Loãng xương và gãy đốt sống phổ biến ở bệnh nhân COPD

Ths Trình Trung Phong - Khoa Nội Tổng hợp

LOÃNG XƯƠNG ÍT ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ Ở BỆNH NHÂN COPD

Cứ khoảng 1trong 5 bệnh nhân bị COPD được phục hồi chức năng phổi là bị loãng xương (LX), nhưng họ lại không được hướng dẫn để điều trị nhằm ngăn ngừa LX.

Bệnh nhân COPD được biết là có nguy cơ cao bị LX. Việc điều trị LX gồm biphosphonat phối hợp với bổ sung calci cùng với vitamin D và can thiệp hành vi. Tuy nhiên vẫn chưa rõ LX có được chẩn đoán và điều trị ở bệnh nhân COPD hay không? Để kiểm tra tỷ lệ điều trị bằng thuốc về loãng xương và xác định các biểu hiện về lâm sàng của LX, nhuyễn xương ở bệnh nhân COPD, Lidwien Graat- Verboom và cộng sự đã nghiên cứu trên 554 bị bệnh phổi tham gia vào chương trình phục hồi chức năng phổi vào khoảng giữa các năm 2005 – 2007.

loangxuon1

Các bệnh nhân được phỏng vấn và được đánh giá hồ sơ bệnh án nhằm thu thập thông tin về bệnh sử, thuốc đang sử dụng và tình trạng hút thuốc. Họ cũng được đánh giá chức năng phổi và đo BMI. Bệnh nhân được chia làm 3 nhóm tuổi: ≤ 55, 56- 65, >65. Mật độ khoáng xương (BMD) toàn thân được xác định bằng chụp DXA, với LX được xác định bằng chỉ số T < -2,35, nhuyễn xương khi T giữa – 2,35 đến -0,9, và BMD bình thường khi T> -0,9.

Kết quả các test này cho thấy 21% bệnh nhân bị loãng xương và 41% bệnh nhân bị nhuyễn xương. Tuy nhiên 82% bệnh nhân bị LX chưa được dùng thuốc điều trị LX.

Các yếu tố liên quan độc lập với tăng nguy cơ LX ở những bệnh nhân này bao gồm suy kiệt cơ thể (với OR=12,1), tuổi 55 -65 (OR=6,0) và tuổi >65 (OR = 11,7).

Điều thú vị là thừa cân hoặc béo phì liên quan đến giảm nguy cơ LX với OR lần lượt là 0,1 và 0,78.

Dựa trên các kết quả này, các nhà nghiên cứu khuyến cáo các bác sĩ hô hấp phải chụp DXA cho bệnh nhân COPD đang suy kiệt, đặc biệt khi họ> 55 tuổi bất kể giới tính hoặc độ nặng COPD.

(Lược dịch từ Osteoporosis undertreated in COPD patients trên MedWire News )

 

GÃY ĐỐT SỐNG PHỔ BIẾN Ở BỆNH NHÂN COPD

Một nghiên cứu lớn cho thấy:những bệnh nhân COPD với những đợt cấp nặng có tỷ lệ gãy lún đốt sống (VCF) cao đặc biệt ở những người có BMI thấp.

“ COPD và loãng xương có cùng yếu tố nguy cơ bao gồm tuổi già và hút thuốc lá. Hơn nữa, COPD tiến triển có liên quan đến dùng corticoid toàn thân kéo dài, nhiễm trùng mạn tính và cân nặng thấp, tất cả những yếu tố này dẫn đến loãng xương”. Sumit Majumdar (trường đại học Bệnh viện Alberta ở Edmonton,Canada) và cộng sự giải thích thêm “biến chứng lâm sàng duy nhất của loãng xương là gãy xương trong đó hay gặp nhất là VCF”.

Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu tỷ lệ và các yếu tố tương quan độc lập của VCF trong số 245 bệnh nhân COPD có đợt cấp nặng tại 3 phòng khám cấp cứu tại Canada trong khoảng các năm từ 2004 -2006, trong số đó có 44% là phu nữ và 37% trên 75 tuổi. Xquang ngực tại đợt cấp cho thấy bằng chứng của VCF ở 22 bệnh nhân (9%). Trong số những bệnh nhân này, 10 người (43%) không được điều trị loãng xương, mặc dù tất cả bệnh nhân đều được điều trị bằng corticoid đường uống, khiến họ tăng nguy cơ bị loãng xương.

So với những người không bị VCF, những người bị gãy xương thường già hơn, có thời gian mắc bệnh dài hơn và có FEV1 thấp hơn.

Majumdar và cộng sự kết luận trong tạp chí Respiratory Medicine: “Gần 10% số bênh nhân bị đợt COPD nặng có VCF được phát hiện và khẳng định bằng X quang ngực. Khoảng ½ số bệnh nhân này không được điều trị loãng xương và tất cả trong số họ đều được kê đơn dùng corticoid uống khiến bệnh nhân có nguy cơ loãng xương nhiều hơn và tổn hại thêm tới chức năng phổi.”

Các tác giả cũng nhấn mạnh thêm: “Kết quả của chúng tôi cho thấy X quang ngực có thể là công cụ quan trọng để phát hiện gãy lún đốt sống, đặc biệt là những bệnh nhân COPD thấp cân”

(Lược dịch từ: Vertebral fractures common in COPD patients trong Respir Med)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ bảy, 13 Tháng 6 2015 20:39