Bóp bóng ambu thế nào là đúng cách?

Bs CKI Đặng Ngọc Thành - Khoa Cấp cứu

Trong quá trình điều trị, chăm sóc người bệnh hàng ngày tại các khoa phòng, chúng ta đều có thể gặp những tai biến và biến chứng xẩy ra. Điều này đôi khi do chính bệnh của người bệnh hoặc do tác dụng không mong muốn của thuốc hoặc các phương pháp điều trị mang lại.

Một trong những tai biến hoặc biến chứng đó là tình trạng suy hô hấp cấp hoặc ngừng thở đột ngột đòi hỏi phải cấp cứu kịp thời ngay tại chỗ để cứu sống người bệnh vì nếu chậm trễ sẽ dẫn đến hậu quả rất nặng nề đó là tình trạng tổn thương não không hồi phục và cuối cùng người bệnh sẽ tử vong.

Trong điều kiện hiện nay, tất cả các khoa, phòng, các cơ sở y tế đều được trang bị những phương tiện cấp cứu cơ bản, trong đó bóng Ambu là một dụng cụ hỗ trợ hô hấp rất tiện lợi và mang lại hiệu quả cao. Nếu bóp bóng đúng cách, đưa được lượng khí cần thiết vào phổi thì người bệnh sẽ hồi phục tốt, hoặc ít ra cũng còn thời gian vận chuyển đến trung tâm hồi sức có máy thở để tiếp tục hồi sức. Ngược lại, nếu không nắm được kỹ thuật bóp bóng Ambu thì dù cấp cứu kịp thời nhưng không đưa khí vào phổi người bệnh mà để lọt ra ngoài (do hở mặt nạ) hoặc khí vào dạ dày quá nhiều thì tình trạng người bệnh sẽ xấu dần và tử vong. Vì vậy, sử dụng thành thạo bóng Ambu và bóp bóng đúng cách là yêu cầu cơ bản đối với mỗi người làm công tác y tế ở tất cả các tuyến. Bóng Ambu nên để gần người bệnh và phải được bảo quản tốt, sửa chữa kịp thời những hư hỏng để luôn luôn sẵn sàng cho việc sử dụng.

II. Kỹ thuật:

1. Chuẩn bị phương tiện:

ambu1

Bóng Ambu và mặt nạ

- Bóng Ambu và mặt nạ cho người lớn

- Bóng Ambu và mặt nạ cho trẻ em

- Bình oxy (nếu có)

- Bóng Ambu phải được bơm cuff vừa đủ căng để không thoát khí ra ngoài

2. Chuẩn bị người bệnh:

- Người bệnh nằm ngửa, ưỡn cổ, kê gối dưới vai

3. Các bước tiến hành:

- Móc họng lấy dị vật (nếu có)

- Lau sạch miệng và mũi người bệnh

- Áp sát mặt nạ vào mũi và miệng người bệnh (chú ý mặt nạ có hình tam giác, đỉnh úp vào mũi và đáy úp vào miệng, không được đặt ngược lại)

- Thực hiện kỹ thuật chữ E và chữ C:

mbu2

ambu2

Kỹ thuật chữ E và chữ C khi giữ mặt nạ

+ Kỹ thuật chữ E: Dùng 3 ngón tay 3,4,5 móc vào góc hàm của người bệnh. Động tác này vừa có tác dụng hỗ trợ cố định mặt nạ vào mặt người bệnh, vừa có tác dụng đẩy hàm dưới ra trước.

+ Kỹ thuật chữ C: Dùng 2 ngón tay 1,2 đè vào mặt nạ từ phía đỉnh hướng xuống phía đáy với lực vừa phải, đủ kín không cho khí thoát ra hai bên má. Động tác này có tác dụng giữ cho mặt nạ đúng vị trí và cố định vào mặt người bệnh. Như vậy 5 ngón tay của người cấp cứu phối hợp nhịp nhàng với nhau vừa giữ cho đường thở thông thoáng, vừa giữ mặt nạ chặt và đúng vị trí để khi bóp không bị di lệch.

- Bóp đều đặn từ 12 – 14 lần/ phút đối với người lớn và 25 – 30 lần/ phút đối với trẻ em. Khi bóp quan sát lồng ngực của người bệnh xem có phồng lên không? Quan sát vùng thượng vị xem có chướng không?

- Bóp bóng cho đến khi người bệnh tỉnh lại hoặc thở lại, đồng tử co (trừ trường hợp rắn cạp nia cắn, đồng tử không co).

- Phối hợp bóp bóng Ambu với ép tim ngoài lồng ngực nếu có ngừng tuần hoàn.

4. Tai biến:

- Tràn khí màng phổi: Chọc hút, dẫn lưu khí màng phổi.

- Chướng bụng: do hơi vào dạ dày: Đặt ống thông dạ dày.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: