuộc hormon và trên tế bào đa kháng thuốc. Một số cơ chế tác dụng của curcumin đã được đề xuất là: ức chế receptor aryl hydrocarbon, ức chế hoạt tính của tyrosin kinase, các enzym COX-1, COX-2, ức chế yếu tố phát triển nội mác mạch (VEGF), ức chế yếu tố phát triển nguyên bào sợi cơ sở (b-FGF)…

- Một số nghiên cứu in vivo lại thấy tác dụng dự phòng ung thư vú của curcumin. Tiêm màng bụng cho chuột cái curcumin 100-200 mg/kg hoặc cho chuột ăn với chế độ 8-16 g/kg curcumin/ngày đã dự phòng được một cách có ý nghĩa ung thư vú gây ra do 7,12-dimethylbenzanthracen (DMBA) so với lô chuột không dùng curcumin.

Goel A. và cs (2007) cũng chứng minh tác dụng dự phòng của curcumin với ung thư vú do chiếu tia gamma trên chuột cống. Nhiều nghiên cứu thực nghiệm trên chuột còn cho thấy tác dụng ngăn cản di căn vào phổi của ung thư vú: cấy tế bào ung thư vú vào chuột nhắt, sau 35 ngày thấy 100% chuột đều có di căn vào phổi; trong khi ở nhóm cho ăn chế độ chỉ có 1% curcumin thì 21% không có di căn.

2.2.2. Ung thư dạ dày

Cho chuột nhắt chế độ ăn có 2-5% curcumin, hoặc cho uống curcumin 2 tuần trước, trong và sau khi gây ung thư dạ dày bằng benzopyren đã cho thấy tác dụng ức chế rất có ý nghĩa hiệu quả gây ung thư của benzopyren. Aggarwal B.B. và cs (2007) đã chứng minh tác dụng chống ung thư tá tràng thực nghiệm trên chuột nhắt và ung thư dạ dày thực nghiệm trên chuột cống của curcumin.

2.2.3. Ung thư gan

Nhiều nghiên cứu trên tế bào ung thư gan người đã phát hiện thấy curcumin làm gián đoạnchu kỳ tế bào, có tác dụng độc tế bào (cytotoxic), chống sự tăng sinh và gây chết tế bào theo chương trình (apoptosis). Phối hợp curcumin và cisplatin hoặc doxorubicin có tác dụng hiệp đồngkháng u ( Vietri M. và cs. 2003; Chen Y.N. và cs. 2003; Aggarwal B.B. 2007). Cho chuột nhắt dùng curcumin 100- 200 mcg/kg trong 20 ngày liền sau khi cấy tế bào ung thư gan vào dưới da thì thấy curcumin không ảnh hưởng đến sự phát triển của u tại nơi cấy, nhưng đã ức chế rõ rệt sự di căn vào gan (Aggarwal B.B. và cs 2003).

Một nghiên cứu nhỏ trên 12 bệnh nhân có ung thư ruột kết-trực tràng di căn vào gan cho uống curcumin 450-3600 mg/ngày trong 1 tuần trước khi phẫu thuật, thấy nồng độ curcumin trong mô gan chưa đủ gây ra tác dụng dược lý. Có thể là curcunin đã bị chuyển hóa mạnh ở ruột (Aggarwal B.B. và cs. 2007) nên không tới được gan.

2.2.4. Ung thư tụy

Nhiều nghiên cứu cho thấy curcumin có tác dụng kháng nhiều dòng tế bào ung thư tụy của người theo nhiều cơ chế, như ức chế farnesyl protein transferase NF-kB, IL8, COX-2,EGFR …(Wang W. 1999; Khanbolooki S. 2006; Kamohara H. 2007.

2.2.5. Các loại ung thư khác

Rất nhiều nghiên cứu thực nghiệm in vitro, in vivo trên các dòng tế bào khác nhau của ung thư ruột, ung thư tiết niệu sinh dục (bàng quang, thận, tuyến tiền liệt buồng trứng, tử cung), ung thư phổi, máu… đã được công bố đều chứng minh tác dụng chống ung thư của curcumin theo nhiều cơ chế khác nhau như đã thấy với các loại ung thư đã kể trên.

Tóm lại, tác dụng chống ung thư của curcumin là do ức chế được sự tăng sinh và sự di căn của tế bào ung thư thông qua điều hòa các yếu tố dịch mã khác nhau, các yếu tố phát triển, các cytokin gây viêm, các proteinkinase và một số enzym khác. Ngoài ra, curcumin còn gây chết tế bào theo chương trình .

2.3. Tác dụng hỗ trợ làm giảm các triệu chứng ung thư của curcumin

Bệnh nhân bị ung thư phải chịu đựng nhiều triệu chứng liên quan đến bệnh và cả đến các cách điều trị (hóa trị-xạ trị) như đau do bệnh lý thần kinh, trầm cảm, mệt mỏi, giảm cảm giác ngon miệng, mất ngủ. Tất cả những triệu chứng đó đều có liên quan đến các yếu tố thúc đẩy viêm như NF-kB, TNF, IL-1, IL-6 (Cleeland C.S. 2003; Chen H.W. 2004). Curcumin ức chế được hoạt tính của các yếu tố trên nên có thể chống được các triệu chứng do ung thư và hóa trị- xạ trị gây ra. Nhiều nghiên cứu thực nghiệm trên súc vật đã khẳng định điều này (Sharma S. 2006; Xu X. 2005; Maes M. 2007; Davis J.M. 2007).

Lược trích từ Tài liệu Hội nghị Khoa học Nội khoa toàn quốc lần thứ IX

Lần cập nhật cuối lúc Thứ năm, 28 Tháng 4 2016 14:39

You are here Tin tức Y học thường thức Tác dụng của cây nghệ (curcuma longa) và các chế phẩm trong việc hỗ trợ điều trị một số bệnh (phần 2)