• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Tăng sử dụng trái cây rau quả làm giảm tử vong tim mạch

  • PDF.

Bs CKII Trần Lâm - Nội TM

Bệnh tim mạch và ung thư là hai nguyên nhân hàng đầu của tử vong toàn cầu. Những yếu tố có thể làm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do những căn bệnh  này có thể góp phần quan trọng trong cải thiện sức khỏe và tuổi thọ. Trong đó, việc tăng sử dụng trái cây rau quả đã được khuyến cáo như là một thành phần quan trọng của một chế độ ăn uống lành mạnh trong dự phòng các bệnh mạn tính này.

Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc sử dụng rau quả có liên quan đến giảm tỷ lệ tử vong, bao gồm tử vong do bệnh tim mạch và ung thư. Tuy nhiên, các kết quả không phải là hoàn toàn phù hợp. Trong khi một số nghiên cứu cho thấy sử dụng trái cây rau quả có liên quan với giảm nguy cơ tử vong, thì một nghiên cứu ở Anh Quốc cho thấy không có sự khác biệt đáng kể nguy cơ tử vong giữa những người ăn chay và không ăn chay.

rauqua1

Năm 1990, Tổ chức y tế thế giới (WHO) khuyến cáo mọi người nên sử dụng tối thiểu 400 gam rau quả trái cây hằng ngày. Điều này dẫn đến sự ra đời phong trào “5 suất trái cây và rau quả một ngày’ ở Anh vào năm 2003, đã cho thấy một số thành công hạn chế trong việc gia tăng tiêu thụ trái cây và rau ở xứ sở này. Pháp và Đức cũng chọn thông điệp “5 suất trái cây rau quả một ngày”. Ở Mỹ, năm 2007, thông điệp 5 suất một ngày bị bỏ rơi để phát động phong trào “Trái cây và rau xanh-nhiều vấn đề hơn” (Fruit and Veggies—More Matters) do sự xuất hiện của Khuyến cáo năm 2005 cho rằng số lượng trái cây rau quả sử dụng hằng ngày thay đổi tùy theo nhu cầu năng lượng của từng cá thể. Tại Úc, năm 2005, chính phủ phát động phong trào “Go for 2+5”, khuyên người dân hằng ngày nên sử dụng 2 suất trái cây (150 g mỗi suất) và 5 suất rau (75 g mỗi suất) (675 g, ương đương với 8,5 suất của nước Anh) [10].

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không chắc chắn lắm về mối liên quan đáp ứng liều (dose-response relation) giữa sử dụng trái cây rau quả và nguy cơ tử vong. Vì vậy, sự hiểu biết về mối quan hệ giữa sử dụng trái cây rau quả với tử vong là rất quan trọng để có những hướng dẫn giúp người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn nhằm làm giảm nguy cơ.

A. Sử dụng trái cây rau quả làm giảm nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân

Chế độ ăn Địa Trung Hải là một thực đơn có một lượng tương đối lớn trái cây và rau quả. Việc tuân thủ chế độ ăn này đã được chứng minh là làm giảm đáng kể nguy cơ tử vong toàn bộ và tử vong tim mạch. Ở một số nước châu Âu, nhóm người cao tuổi có tỷ lệ tử vong thấp hơn có liên quan với sự tuân thủ tốt hơn với chế độ ăn Địa Trung Hải.  Trong hầu hết các nghiên cứu, mối liên quan này được xem xét bằng cách phân loại biến chính (trái cây rau quả) thành 4 hoặc 5 suất hằng ngày. Nhìn chung, nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân thấp hơn khoảng 10-30% trong hầu hết các nghiên cứu tiến cứu khi so sánh giữa sử dụng trái cây rau quả nhiều nhất với ít nhất [1]. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, mức sử dụng trái cây rau quả < 5 suất / ngày liên quan với tỷ lệ tử vong cao hơn theo kiểu đáp ứng liều [2]. Một nghiên cứu nhỏ (n = 713) đã sử dụng toàn bộ nồng độ huyết thanh của carotenoid như là chỉ dấu sinh học của sử dụng trái cây rau quả. Kết quả cho thấy trên đối tượng phụ nữ, tỷ suất rủi ro tử vong là 0.50 ở một phần ba cao nhất của nồng độ huyết thanh so với một phần ba thấp nhất [3]. Mới đây (2014), Xia Wang, và cs thực hiện một phân tích gộp nhiều nghiên cứu thuần tập tiến cứu để định lượng mối liên quan đáp ứng liều giữa sử dụng trái cây rau quả và nguy cơ tử vong tim mạch, ung thư và do mọi nguyên nhân. Nhóm nghiên cứu đã xác định được 2019 bài viết từ cơ sở dữ liệu Medline, 3037 bài báo từ các cơ sở dữ liệu Embase, và 2361 bài báo từ Thư viện Cochrane. Tuy nhiên, chỉ có 16 nghiên cứu (tiến hành ở Mỹ, Châu Á và Châu Âu) thỏa mãn tiêu chí nghiên cứu. Đây là một phân tích gộp có cỡ mẫu lớn từ nhiều quần thể khác nhau và thời gian theo dõi đủ dài. Trong thời gian theo dõi từ 4,6-26 năm có 56.423 trường hợp tử vong (11.512 do bệnh tim mạch và 16.817 do ung thư) trong số 833.234 người tham gia. Kết quả cho thấy, sử dụng nhiều trái cây rau quả liên quan đáng kể với nguy cơ thấp hơn của tử vong do mọi nguyên nhân. Tỷ suất rủi ro gộp lại của tử vong do mọi nguyên nhân là 0,95 (KTC 95% 0,92-0,98) cho một số gia của một suất ăn trái cây rau quả một ngày (P = 0,001), 0.94 (0,90-0,98) đối với trái cây (P = 0,002), và 0,95 (0,92-0,99) đối với rau (P = 0,006). Như vậy, phân tích gộp này ủng hộ giả thuyết sử dụng trái cây rau quả nhiều hơn liên quan với giảm nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân. Nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân giảm 5% cho mỗi suất thêm trái cây rau quả một ngày, giảm 6% cho mỗi suất thêm trái cây một ngày, và 5% cho mỗi suất thêm rau quả một ngày. Ngoài ra, có một mối tương quan phụ thuộc liều giữa sử dụng trái cây rau quả và giảm nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân với mức sử dụng dưới 5 suất một ngày, nhưng nguy cơ không giảm hơn nữa với ³ 5 suất một ngày. So với những người không sử dụng trái cây rau quả hằng ngày, tỷ suất rủi ro ước tính (estimated hazard ratios) của tử vong do mọi nguyên nhân là 0,92 (tử vong giảm 8%) cho 1 suất /ngày, 0,85 (tử vong giam 15%) cho 2 suất /ngày, 0,79 (tử vong giảm 21%) cho 3 suất /ngày, 0,76 (ử vong giảm 24%) cho 4 suất /ngày, 0,74 (tử vong giảm 26%) cho 5 suất /ngày, và 0,74 (tử vong giảm 26%) cho ³ 6 suất /ngày. Như vậy, có một ngưỡng quanh 5 suất trái cây rau quả mỗi ngày, sau đó nguy cơ tử vong do tất cả các nguyên nhân không giảm hơn nữa. Có một mối tương quan phi tuyến tính giữa sử dụng trái cây (P = 0.01) hoặc sử dụng rau (P = 0.01) với nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân. Đó là nguy cơ tử vong thấp hơn liên quan với sử dụng nhiều hơn, đối với trái cây khoảng 2 suất một ngày (tỷ suất rủi ro: 0,83, tử vong giảm 17%), và với rau quả khoảng 3 suất một ngày (tỷ suất rủi ro: 0,75, tử vong giảm 25%) [4].

longnhan

B. Sử dụng trái cây rau quả làm giảm nguy cơ tử vong tim mạch:

He FJ, Nowson CA và cs (2006) thực hiện một phân tích gộp 8 nghiên cứu thuần tập bao gồm 257.551 người, trong thời gian theo dõi trung bình 13 năm có 4917 biến cố đột quỵ xảy ra. Nghiên cứu cho thấy, so với những người sử dụng < 3 suất trái cây rau quả mỗi ngày, những người sử dụng 3-5 suất và > 5 suất mỗi ngày có nguy cơ đột quỵ thấp hơn lần lượt là 11% và 26%, và tác dụng bảo vệ đáng kể này hiệu quả đối với cả đột quỵ thiếu máu cục bộ và đột quỵ xuất huyết [5].

Dauchet L và cs (2006) phân tích gộp 9 nghiên cứu thuần tập với 91.379 đàn ông và 129.701 phụ nữ; trong thời gian theo dõi có 5.007 biến cố mạch vành xảy ra. Kết quả phân tích, nguy cơ bệnh tim vành giảm 4% (RR: 0.96 (0.93–0.99), P = 0.0027) cho mỗi suất thêm trái cây và rau quả mỗi ngày (một suất chuẩn khoảng 106 g) và tới 7% (RR: 0.93 (0.89–0.96), P < 0.0001) đối với trái cây. Mối liên quan giữa sử dụng rau quả với nguy cơ bệnh tim vành có khác, rõ hơn đối với tử vong tim mạch (giảm 26% P < 0.0001) so với nhồi máu cơ tim (giảm 5% P = 0.0058) [6].

Tại Anh Quốc, năm 2014, Oyinlola Oyebode cs báo cáo dữ liệu từ 65. 226 người, > 35 tuổi, tham gia  trong những cuộc khảo sát sức khỏe hằng năm ở nước này từ 2001-2008, với thời gian theo dõi trung bình 7,7 năm. Kết quả cho thấy, Sử dụng rau quả trái cây liên quan với giảm tử vong do mọi nguyên nhân và tử vong tim mạch (giảm 33% và 31% nếu dùng 7 suất / ngày so với 1 suất / ngày) Rau quả liên quan với tử vong mạnh hơn so với trái cây (giảm lần lượt 19% và 10% khi dùng 2-3 suất / ngày). Sử dụng rau hoặc salad có hiệu quả bảo vệ cao nhất (giảm tử vong 15% và 13% cho mỗi suất). Trong khi đó, sử dụng trái cây đông lạnh hoặc đóng hộp liên quan rõ với tăng  nguy cơ tử vong (tăng 17% cho mỗi suất) [10]. 

Phân tích gộp của Xia Wang và cs [4] cũng cung cấp bằng chứng về mối tương quan nghịch có ý nghĩa giữa sử dụng trái cây rau quả với nguy cơ tử vong tim mạch. Mức giảm trung bình nguy cơ tử vong tim mạch là 4% (tỷ suất rủi ro 0.96, KTC 95% 0,92-0,99; P = 0,02) cho mỗi suất kết hợp trái cây rau quả mỗi ngày, giảm 5% (tỷ suất rủi ro 0,95, 0,91-1,00; P = 0,03) cho mỗi suất trái cây mỗi ngày, và giảm 4% (tỷ suất rủi ro 0,96, 0,93-0,99; P = 0,01) cho mỗi suất rau mỗi ngày.

Có nhiều cơ chế giải thích mối liên quan nghịch giữa sử dụng trái cây rau quả và tử vong tim mạch. Chẳng hạn, các hợp chất chống oxy hóa và polyphenol trong trái cây và rau quả, như vitamin C, carotenoids và flavonoids ngăn chặn quá trình oxy hóa cholesterol và những lipid khác, và gia tăng sự hình thành prostacyclin nội mạc gây ức chế ngưng tập tiểu cầu và làm giảm giảm trương lực mạch máu. Kết quả từ các thử nghiệm ngẫu nhiên đối chứng lớn đã chứng minh tăng sử dụng trái cây rau quả có thể góp phần làm giảm nhẹ huyết áp. Trái cây và rau quả cũng là nguồn cung cấp dồi dào Magiê và kali, mà nhiều nghiên cứu trước đây đã chứng minh là có liên quan nghịch với tỷ lệ tử vong. Nồng độ huyết tương của chất chống oxy hóa như µ- carotene và b- carotene tăng song song với tăng sử dụng trái cây rau quả có thể làm giảm nguy cơ ung thư và bệnh tim mạch. Một số thành phần khác trong trái cây rau quả như vitamin C, carotenoids và những phytochemical khác cũng có thể góp phần giảm nguy cơ tử vong [4,7-9].

Tóm lại, kết quả của những nghiên cứu trước đây, phân tích gộp của Oyinlola Oyebode (2014) và Xia Wang (2014) [4] đã chứng minh việc sử dụng nhiều trái cây rau quả có liên quan với giảm nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, đặc biệt là các bệnh tim mạch. Điều này khuyến cáo mọi người nên tăng sử dụng trái cây rau quả để tăng cường sức khỏe và kéo dài tuổi thọ, tuy nhiên, nên tránh dùng trái cây đông lạnh hoặc đóng hộp.

C. Sử dụng trái cây rau quả và tử vong ung thư 

Mối liên quan giữa sử dụng nhiều trái cây và rau quả và nguy cơ ung thư không được xác lập chắc chắn. Kết quả từ các nghiên cứu dịch tễ học không phù hợp, đặc biệt đối với các bệnh ung thư phụ thuộc hormone như vú và tuyến tiền liệt. Một số nghiên cứu cho thấy không có sự liên quan có ý nghĩa giữa việc sử dụng hoặc trái cây hoặc rau quả và tổng nguy cơ ung thư. Trong khi đó, nghiên cứu Greek EPIC báo cáo tỷ lệ giảm đáng kể tổng nguy cơ ung thư có liên quan với tỷ lệ tiêu thụ cao của cả trái cây và rau quả [11]. Trong phân tích của Xia Wang và cs (2014) [4], các kết quả gộp chứng minh việc sử dụng nhiều trái cây rau quả không liên quan đáng kể với nguy cơ tử vong ung thư. Điều này gợi ý chỉ việc tăng lượng trái cây rau quả trong chế độ ăn uống của một cá nhân có thể không cung cấp một lợi ích đáng kể vào việc giảm tử vong ung thư. Tuy nhiên, việc sử dụng trái cây rau quả có thể có những tác dụng mạnh hơn trên các vị trí ung thư đặc hiệu. Hơn nữa, các loại trái cây rau quả khác nhau có thể có những tác dụng khác nhau  trên nguy cơ ung thư. Vì vậy, trong tương lai, các nghiên cứu cần tập trung vào vai trò của các nhóm trái cây rau quả khác nhau đối với từng loại ung thư cụ thể.

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

  1. Nagura J, Iso H, Watanabe Y, Maruyama K, Date C, Toyoshima H, et al. Fruit, vegetable and bean intake and mortality from cardiovascular disease among Japanese men and women: the JACC Study. Br J Nutr2009;102:285-92.
  2. Bellavia A, Larsson SC, Bottai M, Wolk A, Orsini N. Fruit and vegetable consumption and all-cause mortality: a dose-response analysis. Am J Clin Nutr. 2013;98:454-9.
  3. Nicklett EJ, Semba RD, Xue QL, Tian J, Sun K, Cappola AR, et al. Fruit and vegetable intake, physical activity, and mortality in older community dwelling women. J Am Geriatr Soc. 2012;60:862-8.
  4. Xia Wang, Yingying Ouyang, Jun Liu, et al. Fruit and vegetable consumption and mortality from all causes, cardiovascular disease, and cancer: systematic review and dose-response meta-analysis of prospective cohort studies. BMJ 2014 :g4490.
  5. He FJ, Nowson CA, MacGregor GA. Fruit and vegetable consumption and stroke: meta-analysis of cohort studies. Lancet. 2006;367:320-6.
  6. Dauchet L, Amouyel P, Hercberg S, Dallongeville J. Fruit and vegetable consumption and risk of coronary heart disease: a meta-analysis of cohort studies. J Nutr. 2006;136:2588-93.
  7. Holst B, Williamson G. Nutrients and phytochemicals: from bioavailability to bioefficacy beyond antioxidants. Curr Opin Biotech. 2008;19:73-82.
  8. Zhang W, Iso H, Ohira T, Date C, Tamakoshi A. Associations of dietary magnesium intake with mortality from cardiovascular disease: the JACC study. Atherosclerosis. 2012;221:587-95.
  9. Yang Q, Liu T, Kuklina EV, Flanders WD, Hong Y, Gillespie C, et al. Sodium and potassium intake and mortality among US adults: prospective data from the Third National Health and Nutrition Examination Survey. Arch Intern Med. 2011;171:1183-91.
  10. Oyinlola Oyebode, Vanessa Gordon-Dseagu, et al. Fruit and vegetable consumption and all-cause, cancer and CVD mortality: analysis of Health Survey for England data. J Epidemiol Community Health. 2014;68:856-862.
  11. Benetou V, Orfanos P, Lagiou P, et al. Vegetables and fruits in relation to cancer risk: evidence from the Greek EPIC cohort study. Cancer Epidem Biomark. 2008;17:387-92.

Lần cập nhật cuối lúc Thứ tư, 13 Tháng 8 2014 06:35

You are here Tin tức Y học thường thức Tăng sử dụng trái cây rau quả làm giảm tử vong tim mạch