• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Nhân viên y tế và Ngày thế giới phòng chống HIV-AIDS

  • PDF.

Khoa Khám bệnh

HIV/AIDS (Human Immunodeficiency Virus infection / Acquired Immuno Deficiency Syndrome -Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải) đang là một đại dịch nguy hiểm, một hiểm họa cho tính mạng con người, nó gây ra những hậu quả trầm trọng về kinh tế xã hội cho mỗi quốc gia và tương lai của giống nòi. Theo số liệu thống kê của Cục phòng chống HIV/AIDS trực thuộc Bộ YTế, tính đến ngày 17/4/2013 trên cả nước có 210.612 trường hợp nhiễm HIV/AIDS. Trong đó có 54.361 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và đã có 54.485 người tử vong.Theo dự báo, nếu không có những biện pháp hữu hiệu, thì đến năm 2020, số người lây nhiễm HIV/AIDS có thể lên đến 700.000 người…Và cứ mỗi ngày trôi qua, Việt Nam lại có thêm 100 người phải sống chung với căn bệnh thế kỉ HIV/AIDS.

hivv2

Đứng trước mối hiểm họa to lớn đó, từ những ngày đầu của đại dịch, James W. Bunn và Thomas Netter, hai nhà hoạt động cho "Chương trình toàn cầu về bệnh AIDS" của Tổ chức Y tế Thế giới tại Genève, Thụy Sĩ đã nhận thức được rằng, đây sẽ là cuộc chiến của toàn nhân loại, và sự cần thiết một ngày kỷ niệm để nhắc nhở cho thế giới không lơ là trước căn bệnh thế kỷ. Hai ông đã trình bày ý tưởng về "Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS" với bác sĩ Jonathan Mann, Giám đốc Chương trình toàn cầu về bệnh AIDS của Tổ chức Y tế Thế giới. Bác sĩ Mann đã đồng ý tổ chức "Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS" đầu tiên vào ngày 1 tháng 12 năm 1988.

Nhằm đẩy mạnh sự phối hợp của toàn thể nhân loại trong việc phòng chống dịch bệnh này, UNAIDS (chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV-AIDS) đã phát động chiến dịch toàn cầu lần đầu tiên từ 1-12-1997. Từ đó đến nay, hàng năm UNAIDS phát động chiến dịch phòng chống HIV-AIDS trên toàn cầu với các chủ đề đặc biệt liên quan đến HIV-AIDS nhằm liên kết chặt chẽ sự phối hợp các thành viên LHQ, các cấp chính quyền và tất cả các thành phần trong xã hội để cùng nỗ lực phòng chống dịch bệnh của thế kỷ.

“Ngày thế giới phòng chống HIV-AIDS” không chỉ là gia tăng tài chính giúp thực hiện chương trình mà còn phải gia tăng nhận thức, giáo dục và chiến đấu chống lại các thành kiến kỳ thị căn bệnh thế kỷ. Ngày thế giới phòng chống HIV-AIDS cũng có tầm quan trọng trong việc nhắc nhở mọi người rằng HIV vẫn còn đó và nhân loại vẫn còn nhiều việc phải làm. Ngày thế giới phòng chống AIDS cung cấp cho tất cả cá nhân - cộng đồng - các nhà lãnh đạo chính trị, một cơ hội để có hành động thiết thực bảo đảm các quyền căn bản của con người phải được bảo vệ và đáp ứng được các mục tiêu toàn cầu về chăm sóc, điều trị và phòng ngừa HIV-AIDS. Khi đó, các ca nhiễm HIV mới sẽ không còn, những người đã nhiễm HIV có thể được điều trị đầy đủ cũng như được sống trong sự sẻ chia, hỗ trợ của cộng đồng, không có sự kỳ thị và phân biệt đối xử.

Với những hành động mạnh mẽ và tích cực như vậy, thế giới đã có những thành công bước đầu trong chương trình phòng chống HIV-AIDS. Tuy nhiên, tại mỗi quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, mà trong đó có ba  thách thức chính:

Hiểu biết của người dân về HIV còn hạn chế. Theo các điều tra gần đây nhất ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, chỉ có 24% phụ nữ trẻ và nam giới trẻ trả lời chính xác 5 câu hỏi về các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV và phản đối những quan niệm sai lầm về lây nhiễm HIV. Nhận thức và kiến thức về HIV thấp sẽ tiếp tục là những thách thức toàn cầu trong những năm tới trong việc kiểm soát sự lây nhiễm HIV.

Đến nay vẫn còn hơn 60% số người đủ tiêu chuẩn điều trị ARV trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vẫn chưa tiếp cận được với các thuốc có ý nghĩa sống còn này với họ. Ở Việt Nam, số người được điều trị ARV đã tăng 18 lần và số người chết liên quan đến AIDS đã giảm nhanh trong vòng năm năm qua, tuy nhiên do nhiều lý do khác nhau vẫn còn hơn một nửa số người nhiễm HIV-AIDS có nhu cầu nhưng vẫn chưa được tiếp cận điều trị kháng vi-rút.

Tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến nhiễm HIV-AIDS vẫn còn tồn tại khá phổ biến tại tất cả các quốc gia trên thế giới. Nhiều quốc gia vẫn còn những quy định cấm những người nhiễm HIV nhập cảnh và cư trú hoặc tồn tại tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo hành giới liên quan đến HIV-AIDS,... Kỳ thị và phân biệt đối xử tiếp tục là nguyên nhân hạn chế những người có hành vi nguy cơ cao cũng như những người nhiễm HIV-AIDS tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị nhiễm HIV-AIDS cũng như là những rào cản đối với việc thực hiện đầy đủ các quyền của người nhiễm HIV-AIDS, bao gồm quyền học hành, lao động v.v…đã được pháp luật các quốc gia quy định.

Để khắc phục được những khó khăn này, bên cạnh trách nhiệm của cả cộng đồng, vai trò của nhân viên y tế chiếm một vị trí vô cùng quan trọng.

Trước hết, để phòng tránh lây nhiễm  HIV, mỗi người nhân viên y tế cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về an toàn truyền máu và an toàn trong các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trước hết là để đảm bảo an toàn cho chính mình, sau đó là để tránh lây nhiễm ra ngoài cộng đồng.

Đối với cộng đồng, mỗi người nhân viên y tế phải là một tuyên truyền viên, cung cấp thông tin, giáo dục giúp nâng cao nhận thức của mọi người dân về nguy cơ của đại dịch HIV-AIDS, sự lây truyền HIV và các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS; Khuyến khích cộng đồng cùng tham gia đối thoại về các yếu tố lây lan của HIV/AIDS, các hành vi nguy cơ và các yếu tố làm tăng hoặc giảm các hành vi nguy cơ, tạo ra nhu cầu về thông tin, dịch vụ và thúc đẩy hành động, thực hiện hành vi an toàn để làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS.

Đối với bệnh nhân HIV, mỗi bác sĩ và điều dưỡng phải là tấm gương không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV / bệnh nhân AIDS. Mỗi nhân viên y tế phải đồng cảm, chia sẻ những nỗi đau của người bệnh, là người mẹ hiền trong cơn đau, là người bạn tri kỷ để họ có thể tâm sự những tâm tư -  tình cảm, là người thầy hướng dẫn họ cách tự chăm sóc bản thân, tự theo dõi sức khỏe, tự dùng thuốc, tự học cách suy nghĩ lành mạnh, hành động đúng đắn đóng góp nhiều cho xã hội.

Trong 30 năm đương đầu với HIV-AIDS, nhân loại đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhân, nhưng rõ ràng là con đường đi đến mục tiêu cuối cùng là thanh toán hoàn toàn căn bệnh thế kỷ này vẫn còn rất chông gai. Vì vậy, “Ngày thế giới phòng chống HIV-AIDS” là dấu ấn quan trọng để luôn nhắc nhở chúng ta không bao giờ được chủ quan trong cuộc chiến này, và mỗi người nhân viên y tế, với vai trò là người chiến sĩ tiên phong, sẽ luôn nỗ lực để mang lại sức khỏe cho mọi người.

Tài liệu tham khảo

  1. Tài liệu Tập huấn Chăm sóc và điều trị HIV/AIDS cơ bản - tỉnh Quảng Nam.
  2. Dự phòng và chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS, nhà xuất bản Y học, Hà Nội - 2009

Lần cập nhật cuối lúc Thứ ba, 24 Tháng 11 2015 16:53

You are here Tin tức Y học thường thức Nhân viên y tế và Ngày thế giới phòng chống HIV-AIDS