Thành khẩn tiếp thu sự phê bình của đồng chí là cái thước đo đạo đức cách mạng, tinh thần vì dân vì nước của mỗi cán bộ.

Bs Đặng Ngọc Thành - Khoa Cấp cứu

Bác Hồ là mẫu mực tuyệt vời của con người mới Việt Nam, của con người xã hội chủ nghĩa. Những lời giáo huấn, những cử chỉ ân cần của Bác bao giờ cũng chứa đựng những bài học sinh động, sâu sắc, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người. Học Bác để “lòng ta trong sáng hơn”.

Nhân việc bình bầu, xếp loại cuối năm, tôi xin kể câu chuyện Bác đã dạy chúng ta về tinh thần tự phê bình và phê bình, nhất là đối với cán bộ, đảng viên.

Câu chuyện như sau:

Năm 1968 Đảng ủy Quân chủng Phòng không – Không quân họp kiểm điểm sự lãnh đạo của tập thể Đảng ủy và kiểm điểm riêng từng đồng chí. Cả ngày hôm trước mới xong phần kiểm điểm sự lãnh đạo của tập thể Đảng ủy và góp ý kiến vào bản tự kiểm điểm của anh Đặng Tính – Bí thư Đảng ủy và anh Phùng Thế Tài – Tư lệnh.

bacho11

Vào đầu cuộc họp tiếp sáng hôm sau, anh Đặng Tính vui vẻ thông báo hôm nay vào 9 giờ Hồ Chủ Tịch sẽ xuống Quân chủng ta.

Đúng 9 giờ Bác đến, sau khi bắt tay mọi người, Bác liền hỏi: Từ sáng đến giờ các chú làm gì?

Anh Đặng Tính trả lời: Thưa Bác, Đảng ủy Quân chủng đang họp kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng ủy và góp ý kiến phê bình các đảng ủy viên ạ!

Bác nói: Tự phê bình và phê bình à? Tốt! Thành chế độ thường xuyên được thì càng tốt.

Anh Phùng Thế Tài rót nước mời Bác, Bác hỏi liền:

Chú Tài đã tự phê bình chưa? Bác chỉ tay vào anh Tài rồi cười bảo: Ông tổ cáu gắt đấy nhé! Gần đây có tiến bộ không đấy?

Thưa Bác! Cháu mới kiểm điểm xong hôm qua. Lần này có tiến bộ so với trước nhưng cháu vẫn còn nhiều khuyết điểm lắm. Lần kiểm điểm nào cháu cũng được các đồng chí trong Đảng ủy ưu tiên dành cho nhiều thời gian nhất.

Lần lượt nhìn tất cả mọi người, một cái nhìn đầy thương yêu và độ lượng, Bác ôn tồn nói:

Vì lợi ích cách mạng, vì thương yêu đồng chí, các chú cần thẳng thắn phê bình nhau. Phê bình là điều rất cần thiết. Nhưng điều cần thiết quyết định nhất lại là tinh thần thành khẩn tiếp thu sự phê bình của đồng chí, đồng đội – đó cũng là cái thước đo đạo đức cách mạng, tinh thần vì nước vì dân của mỗi cán bộ!.

Qua câu chuyện trên, ta thấm thía từng lời Bác dạy. Tự phê bình và phê bình không phải là điều gì ghê gớm, trong bản thân mỗi người đều có thể làm được. Điều quan trọng là phải xuất phát từ tấm lòng và con tim của mỗi người. Người phê bình phải trên tinh thần cao thượng, vì tập thể, vì lợi ích chung, góp ý chân thành, đúng sự thật làm người được phê bình phải “tâm phục khẩu phục”. Không được lợi dụng sự phê bình vào mục đích cá nhân, kìm hãm, nói xấu đồng chí, đồng nghiệp. Ngược lại, người nhận được sự phê bình phải luôn hiểu rằng: đồng chí, đồng nghiệp có thương mình thì mới góp ý thẳng thắn cho mình để tiến bộ, chứ không nịnh bợ, tâng bốc cái sai của mình lên. Phải thành khẩn tiếp thu sự phê bình đó để sửa chữa, không được trù dập, định kiến, loại bỏ người đã phê bình mình. Tất cả là vì sự phát triển của tập thể.

Cứ đến cuối năm, chúng ta lại tổ chức đánh giá, phân loại cán bộ, viên chức, đảng viên, trong đó tinh thần tự phê bình và phê bình rất quan trọng. Cần thực hiện tốt những lời dạy của Bác để mỗi người tự “soi” lại mình, phát huy ưu điểm, sửa chữa dần những khuyết điểm, tồn tại, tạo ra sự thống nhất cao trong tập thể để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, phục vụ nhân dân tốt hơn, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị ngày càng phát triển.

Tài liệu tham khảo:

  1. Trần Văn Giang (2008), “Bác Hồ kể chuyện Tây Du Ký”. Nhà xuất bản trẻ, trang 66 - 67.

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ năm, 26 Tháng 11 2015 20:04