• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Dinh dưỡng điều trị trong bệnh suy thận mạn

  • PDF.

Khoa Dinh dưỡng

Suy thận mạn là hậu quả của các bệnh mạn tính của thận gây giảm sút số lượng đơn vị chức năng thận làm giảm mức lọc cầu thận. Khi mức lọc cầu thận giảm xuống 60 ml/phút so với mức bình thường (120 ml/phút) thì được coi là có suy thận mạn. Khi đó thận không còn khả năng duy trì tốt sự cân bằng nội môi và sẽ dẫn đến hàng loạt biến loạn về sinh hóa và lâm sàng, đáng chú ý là hàm lượng urê và creatinin tăng.

dinhuong1

A. Mục đích của chế độ dinh dưỡng

  • Hạn chế tăng urê máu.
  • Làm chậm bước tiến của quá trình suy thận mạn.

B. Nguyên tắc của chế độ dinh dưỡng

Năng lượng: 35 – 40 Kcal/ Kg/ ngày, nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu từ glucid và lipid. Đủ năng lượng để hạn chế quá trình giáng hóa protein trong cơ thể do đó có thể giảm được urê máu.

Glucid: nên sử dụng tối đa các thực phẩm giàu glucid nhưng ít đạm như sắn, khoai lang, khoai sọ, khoai tây, miến dong, bột sắn dây.

dinhduong1

Nên sử dụng các loại đường, mật ong, mật mía, kẹo ngọt.

dinhduong2

Không nên ăn nhiều các loại ngũ cốc có nhiều đạm như gạo, mì... chỉ ăn ít từ 100 – 150g/ ngày tùy theo mức độ suy thận.

Lipid: chiếm 20 – 30% tổng năng lượng khẩu phần, chú ý các thực phẩm giàu các acid béo không no nhiều nối đôi.

dinhduong3

Gần đây vai trò của các acid béo không no omega-3 được quan tâm nhiều trong lâm sàng với nhiều bệnh quan trọng.

Những nghiên cứu về hiệu quả của bổ sung acid béo không no có nhiều nối đôi cho thấy có nhiều lợi ích như:

  • Cải thiện các thành phần lipid máu.
  • Kéo dài sự sống.
  • Cải thiện chức năng thận.
  • Cải thiện việc bài xuất protein trong nước tiểu.
  • Làm chậm quá trình tiến triển của suy thận mạn.

Protein:

Số lượng protein: 0,6 – 1 g/Kg cân nặng lý tưởng/ngày tùy theo mức độ suy thận.

  • Suy thận độ 1-2: 0,6 – 0,8 g/Kg cân nặng lý tưởng/ngày
  • Suy thận độ 3-4:
    • Không lọc máu: 0,4 – 0,6 g/Kg cân nặng lý tưởng/ngày
    • Lọc máu chu kỳ:  
      • 3 lần/ tuần: 1,2 – 1,4 g/Kg cân nặng lý tưởng/ngày
      • 2 lần/ tuần: 1 g/Kg cân nặng lý tưởng/ngày
      • 1 lần/ tuần: 0,8 g/Kg cân nặng lý tưởng/ngày
  • Dùng protein quý, có giá trị sinh học cao, để đảm bảo đủ acid amin cơ bản cần thiết và có tỷ lệ hấp thu cao bao gồm: Thịt bò, gà, lợn, vịt, cá, tôm, sữa...
  • Không nên ăn nhiều đạm thực vật như đậu đỗ, đậu phụ, vừng, lạc...
  • Hạn chế các thức ăn có photphat như gan, bầu dục...

Đủ vitamin, yếu tố vi lượng, chống thiếu máu

  • Sắt, vitamin B12, axit folic, vitamin B6 là phức hợp chống thiếu máu cần bổ sung cho bữa ăn.
  • Cung cấp đủ vitamin B, C, A, E cần cho chuyển hóa các chất và chống gốc tự do.

Đảm bảo cân bằng nước, điện giải:

  • Ăn nhạt khi có phù, cao huyết áp: < 2000mg natri/ ngày.
  • Nước: Hạn chế khi có phù, thiểu niệu hoặc vô niệu.
  • Vnước = Vnước tiểu + Vdịch mất bất thường (sốt, nôn, ỉa chảy...) + 300 đến 500ml (tùy theo mùa)
  • Kali: chỉ hạn chế khi Kali máu > 5mmol/l
  • Hạn chế các thực phẩm có nhiều Kali

C. Cách lựa chọn thực phẩm

Các thực phẩm nên dùng

  • Ưu tiên protein quý từ động vật có giá trị sinh học cao để đảm bảo đủ các axit amin cơ bản cần thiết và có tỷ lệ hấp thu cao: trứng, sữa, cá, tôm, thịt nạc...
  • Nên ăn các loại rau ít đạm: cải, dưa chuột, bầu bí, su hào...
  • Quả nên dùng loại ngọt, ít chua: nhãn, chuối chín, mít chín, quýt ngọt, mía...
  • Sử dụng tối đa các chất bột ít đạm như: sắn, khoai lang, khoai sọ, khoai tây, miến dong, bột sắn dây...
  • Sử dụng các loại đường, mật ong, mật mía, kẹo ngọt.

Các thực phẩm nên tránh

  • Không ăn nhiều đạm thực vật: đậu đỗ, đậu tương, lạc...
  • Hạn chế các thức ăn có nhiều photphat như gan, bầu dục, phomat...
  • Tránh các thực phẩm có nhiều muối: thịt xông khói, dăm bông, thịt hộp, cá muối, mắm, cá hộp...
  • Tránh các loại rau nhiền đạm như: rau dền, rau muống, rau ngót
  • Không nên ăn số lượng nhiều các loại ngũ cốc có nhiều đạm như gạo, mì...
  • Tránh ăn trái cây khô: nho khô, vải khô...
  • Tránh các thức uống: nước coca, rượu, soda, nước tăng lực.

Cách chế biến khẩu phần ăn trong điều trị suy thận mạn

Cần chú ý 2 điểm:

  • Bệnh nhân suy thận mạn thường chán ăn, có khi buồn nôn nếu có urê máu cao.
  • Thực đơn phải theo đuổi lâu dài vì bệnh mạn tính, không chỉ cho ăn 1-2 ngày hoặc 1-2 tuần mà là hàng năm. Phải theo đúng nguyên tắc: càng ngày bệnh càng tiến triển thì việc tiết chế dinh dưỡng càng phải chặt chẽ hơn về số lượng và chất lượng. Do đó việc chế biến khẩu phần ăn đặc biệt phải chú ý tới lượng protein.

D. Kết luận:

  • Chế độ ăn ít protein, giàu năng lượng có khả năng làm chậm bước tiến của quá trình xơ hóa cầu thận và suy thận mạn. Đời sống bệnh nhân có thể kéo dài thêm nhiều năm.
  • Cần bắt đầu sớm khi mức lọc cầu thận đã bắt đầu xuống dưới 40ml/ phút tức urê, creatinin máu bắt đầu cao. Thận càng suy nặng thì lượng protein càng hạn chế.
  • Cần chế biến cho đúng tiết chế dinh dưỡng, hợp khẩu vị, động viên bệnh nhân ăn tốt để điều trị có hiệu quả.

Lần cập nhật cuối lúc Thứ ba, 02 Tháng 12 2014 13:53

You are here Tin tức Y học thường thức Dinh dưỡng điều trị trong bệnh suy thận mạn