Điều mong ước của bà tôi

Bs CKI Đặng Ngọc Thành - Khoa Cấp cứu

Hướng tới kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, có lẽ không một gia đình nào trên đất nước Việt Nam mà không có người đi bộ đội và không một miền quê nào mà không có liệt sỹ. Trong số hàng vạn những người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống, một số người đã xác định được danh tính, được quy tập vào các nghĩa trang hoặc được đưa về quê hương để yên giấc bên cạnh những người thân. Như vậy cũng an ủi phần nào đối với những người đang sống. Nhưng vẫn còn phần lớn những người đã hi sinh mà cho đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt, họ còn nằm rải rác trên những cánh rừng, con suối, đáy sông, dưới biển sâu hay nơi đô thị. Xương thịt của các anh các chị, các cô chú và các bác đã hòa vào lòng đất mẹ để đời đời các thế hệ mai sau luôn mong mỏi, tìm kiếm và để lại nỗi nhớ khôn nguôi.

me1

Gia đình tôi cũng nằm trong hoàn cảnh như vậy. Bà nội tôi sinh được hai người con trai, bác tôi và ba tôi, bác tôi sinh năm 1947, đến năm 1956 thì ông nội tôi hi sinh tại Lào. Năm 1965 khi giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, quê tôi nằm bên bờ sông Gianh là một trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ, làng quê bị bom cày xới xơ xác tiêu điều, không ngày nào mà không có người chết vì bom Mỹ, có gia đình bị bom xóa sổ hoàn toàn. Trước cảnh nước mất nhà tan, căm thù giặc sâu sắc, bác tôi đã viết đơn tình nguyện đi bộ đội trong khi đang học cấp 3 (hệ 10 năm của miền Bắc thời đó) và được huyện đội chấp nhận. Một ngày tháng 5 năm 1965 khi đi học về, bác tôi cất cặp và khoe với bà tôi là được đi bộ đội, tin vui bất ngờ đó làm bà tôi không kịp chuẩn bị gì, chỉ ra vườn nhặt được vài ngọn rau lang còn sót lại nhưng đã úa vàng vì bom Mỹ, nấu nồi canh mà gia vị duy nhất chỉ có muối để bác tôi ăn với cơm, nói là cơm nhưng chủ đạo vẫn là sắn độn vào, thỉnh thoảng mới có một hạt gạo. Đó là bữa cơm cuối cùng của bác tôi trước khi lên đường đi đánh Mỹ. Không biết vào thời điểm đó có bao nhiêu gia đình miền Bắc tiễn con đi trong hoàn cảnh như vậy? Hôm nay ngồi viết lại những dòng này, tôi không cầm được nước mắt khi nghĩ về thời đau thương nhưng rất anh dũng đó.

Bác tôi ăn xong và thu xếp được 2 bộ quần áo rồi lên đường ngay, vì thời gian quá gấp nên không dặn dò được những người thân, chỉ đinh ninh trong lòng chờ ngày chiến thắng trở về đoàn tụ. Nhưng ngày đó mãi mãi không bao giờ có được.

Sau 3 tháng huấn luyện ở Thanh Hóa, tháng 8 năm 1965 bác tôi được biên chế vào đơn vị chủ lực hành quân vào chiến trường Quảng Trị, phải nói rằng Quảng Trị lúc đó là một chiến trường cực kỳ ác liệt, đòi hỏi người chiến sỹ phải có tinh thần thép mới bám trụ được. Những cuộc chiến đấu giành giật nhau từng chiến hào, từng tấc đất thường xuyên diễn ra, quân số hao hụt liên tục, có đơn vị ngày hôm nay mới được bổ sung quân, người chỉ huy chưa nhớ hết mặt thì sáng mai người lính đó đã ra đi. Vì tính chất của cuộc chiến đấu nên bác tôi không có thời gian về phép thăm gia đình, chỉ viết duy nhất một lá thư mà gần ba năm sau thì đồng đội mới chuyển về được cho bà tôi. Và rồi những gì đến nó sẽ đến, chiều ngày 30/12/1968 sau khi chống trả một đợt phản kích của tàu chiến và máy bay Mỹ đổ quân tại bờ biển xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, đơn vị của bác tôi bị xóa sổ hoàn toàn, chỉ duy nhất một người sống sót nhưng bị thương rất nặng và bị địch bắt, đến năm 1973 mới được trao trả. Theo đồng chí đó kể lại thì đơn vị bị bom dội trúng đội hình nên thân xác người chiến sỹ không còn nguyên vẹn, sau đợt bom bà con ở xung quanh ra nhặt từng mảnh thi thể rồi lấp vội xuống bãi cát mà không một nấm mồ hay một dòng bia mộ. Sáng ra thủy triều lên san phẳng hoàn toàn trả lại một bãi biển mịn màng như không có gì xảy ra. Chiến tranh là nghiệt ngã như vậy.

Bác tôi hi sinh gần hai năm thì gia đình nhận được giấy báo tử, chỉ ghi vỏn vẹn “hi sinh tại mặt trận phía Nam, thi hài được mai táng tại nghĩa trang gần mặt trận” và sau đó thì nhận được thư của bác tôi (thư viết cách hơn một năm trước khi hi sinh). Phải nói bà nội tôi đau đớn biết nhường nào, dẫu biết rằng không chỉ có con mình hi sinh mà xung quanh vẫn có nhiều gia đình mất con như vậy, nhưng điều day dứt của bà là chưa nấu cho con một bữa cơm đầy đủ để con ăn mà con đã ra đi và giấy báo tử chỉ ghi chung chung như vậy biết tìm con ở nơi đâu? Nỗi đau này  ám ảnh bà tôi mãi, mỗi năm cứ đến ngày giỗ bác tôi, bà tôi thường bảo làm thật nhiều, thật ngon và để lại trên bàn thờ rất lâu như thể bác tôi cùng về ăn với gia đình vậy!

Chiến tranh kết thúc, lúc còn tỉnh táo bà tôi cũng đã vài lần đi tới nơi bác tôi hi sinh, chắp nối những thông tin của đồng đội cung cấp để hi vọng tìm được điều gì đó dù chỉ là an ủi, nhưng rồi cũng chỉ về với nắm cát biển đặt lên bàn thờ mà trong lòng quặn đau và nhắc nhở con cháu không quên việc tìm kiếm.

Khi tôi đã lớn khôn, tôi đã nhờ các phương tiện thông tin đại chúng cũng như bà con địa phương nơi bác tôi hi sinh giúp đỡ nhưng kết cục vẫn: im lặng. Tôi cũng đã đến nơi bác tôi hi sinh nhưng bãi biển mênh mông, địa hình địa vật thay đổi, biết tìm kiếm chỗ nào đây? Đành phải quay về nói với bà tôi cố gắng đợi thêm thời gian nữa hi vọng sẽ tìm được bác và đưa bác về. Thời gian trôi qua, bà tôi yếu và lú lẫn dần nhưng mỗi khi ốm nặng, trong cơn mê bà tôi vẫn gọi tên bác tôi nhiều lần làm mọi người xung quanh ứa nước mắt. Đến một ngày của năm 2012, sau thời gian dài mòn mỏi chờ đợi và chống chọi lại với rất nhiều căn bệnh, sức cùng lực cạn, bà tôi đã trút hơi thở cuối cùng. Trước khi nhắm mắt, bà còn cố gắng nói với mọi người trong cơn thở gấp: “thằng Thanh…” ý nói tìm bác tôi về (bác tôi tên Đặng Văn Thanh). Như vậy, đến khi nhắm mắt mà một mong ước của bà nội tôi – một mong ước hết sức nhân văn và cao quý vẫn không thực hiện được. Đây cũng là nỗi niềm của tất cả những ông bố, bà mẹ Việt Nam đã đứt ruột sinh ra những người con ưu tú vì hòa bình độc lập dân tộc mà phải hi sinh để gìn giữ. Khi ra đi ai cũng có tên tuổi, quê quán rõ ràng nhưng khi ngã xuống thì đến bây giờ vẫn chưa xác định được.

Đất nước đã hòa bình, thống nhất được 40 năm nhưng những cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ vẫn đang diễn ra vô cùng khẩn trương và không nghỉ, chúng ta không được quên những người đã ngã xuống. Tôi tin rằng tuy chưa tìm được bác tôi nhưng ở nơi chín suối thì linh hồn bà tôi sẽ gặp được bác tôi và như vậy cũng an ủi được phần nào. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng tìm kiếm để hi vọng một ngày nào đó đưa được bác về với quê mẹ thân yêu.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ ba, 28 Tháng 4 2015 13:11