• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Tập huấn triển khai chăm sóc thiết yếu sơ sinh sớm

  • PDF.

Ths Nguyễn Thị Kiều Trinh - Khoa Sản

1)Phương pháp da kề da là gì?

Tiếp xúc da kề da sớm, lý tưởng là ngay sau sinh bằng cách đặt trẻ sơ sinh trần truồng trên ngực trần của mẹ. Ngực trần của mẹ là nơi hoàn hảo cho trẻ sơ sinh phục hồi sau những căng thẳng của hành trình “vượt cạn”. Đó là nơi thoải mái, bình yên và ấm áp nhất để bé bắt đầu cuộc sống bên ngoài bụng mẹ. Trừ khi cần có sự can thiệp y tế ngay lập tức, nếu không các bé nên được nghỉ ngơi trên ngực của mẹ ít nhất một giờ sau khi bé chào đời. Kết quả nghiên cứu Cochrane phân tích gộp 34 thử nghiệm lâm sàng trên 2177 cặp mẹ con về tiếp xúc da kề da cho thấy các trẻ được tiếp xúc với mẹ ngay sau sinh thì ít khóc hơn so với các trẻ được nhân viên y tế chăm sóc, các bà mẹ cảm thấy dễ dàng cho con bú hơn trong những tháng đầu sau đẻ thời gian cho bú lâu hơn. Các bà mẹ cũng ghi nhận trẻ gần gũi với mẹ hơn.

taphuan1

2) Lợi ích của việc tiếp xúc da kề da sớm giữa mẹ và bé là gì?

  • Tăng ham muốn được bú sữa mẹ của trẻ
  • Giúp mẹ và bé thư giãn, bình tĩnh lại.
  • Giúp trẻ bớt khóc.
  • Cải thiện nhịp tim, giúp nhịp tim ổn định hơn cũng như giúp hơi thở của trẻ đều đặn hơn.
  • Kích thích hệ tiêu hóa của bé.
  • Giữ ấm trẻ.
  • Tăng thời lượng trẻ ngủ sâu.
  • Để da bé tiếp xúc được với các loại vi khuẩn có lợi trên cơ thể mẹ, do đó cải thiện sức đề kháng, chống nhiễm trùng cho trẻ.
  • Kích thích sản xuất các hoocmon thúc đẩy tuyến sữa hoạt động
  • Tăng tiếp xúc mùi, nhiệt độ bằng cách tiếp xúc da kề da sẽ kích thích trẻ khởi phát bú mẹ thành công.
  • Thắt chặt quan hệ và giao tiếp giữa cha mẹ và bé thông qua kích thích xúc giác như sờ, sưởi ấm và mùi.
  • Tiếp xúc da kề da giúp trẻ sinh non được ổn định hơn, duy trì nhiệt độ cơ thế, chống lại nhiễm trùng, tăng trưởng và phát triển tốt hơn cũng như rút ngắn thời gian nằm viện.

 3) Tiếp xúc da kề da ở trẻ sinh non hay phương pháp Kangaroo

 Trong phương pháp này, để giữ đủ nhiệt cho trẻ sinh non trong điều kiện thiếu lồng ấp, trẻ sơ sinh được đặt ở tư thế thẳng đứng, áp sát vào ngực mẹ, má của bé áp vào da ngực mẹ, 2 chân bé dang ra dưới vú mẹ (tư thế con ếch), tư thế này duy trì liên tục 24/24 giờ trong vài tuần đầu sau sinh cho đến khi trẻ có được trọng lượng trung bình của một đứa trẻ chào đời đủ tháng. Ngoài tác dụng ủ ấm cho trẻ, phương pháp Kangaroo còn tạo sự gần gũi, gắn bó tình cảm mẹ con, tạo điều kiện để trẻ được bú sữa mẹ. Ngoài ra, với phương pháp này, những trẻ sinh non có thể được điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, phương pháp Kangaroo không được áp dụng với tất cả trẻ sinh non. Ở nhiều nơi trên thế giới, các bệnh viện chỉ thực hiện Kangaroo với những bé có tình trạng lâm sàng khá tốt, có khả năng bú mẹ và nuốt, không rối loạn về hô hấp,tim mạch.

4)Tiếp xúc da kề da sau khi sinh mổ

taphuan2 

Có thể thực hiện da kề da sớm cho tất cả các trường hợp sinh mổ ở các sản phụ không có bệnh lý nặng, hay tuổi thai trên 35 tuần. Những trường hợp này cần có sự phối hợp của ekip gây mê và nữ hộ sinh để giúp bé nằm thoải mái trên ngực mẹ ở tư thế đang chuyền dịch.

Nữ hộ sinh đón trẻ và đặt trẻ nằm sấp trên bụng hoặc ngực mẹ, nghiêng đầu sang một bên, sao cho thuận tiện cho phía phẫu thuật viên bên dưới và đảm bảo da mẹ và da trẻ tiếp xúc trực tiếp với nhau (da kề da), đắp khăn cho trẻ. Có thể hướng dẫn mẹ quàng tay sang ôm trẻ.

5) Tiếp xúc da kề da và lần đầu bé bú sữa mẹ

Các chuyên gia đã quan sát nhiều trẻ sơ sinh và nhận thấy hầu hết các bé đều thực hiện một loạt các hành động như nhau để dẫn đến lần bú mẹ đầu tiên. Một số bé mất nhiều thời gian hơn nhưng nếu bú mẹ thành công, trong lần tiếp theo, các bé sẽ bú mẹ dễ dàng hơn rất nhiều. Việc tiếp xúc da kề da sớm thúc đẩy quá trình này và các mẹ ôm bé, da kề da ngay sau khi sinh có khả năng cho bé bú lâu hơn các mẹ không tiếp xúc với trẻ. Quá trình này là:

  • Bé khóc sau khi được sinh ra, các chuyên gia cho biết tiếng khóc sau khi bé chào đời rất đặc trưng, khác với tiếng khóc của bé sau này tuy nhiên điều này không dễ phân biệt.
  • Bé sẽ bắt đầu thư giãn và phục hồi sau khi chào đời.
  • Sau đó bé sẽ bắt đầu thức dậy, cánh tay, vai và đầu trẻ có những chuyển động nhỏ.
  • Chuyển động của bé tăng lên và trẻ có xu hướng chuyển lại gần ngực của mẹ.
  • Sau khi bé đã tìm thấy mẹ, bé sẽ nghỉ ngơi một khoảng thời gian. Mẹ đừng nhầm lẫn hành động này của trẻ với việc bé không muốn ăn hay không đói.
  • Sau đó bé sẽ rúc vào ngực mẹ trước khi bú.
  • Sau khi bú mẹ trong một thời gian ngắn, bé sẽ dừng lại và ngủ.

Trong trường hợp sinh mổ:

  • Nữ hộ sinh quan sát trẻ chỉ khi nào thấy có tín hiệu đòi bú (mở miệng, thè lưỡi, liếm, bú tay, tìm bầu vú..) thì có thể hỗ trợ trẻ ngậm bắt vú mẹ. Trong quá trình trẻ nằm trên người mẹ, không nên can thiệp vào trẻ làm trẻ khó chịu.
  • Bú mẹ là hành động học hỏi của cả mẹ và con. Thông thường trẻ có thể tự bú sau 20-60 phút hoặc có thể lâu hơn thường là sau khi đã được chuyển từ phòng mổ về phòng hồi sức sau mổ. Trẻ sẽ cố gắng một vài lần trước khi bú tốt. Cán bộ y tế không nên can thiệp vào quá trình này (ví dụ động chạm vào đầu, người trẻ).
  • Các nữ hộ sinh có thể giúp mẹ hỗ trợ cho mẹ cho trẻ bú cữ bú đầu tiên sớm trong vòng 1h đầu sau sinh. Sự tiếp xúc da kề da còn giúp mẹ cảm thấy an tâm và giảm đau hơn trong quá trình sinh mổ, mẹ cảm thấy yên tâm, ít lo lắng và sợ hãi hơn.
  • Nếu sau 90 phút mà trẻ chưa có cử bú đầu tiên thì cần mời các điều dưỡng chuyên Nhi sơ sinh hỗ trợ hoặc mời Bs thăm khám và đánh giá lại tính trạng trẻ.

Theo khuyến cáo của WHO, nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho bú mẹ hoàn toàn có thể ngăn ngừa tử vong do tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính trong 3 tháng đầu. Cho trẻ bú sớm còn làm kích thích tuyến yên tăng tiết oxytocin giúp tử cung go hồi tốt để phòng ngừa chảy máu.

Như vậy, các bà mẹ cần được tư vấn về phương pháp da kề da ngay sau sinh thường và sinh mổ vì những lợi ích thiết thực của nó, hãy để tiếp xúc da kề da sớm với bé trở thành một gạch đầu dòng quan trọng trong kế hoạch sinh của các bà mẹ. Các nhân viên y tế khoa Sản Bệnh viện Đa Khoa Quảng Nam sẽ cố gắng triển khai ngay tuần đầu tiên trở về sau khi được tập huấn để đem lại lợi ích cho mẹ và sức khỏe cho bé trong việc chăm sóc thiết yếu cho mẹ và trẻ sơ sinh trong và sau đẻ.

Để biết thêm chi tiết các quy trình chăm sóc xin đọc thêm Quyết định 4673/QĐ-BYT về việc phê duyệt hướng dẫn chuyên môn Chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh ngay sau đẻ


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ sáu, 06 Tháng 3 2015 14:31

You are here Tin tức Tin tức y học Tập huấn triển khai chăm sóc thiết yếu sơ sinh sớm