Một số điều người Điều dưỡng cần lưu ý khi cho người bệnh dùng thuốc đúng

Phòng Điều Dưỡng

Cho người bệnh dùng thuốc đúng là một phần thành công trong công tác điều trị. Vì vậy khi thực hiện y lệnh Điều dưỡng viên phải nhận thức rõ trách nhiệm và phải chú ý các điểm cần lưu ý để tránh sự nhầm lẫn có thể gây ra những hậu quả tai hại.

Thuốc vào cơ thể người bệnh qua nhiều đường: uống, tiêm, ngoài da, niêm mạc....; với bất kỳ đường dùng nào nếu thực hiện đúng thì cũng sẽ đem lại sự an toàn và hiệu quả cao.

Sự phối hợp tốt giữa các bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng viên, hộ sinh viên trong dùng thuốc sẽ làm tăng hiệu quả điều trị bằng thuốc và hạn chế sai sót trong chỉ định và sử dụng thuốc cho người bệnh.

dungthuoc1

1. Dùng thuốc cho người bệnh cần lưu ý một số điều như sau :

1.1. Tác phong làm việc phải chính xác, khoa học và có trách nhiệm.

1.2. Trung thành với chỉ định của bác sĩ, nếu nghi ngờ phải hỏi lại.

1.3. Tuyệt đối không được thay đổi y lệnh.

1.4. Sắp xếp thuốc theo thứ tự, dễ tìm, tránh nhầm lẫn.

1.5. Thuốc độc A, B phải để ngăn riêng trong tủ có khóa.

1.6. Thuốc dùng ngoài da để xa thuốc uống.

1.7. Kiểm tra thuốc hàng ngày nếu có thuốc kém chất lượng, cận hạn dùng phải đổi ngay ở khoa Dược.

1.8. Kiểm kê bàn giao thuốc cẩn thận sau mỗi ca làm việc.

2. Nguyên tắc chung khi cho người bệnh dùng thuốc

2.1. Trước khi người bệnh dùng thuốc:

2.1.1. Công khai thuốc dùng hàng ngày cho từng người bệnh.

2.1.2. Hướng dẫn, giải thích cho người bệnh tuân thủ điều trị.

2.1.3. Kiểm tra thuốc:

- Tên thuốc, nồng độ, hàm lượng, liều dùng một lần, số lần dùng thuốc trong 24 giờ, khoảng cách giữa các lần dùng thuốc, thời điểm dùng thuốc và đường dùng thuốc so với y lệnh.

- Kiểm tra hạn sử dụng và chất lượng cảm quan của thuốc. Khi phát hiện những bất thường trong y lệnh như chỉ định sử dụng thuốc quá liều quy định, đường dùng không hợp lý hoặc dùng nhiều thuốc đồng thời gây tương tác, điều dưỡng viên phải báo cáo ngay với bác sỹ điều trị hoặc bác sỹ trực.

2.1.4. Chuẩn bị phương tiện và thuốc

- Chuẩn bị đủ phương tiện cho người bệnh dùng thuốc, nếu thuốc uống phải có: khay thuốc, nước uống hợp vệ sinh, lọ đựng thuốc uống theo giờ cho từng người bệnh.

- Phương tiện vận chuyển thuốc phải đảm bảo sạch sẽ, sắp xếp gọn gàng, dễ thấy.

- Chuẩn bị sẵn sàng hộp thuốc cấp cứu và phác đồ chống sốc.

- Chuẩn bị dung dịch tiêm cho người bệnh phải pha đúng dung môi, đủ thể tích và theo quy định của nhà sản xuất.

2.2. Trong khi dùng thuốc cho người bệnh, điều dưỡng viên, hộ sinh viên phải:

2.2.1. Ðảm bảo an toàn tính mạng và các quy định khác về kiểm soát nhiễm khuẩn cho người bệnh.

2.2.2. Phải tập trung tư tưởng cho việc dùng thuốc, sao chép y lệnh phải thật chính xác tránh nhầm lẫn, dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ điều trị.

2.2.3. Thực hiện 3 kiểm tra (Họ tên người bệnh; Tên thuốc; Liều lượng thuốc), 5 đối chiếu ( Số giường, số buồng; Nhãn thuốc; Chất lượng thuốc hiện tại; Ðường dùng thuốc; Thời gian dùng thuốc) và đảm bảo 5 đúng (Đúng người bệnh; Đúng thuốc; Đúng liều dùng; Đúng đường dùng; Đúng thời gian dùng thuốc).

2.2.4. Kiểm tra thuốc (tên thuốc, nồng độ/hàm lượng, liều dùng một lần, số lần dùng thuốc trong 24 giờ, khoảng cách giữa các lần dùng thuốc, thời điểm dùng thuốc và đường dùng thuốc so với y lệnh). Kiểm tra hạn sử dụng và chất lượng của thuốc bằng cảm quan: màu sắc, mùi, sự nguyên vẹn của viên thuốc, ống hoặc lọ thuốc.

2.2.5. Hướng dẫn, giải thích cho người bệnh tuân thủ điều trị, trực tiếp chứng kiến người bệnh dùng thuốc và theo dõi phát hiện kịp thời các bất thường của người bệnh trong khi dùng thuốc.

3. Sau khi người bệnh dùng thuốc

3.1. Theo dõi người bệnh:

- Theo dõi thường xuyên để kịp thời phát hiện  các tác dụng không mong muốn và những biểu hiện bất thường của người bệnh. Báo cáo kịp thời cho bác sĩ điều trị, ghi chép đầy đủ các diễn biến lâm sàng của người bệnh vào hồ sơ bệnh án.

- Bác sĩ điều trị có trách nhiệm theo dõi tác dụng phụ của thuốc và xử lý kịp thời các tai biến do dùng thuốc, ghi sổ theo dõi phản ứng có hại của thuốc.

3.2. Ghi cụ thể số thuốc điều trị cho mỗi người bệnh, mỗi khi thực hiện xong một thuốc phải đánh dấu thuốc đã thực hiện và thực hiện các hình thức công khai thuốc phù hợp theo quy định của bệnh viện.

3.3. Bảo quản thuốc còn lại (nếu có) theo đúng yêu cầu của nhà sản xuất.

3.4. Xử lý và bảo quản dụng cụ liên quan đến dùng thuốc cho người bệnh theo đúng quy định.

4. Quản lý, bảo quản thuốc tại khoa lâm sàng

4.1. Thuốc trong tủ trực thuốc cấp cứu phải theo đúng danh mục và cơ số đã được phê duyệt và được bảo quản theo đúng quy định và yêu cầu của nhà sản xuất.

4.2. Thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, tiền chất và thuốc phóng xạ cần quản lý, bảo quản theo quy định hiện hành.

4.3. Điều dưỡng viên được phân công nhận thuốc: kiểm tra, đối chiếu tên thuốc, nồng độ/hàm lượng, số lượng, chất lượng, dạng bào chế của thuốc trong phiếu lĩnh thuốc khi nhận thuốc từ khoa Dược và khi bàn giao thuốc cho điều dưỡng chăm sóc.

4.4. Điều dưỡng viên khi phát hiện sử dụng nhầm thuốc, mất thuốc, thuốc hỏng cần báo cáo ngay cho người quản lý cấp trên trực tiếp để có biện pháp xử lý kịp thời và đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm.

4.5. Thuốc dư ra do thay đổi y lệnh, do người bệnh chuyển khoa, ra viện, chuyển viện hoặc tử vong (sau đây gọi chung là xuất viện) được tổng hợp, có xác nhận của trưởng khoa lâm sàng hoặc người được trưởng khoa lâm sàng ủy quyền bằng văn bản và trả lại khoa Dược trong vòng 24 giờ. Đối với thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, thuốc phóng xạ dư ra phải lập biên bản và trả thuốc theo quy định hiện hành.

4.6. Tổng hợp thuốc, hoá chất, vật tư y tế tiêu hao của từng người bệnh trước khi ra viện; chuyển phòng Tài chính - Kế toán thanh toán viện phí.

4.7. Thực hiện bàn giao số lượng thực tế về thuốc và dụng cụ cho kíp trực sau và ghi Sổ bàn giao thuốc thường trực và Sổ bàn giao dụng cụ thường trực.

4.8. Nghiêm cấm việc cá nhân vay, mượn, đổi thuốc tại khoa lâm sàng.

Tài liệu tham khảo

  1. Hướng dẫn về khám, chẩn đoán, điều trị bệnh, điều dưỡng, dinh dưỡng, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, bệnh truyền nhiễm, sử dụng và phân phối thuốc trong bệnh viện và các tuyến cơ sở, Nhà xuất bản Y học - 2011.
  2. Thông tư 07/2011/TT-BYT ngày 26/01/2011 về việc Hướng dẫn công tác điều dưỡng về chăm sóc người bệnh trong bệnh viện.
  3. Thông tư 23/2011/TT-BYT ngày 10/06/2011 về việc Hướng dẫn sử dụng thuốc trong các cơ sở y tế.

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Chủ nhật, 05 Tháng 10 2014 19:29