Cảnh báo dịch bệnh do vi rút Zika

Ths Cao Thành Vân - CN Nguyễn Thị Kim Loan

Gần đây, những thông tin về tình hình dịch bệnh do virus Zika với sự gia tăng đột biến về số bệnh nhân nhiễm, đặc biệt là ở khu vực Trung - Nam Mỹ, kèm theo đó là sự gia tăng số trẻ bị dị tật đầu nhỏ được sinh ra từ những bà mẹ nhiễm loại virus này đã thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, Tổ chức y tế đã vào cuộc và cảnh báo dịch trên toàn cầu. Dự đoán khoảng 4 triệu người có thể bị nhiễm virus Zika tới cuối năm nay.

Trước tình hình lan rộng của bệnh do virus Zika sang các quốc gia và vùng lãnh thổ ở nhiều châu lục cũng như khả năng có thể gây dị tật bẩm sinh của nó, từ  tháng 3/2016, Bộ y tế nước ta đã chủ động triển khai các hoạt động và biện pháp phòng chống dịch bệnh do virus Zika ngay từ khi chưa phát hiện trường hợp dương tính nào.

zika1

Hình ảnh virus Zika

Theo thông tin từ Cục y tế dự phòng, Bộ y tế, đến ngày 04/4/2016, các Viện Vệ sinh dịch tể/ Pasteur đã xét nghiệm 1.215 mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp có biểu hiện tương tự như nhiễm virus Zika tại 32 tỉnh, thành phố trên cả nước, qua đó đã phát hiện 2 trường hợp dương tính với virus Zika tại tỉnh khánh Hòa và Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể như sau:

1 . Trường hợp thứ nhất: bệnh nhân nữ, 64 tuổi, cư trú tại phường Phước Hòa, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; khởi phát ngày 26/03/2016 với các triệu chứng sốt nhẹ, đau đầu, nổi ban ở hai chân và đau mắt đỏ. Bệnh nhân tự uống thuốc hạ sốt ở nhà nhưng không đỡ, đến ngày 28/3/2016 bệnh nhân được người nhà đưa đến khám tại Bệnh viện Nhiệt đới Khánh Hòa. Kết quả xét nghiệm ngày 31/3/2016 tại Viện Pasteur Nha Trang dương tính với vi rút Zika; xét nghiệm khẳng định lại tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh ngày 04/4/3016 đều cho kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút Zika; 

2. Trường hợp thứ hai: bệnh nhân nữ, 33 tuổi, cư trú phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP. Hồ Chí Minh, khởi phát ngày 29/3/2016 với triệu chứng phát ban, viêm kết mạc, mệt mỏi và đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Quận 2 cùng ngày do lo ngại bị bệnh rubella; nhập viện, kết quả xét nghiệm ngày 31/3 và 01/4/2016 tại Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh dương tính với vi rút Zika; sau đó kết quả xét nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ngày 02/4/2016 và của Trường Đại học Nagasaki đặt tại Viện ngày 04/4/2016 cũng cho kết quả dương tính với vi rurs Zika

I. VIRUS ZIKA LÀ GÌ ?

Virus Zika là một loại ARN virus, thuộc họ Arbovirus, chi Flavivirus, nhóm Flaviviridae, được phát hiện lần đầu tiên trên khỉ ở khu rừng Zika thuộc Uganda trong chương trình giấm sát bệnh Sốt vàng nên được đặt tên theo địa danh nơi phát hiện ra nó.

Virus Zika có hình cầu, đường kính khoảng 40nm, lõi Nucleocapsid có đường kính khoảng 25-30nm bao gồm 1 chuỗi đơn ARN dài 10794 base tổng hợp 4 protein cấu trúc là C, pr, M, E và 7 loại proteine phi cấu trúc (non structure - NS) là NS1, NS2A, NS2B, NS3, NS4A, NS4B và NS5  .

zika2

II. LỊCH SỬ VÀ TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH

• 1947: Lần đầu tiên, các nhà khoa học phát hiện virus Zika từ một con khỉ nâu tại một khu rừng của Uganda trong chương trình giám sát bệnh sốt vàng.

• 1948: Virus Zika được phát hiện trên muỗi Aedes tại nước này.

• 1952: Trường hợp người nhiễm virus Zika đầu tiên được phát hiện tại Uganda và Tanzania (Châu Phi).

• 1960-1983: Các ca bệnh rải rác được báo cáo ở Châu Phi, Nam Mỹ và Châu Á (Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Pakistan).

• 2007: Vụ dịch đầu tiên xảy ra tại đảo Yap (Micronesia – Châu Á) với 185 trường hợp trong vòng 13 tuần.

• 2012: Hai loài khác nhau của virus được phát hiện ở châu Phi và châu Á.

• 10/2013: Vụ dịch lớn xảy ra tại French Polynesia (Châu Mỹ) với khoảng 10.000 ca bệnh được ghi nhận, trong đó có khoảng 70 trường hợp có biến chứng thần kinh (hội chứng Guillain Barre, viêm não màng não). Sau đó lây lan ra các đảo thuộc khu vực Thái Bình Dương.

• Ngày 02/3/2015: Brazil báo cáo một dịch bệnh đặc trưng nghi ngờ gây ra bởi virus Zika.

• Ngày 29//4/2015: mẫu bệnh phẩm Brazil thử nghiệm dương tính với visus Zika.

• Ngày 17/7/2015: Brazil báo cáo phát hiện các rối loạn thần kinh ở trẻ sơ sinh gắn liền với tiền sử người mẹ nhiễm Zika.

• Ngày 30/10/2015: Brazil báo cáo sự gia tăng bất thường trong các trường hợp đầu nhỏ trong số trẻ sơ sinh được sinh ra từ các bà mẹ nhiễm virus Zika trong thời kỳ mang thai.

• Ngày 11/11/2015: Brazil tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp trên toàn quốc gia.

• 2015-2016: Dịch lan rộng ở nhiều nước thuộc khu vực Trung và Nam Mỹ, đặc biệt là Brazil và Colombia. Bệnh cũng xâm nhập sang các nước khác như Nga, Đức, Mỹ, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Úc, Trung Quốc, Thái Lan ...

• Ngày 01/02/ 2016: Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế trên nhiều quốc gia.

• Ngày 05/4/2016: Bộ Y tế Việt Nam xác nhận 2 ca nhiễm virus Zika đầu tiên.

III. ĐƯỜNG LÂY TRUYỀN CỦA VIRUS ZIKA

1. Đường muỗi đốt:

Đây là đường lây truyền chủ yếu, muỗi truyền bệnh thuộc nhóm Aedes, chủ yếu là Aedes aegypti, các chủng Aedes khác có thể lây truyền virus Zika gồm A. africanus, A. vitattus, A. furcifer, A. apicoargenteus, và A. luteocephalus. Đây cũng là trung gian truyền bệnh virus Dengue, Chikungunya, Sốt vàng, Sốt Tây sông Nile …

Chúng sinh sản ở những nơi nước đọng và thường đốt người vào ban ngày. Khi muỗi hút máu người hay động vật bị nhiễm virus Zika, virus sẽ nhân lên trong cơ thể muỗi và ủ bệnh sau 10 ngày có thể gây truyền virus cho người hoặc động vật khác. Một cá thể muỗi nhiễm virus Zika có thể truyền mầm bệnh cho các thế hệ muỗi con cháu, loài muỗi này có thể hút máu được 4-5 người trong cùng một bữa ăn, điều đó cắt nghĩa cho sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh.

zika3 

 2. Đường Quan hệ tình dục

Theo CDC, virus ZiKa có thể tồn tại trong tinh dịch của nam giới 10 tuần sau khi bệnh khởi phát. Một số người nhiễm bệnh nhưng lại không có biểu hiện sẽ truyền virus cho các đối tác tình dục. Vì vậy CDC khuyến cáo những người đàn ông sống hoặc du lịch tới khu vực bị ảnh hưởng bởi virus ZiKa nên tránh sinh hoạt tình dục, hoặc sử dụng các biện pháp phòng tránh như bao cao su, đặc biệt với phụ nữ mang thai để bảo vệ thai nhi.

3. Truyền máu:

 Virus Zika tồn tại trong máu người bệnh khoảng 28 ngày và mần bệnh có thể truyền sang cho người khác qua đường truyền máu. Các chuyên gia khuyến cáo việc hiến máu và truyền máu cần được bảo đảm và xét nghiệm virus cẩn thận.

4. Lây truyền từ mẹ sang con:

Virus còn có thể lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai hoặc trong lúc sinh. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng phát hiện virus ZiKa có thể được tìm thấy trong sữa mẹ, tuy nhiên chưa có báo cáo trường hợp nào lây truyền qua sữa mẹ.

IV. BIỂU HIỆN NHẬN BIẾT KHI NHIỄM VIRUS ZIKA

Nhiễm virus Zika là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, thường diễn biến lành tính. Khoảng 80% các trường hợp không có triệu chứng lâm sàng. Thời gian ủ bệnh từ 3-12 ngày.

Bệnh nhân thường khởi phát cấp tính với các biểu hiện:

 zika4

zika5

- Các triệu chứng lâm sàng thường nhẹ, kéo dài từ 2-7 ngày. Có thể có biến chứng về thần kinh như: Hội chứng Guillain Barre, viêm não màng não hoặc hội chứng não nhỏ ở trẻ sinh ra từ các bà mẹ mắc bệnh trong thời kỳ mang thai

zika6

zika7

zika8 

Hầu hết những em bé kém may mắn như vậy đều không sống được lâu. Và dù có sống sót, sự phát triển của các bé cũng gặp rất nhiều khiếm khuyết.

Trên thực tế, các nhà khoa học vẫn chưa có kết luận chính thức về việc Zika là nguyên nhân gây nên chứng teo não. Tuy nhiên, để giảm thiểu rủi ro, các nhà khoa học khuyên rằng người dân trong vùng dịch không nên mang thai.

Một ca bệnh được chẩn đoán nghi ngờ khi người bệnh đi về từ vùng dịch tể trong vòng 12 ngày hoặc tiếp xúc với người bệnh đã được chẩn đoán xác định; có biểu hiện phát ban và/hoặc sốt kèm theo ít nhất một trong các biểu hiện lâm sàng như đau mõi cơ, đau khớp, viêm kết mạc mà không xác định được các căn nguyên khác

Chẩn đoán xác định khi ca bệnh nghi ngờ có các xét nghiệm khẳng định căn nguyên như RT-PCR Zika virus dương tính, hay phản ứng huyết thanh phát hiện kháng thể kháng virus Zika (IgM) dương tính và có hiệu giá kháng thể cao gấp từ 4 lần trở lên so với hiệu giá kháng thể trung hòa các Flavivirus khác (virus Dengue, Chikungunya …) tại cùng thời điểm.

V. ĐIỀU TRỊ:

Cho đến nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh do virus Zika, điều trị triệu chứng là chủ yếu, bao gồm: nghỉ ngơi, bồi phụ nước, điện giải, hạ sốt nếu có sốt cao. Người bệnh đặc biệt cần thận trọng khi dùng Aspirin hay corticoid khi chưa loại trừ được sốt xuất huyết Dengue.

Theo dõi các biểu hiện yếu, liệt cơ sau khi bị bệnh để phát hiện, xử trí sớm hội chứng Gulain-Barre nếu có. 

Đối với phụ nữ mang thai bị nhiễm virus Zika cần siêu âm thai mỗi 2 tuần để phát hiện sớm tình trạng não nhỏ hoặc vôi hóa não ở thai nhi. Trường hợp thai trên 15 tuần có thể chỉ định chọc ooislamf xét nghiệm RT-PCR hoặc lấy máu cuống rốn để làm xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán.

Đối với trẻ bị dị tật não nhỏ hoặc có tiền sử mẹ bị nhiễm virus Zika khi mang thai cần được theo dõi sự phát triển về tinh thần, vận động, thị lực và điều trị các rối loạn về thần kinh nếu có.

VI. PHÒNG TRÁNH ZIKA

Do chưa có vắc xin phòng bệnh nên tôt nhất hiện nay vẫn là diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt như: Mặc quần áo kín, sáng màu, dùng các thuốc xua đuổi côn trùng, nằm màn.

Tại vùng có dịch cần triển khai các biện pháp diệt muỗi, diệt bọ gậy/lăng quăng như: Đảm bảo vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật dụng đọng nước như các mảnh vỡ, lốp xe, vỏ lon, vũng nước đọng. Đậy kín các chum, bể hoặc thả cá diệt loăng quăng, diệt muỗi bằng bẫy, vợt,... 

Cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục đối với người sống trong vùng dịch hoặc ít nhất 4 tuần đối với người từ vùng dịch trở về. Không quan hệ tình dục nếu nghi ngờ hoặc xác định nhiễm virus Zika. Phụ nữ sống trong vùng dịch lưu hành được khuyến cáo không nên mang thai.

Không nhận máu từ người cho bị nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm virus Zika hoặc đi về từ vùng dịch trong thời gian ít nhất 28 ngày.

Ngoài ra, người ta cũng khuyến cáo hạn chế đi đến vùng dịch đang lưu hành. Tổ chức giám sát tốt tại các cửa khẩu để phát hiện sớm ca bệnh đối với người đi về từ vùng dịch Zika.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ năm, 07 Tháng 4 2016 10:32