• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Nhân sâm Việt Nam - cây thuốc cần được bảo tồn và phát triển

  • PDF.

Ths Nguyễn Văn Tánh - Khoa YHCT

NHÂN SÂM

Đông y coi sâm là vị thuốc đứng đầu các vị thuốc bổ, theo thứ tự sâm, nhung, quế, phụ. Sâm nói ở đây là vị Nhân sâm. Tên Nhân sâm là do vị thuốc giống hình người. Nhân sâm là rễ cây Nhân sâm Panax ginseng, họ Ngũ gia bì Araliaceae .

Cây nhân sâm mọc hoang và được trồng ở Trung quốc, Triều tiên, vùng Viễn đông của Liên xô cũ, còn được trồng ở Nhật bản, Mỹ, nhưng nổi tiếng vẫn là sâm Triều tiên và sâm Trung quốc.

Theo YHCT, nhân sâm có vị ngọt, hơi đắng, vào kinh phế, tỳ, có tác dụng đại bổ nguyên khí, ích huyết, sinh tân dịch. Trên lâm sàng được ứng dụng để chữa chứng khí hư (người gầy, mệt nhọc, ăn kém, nói nhỏ, ngại nói); chứng choáng và trụy mạch do mất máu, mất nước (chân tay lạnh, sắc mặt trắng bệch, mạch nhỏ muốn tuyệt gọi là chứng vong dương hay thoát dương); sinh tân dịch để chữa chứng khát do âm hư, sốt kéo dài tân dịch giảm; an thần do huyết hư không nuôi dưỡng được tâm thần gây vật vã, ngủ ít, hốt hoảng; chữa hen suyễn do phế khí hư; cầm ỉa chảy mạn tính do tỳ hư.

SAM2

Sâm Việt Nam từ 2 đến 6 tuổi

Liều lượng: 2-12 g/ngày.

Cách dùng trong nhân dân như sau:

  1. Sâm thái mỏng, cho vào miệng ngậm và nhấm từng tý một, nuốt nước và cả bả.
  2. Thái mỏng. cho vào ấm hay chén sứ. Thêm một tí nước đậy kín. Đun cách thủy, uống nước. Sau đó lại thêm nước và đun cách thủy tiếp tục uống, làm như vậy cho đến khi hết mùi vị mới thôi.

Vài đơn thuốc có nhân sâm trong đông y:

  1. Độc sâm thang (chỉ có một vị nhân sâm): chữa cơ thể quá suy nhược sau khi mất máu nhiều, thần kinh suy nhược. Nhân sâm 40g; nước 400ml (2 chén) sắc còn 200ml (1 chén), cho uống từng tí một, không kể thời gian, uống xong cần nằm yên.
  2. Sâm phụ thang: chữa những trường hợp mạch suy, kiệt, mồ hôi ra nhiều, chân tay lạnh. Nhân sâm 40g; phụ tử chế 20g; sinh khương 3 lát; đại táo 3 quả; nước 600ml (3 chén) sắc còn 200ml (1 chén), chia làm nhiều lần uống trong ngày.

NHÂN SÂM VIỆT NAM

Nhân sâm Việt Nam còn gọi là sâm Ngọc Linh, sâm K5, thuốc giấu.

Tên khoa học Panax vietnamensis Hà et Grushv. Họ Araliaceae.

Lúc 9 giờ sáng ngày 19-03-1973, một đoàn điều tra dược liệu của Trung bộ, do dược sĩ Đào Kim Long và Nguyễn Châu Giang dẫn đầu đã phát hiện trên con đường đi từ làng Ku-gia theo sườn đông – nam dãy núi Ngọc Linh ở độ cao 1500m hai cây Panax đầu tiên, một cây 9 tuổi, một cây 11 tuổi và đến 19 giờ cùng ngày đã đặt chân vào vùng sâm Ngọc linh rộng lớn. Đến tháng 9-1985, Hà Thị Dụng và I. V. Grushvisky, sau khi nghiên cứu 50 mẫu vật đối chiếu với những mẫu vật của thế giới đã kết luận sâm Ngọc linh là một loài mới, một loài Panax đặc hữu của khu hệ thực vật Việt Nam và đặt tên Panax vietnamensis Hà et Grushv (Tạp chí Sinh học, 9-1985, 45-48).

Sâm Ngọc linh về mặt hóa học, thân rễ và rễ củ đã phân lập được 52 saponin, trong đó có 26 saponin thường thấy ở sâm Triều tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật, đại diện chính là Ginsenoside – Rb1, Ginsenoside –Rg1, Ginsenoside Rd và 26 saponin mới phát hiện trong sâm Ngọc linh, đại diện chính là Majonosid R1, Majonosid R2. Đặc biệt Majonosid –R2 chiếm 50% hàm lượng saponin toàn phần của sâm Ngọc linh. Trong lá và cọng lá đã phân lập được 19 saponin dammaran, trong đó có 8 saponin có cấut trúc mới. Hàm lượng saponin trong sâm Ngọc linh 13-18%, cao hơn hẳn trong nhân sâm 4-8% và các loài sâm khác. Ngoài thành phần chính là saponin, trong sâm Ngọc linh còn xác định có 17 acid amin, 20 chất khoáng vi lượng và hàm lượng tinh dầu.

Sâm Ngọc linh có nhiều tác dụng: bổ dưỡng, tăng lực, cải thiện trí nhớ, cải thiện năng lực tâm thần kinh, tăng cường hưng phấn vỏ đại não, cải thiện tính linh hoạt của hoạt động thần kinh, kích thích miễn dịch, chống lão hóa, bảo vệ gan, tác dụng chống viêm, điều hòa huyết áp, hạ lipid máu, dự phòng xơ vữa động mạch, thu nhỏ ổ loét dạ dày tá tràng, tăng cường chức năng sinh dục… Ngoài ra, sâm Ngọc linh còn thể hiện một số tác dụng đặc hữu mới so với sâm Triều tiên và một số loài sâm khác như: tác dụng giải lo âu, chống trầm cảm, chống oxy hóa, tác dụng kháng khuẩn…

Những kết quả nghiên cứu về hóa học, tác dụng dược lý cho thấy sâm Ngọc linh là một loài panax đặc hữu Việt Nam, có nhiều điểm vượt trội hơn so với các nhân sâm khác trên thế giới. Tuy nhiên, có sự khác biệt về cách đánh giá của hai nền Y học cổ truyền và Y học hiện đại, theo những nhà Y học cổ truyền khi nếm vị nhân sâm Triều tiên (củ sâm), trước hết phải thấy vị ngọt, sau thấy đắng, rồi lại ngọt và ngọt (tiền cam, hậu khổ, hậu cam, cam) khi đang mệt, ngậm một miếng sâm trong miệng một lúc, thấy hết mệt liền, trong người thấy khoan khoái. Còn sâm Ngọc linh, khi nếm thì đầu tiên thấy đắng, sau vẫn thấy đắng, đắng (tiền khổ, hậu khổ, hậu khổ khổ). Hãm hay sắc củ sâm Ngọc linh rồi ta ngậm hay uống hầu như không thấy cảm giác khoan khoái. Đây là điều mà các nhà khoa học hiện đại cần tìm cho ra: do cách chế biến chưa đúng hay các hoạt chất trong củ nhân sâm của ta còn bị một thứ men nào che lấp, không cho thể hiện ngay như củ nhân sâm Triều tiên.

Do vậy, sâm Ngọc linh hầu như không thấy được tiêu thụ, sử dụng dưới dạng rễ củ đơn độc như nhân sâm Triều tiên. Thường được sử dụng phối hợp với nhiều vị thuốc khác trong một thang thuốc hay một dạng bào chế (viên, nước, xiro…).

Liều dùng 2-6g/ ngày.

Sâm Ngọc linh là cây thuốc cực kỳ quý hiếm, nay gần như cạn kiệt trong tự nhiên. Chúng ta cần khôi phục, bảo tồn nguồn giống, nuôi trồng và phát triển cây sâm Ngọc linh để dáp ứng mọi nhu cầu về Nhân sâm của nhân dân ta.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đỗ Tất Lợi, 2006, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học – NXB Thời đại, tr. 804-810.
  2. Nguyễn Như Chính – Đặng Ngọc Phái, 2010, Khôi phục và di thực cây Sâm Ngọc linh, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh Quảng Nam.
  3. Trường Đại học Y Hà Nội – Khoa Y học cổ truyền, 2007, Đông dược, NXB Y học, tr. 190-191.

Lần cập nhật cuối lúc Thứ hai, 15 Tháng 6 2015 20:53

You are here Tin tức Y học thường thức Nhân sâm Việt Nam - cây thuốc cần được bảo tồn và phát triển