Hội thảo Khoa học Điều dưỡng khu vực miền Trung mở rộng lần thứ V năm 2012

Hội thảo khoa học Điều dưỡng khu vực Miền Trung mở rộng lần thứ V đã được tổ chức tại Trung tâm đào tạo Bệnh viện Trung Ương Huế ngày 20/ 7/2012 vừa qua với chủ đề: “An toàn Y tế và sự hài lòng của người bệnh”.

Tham gia Hội thảo về phía Bệnh viện đa khoa Quảng Nam có Phòng Điều dưỡng Bệnh viện và điều dưỡng trưởng một số khoa trong bệnh viện.

Mục tiêu của Hội thảo này là để trao đổi những thông tin y học lâm sàng và sức khỏe cộng đồng cho các đối tượng trong ngành y, cập nhật những kiến thức kinh điển và hiện đại về y học và trao đổi các thông tin liên quan đến những vấn đề y học, y đức, . . .

chau

Trung tâm đào tạo Bệnh viện Trung ương Huế

An toàn y tế và chất lượng chăm sóc người bệnh bao giờ cũng là ưu tiên hàng đầu của mọi hệ thống y tế, đồng thời là uy tín, thương hiệu và điều kiện sống còn của mọi cơ sở khám bệnh.

Bất cứ người bệnh nào khi đến cơ sở khám, chữa bệnh cũng đều mong đợi và kỳ vọng được cung cấp các dịch vụ chăm sóc bảo đảm an toàn và chất lượng, không người bệnh nào chấp nhận môi trường chăm sóc y tế thiếu an toàn và kém chất lượng.

Hiện nay, nhận thức như thế nào là an toàn người bệnh và chất lượng chăm sóc là gì còn nhiều cách hiểu khác nhau.

Tại Hội thảo Ths Phạm Đức Mục đã nêu một số nhận thức mới về an toàn người bệnh, chất lượng chăm sóc dựa trên các bằng chứng nghiên cứu và kinh nghiệm của các nước nhằm dẫn đề cho các hiểu biết sâu sắc hơn về các chủ đề nghiên cứu trong Hội nghị.

1. Một số khái niệm cơ bản về chất lượng chăm sóc:

Chất lượng chăm sóc được nhận thức khác nhau bởi các nhóm người khác nhau. Cán bộ y tế đặt trọng tâm chất lượng vào hoạt động tăng cường năng lực chuyên môn kỹ thuật và ít chú trọng đến tiện ích của dịch vụ. Người bệnh không chỉ quan tâm đến năng lực kỹ thuật mà còn quan tâm nhiều đến tiện ích của dịch vụ và mong muốn thiết lập mối quan hệ với cán bộ y tế.

Chất lượng chăm sóc được Viện nghiên cứu y học Mỹ  định nghĩa là: “Mức độ tác động của các dịch vụ y tế vào việc tăng cường sức khỏe đầu ra cho các cá nhân, nhóm người và phù hợp với kiến thức nghề nghiệp hiện thời”. Theo đó đã đưa ra 5 chỉ số sức khỏe đầu ra gọi là “the 5 Ds indicators”:

* Death – chết
* Disease – bệnh
* Disability – khuyết tật
* Dissatisfaction – không hài lòng
* Discomfort – không thoải mái

Tổ chức Join Commission International viết tắt là JCI đã phát triển chương trình an toàn và chất lượng chăm sóc y tế thiết yếu bao gồm 5 lĩnh vực được cho là liên quan trực tiếp tới chất lượng chăm sóc và an toàn y tế, đó là:

* Lãnh đạo và quản lý
* Năng lực nhân viên
* Môi trường chăm sóc an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế
* Thực hành lâm sàng
* Cải tiến chất lượng liên tục

2. Một số khái niệm cơ bản về an toàn người bệnh

Bệnh viện là nơi tập trung người bệnh để điều trị, nơi các thầy thuốc đưa ra các chẩn đoán (cho phép sai số), các quyết định phương pháp điều trị; nơi diễn ra các phẫu thuật, thủ thuật xâm lấn; nơi người bệnh được sử dụng các dược chất, hóa chất, vacxin để điều trị; nơi có nhiều trẻ sinh ra và cũng là nơi chứng kiến nhiều người bệnh qua đời. Hơn thế nữa, bệnh viện là nơi các thầy thuốc thường xuyên bị áp lực công việc do tình trạng quá tải và áp lực về tâm lý. Vì vậy, sự cố y khoa không mong muốn là điều khó tránh và trong nhiều trường hợp ngoài tầm kiểm soát. Có thể khẳng định rằng ở bất cứ công đoạn nào của mọi quy trình khám bệnh, chữa bệnh đều chứa đựng các nguy cơ tiềm tàng cho người bệnh.

Viện Nghiên cứu y học Mỹ định nghĩa: “An toàn người bệnh là sự phòng ngừa tổn hại cho người bệnh”

Các biện pháp đảm bảo an toàn người bệnh đặt trọng tâm vào khắc phục những lỗi hệ thống của hệ thống cung cấp dịch vụ chứ không phải thuần túy phát hiện các cá nhân liên quan tới các sai sót chuyên môn.

Mục đích của chương trình an toàn người bệnh nhằm:

2.1 Phòng ngừa sai sót

2.2 Học tập từ các sai sót đã xảy ra

2.3 Xây dựng văn hóa an toàn có sự tham gia của người quản lý, mọi cán bộ y tế, mọi khoa phòng và của người bệnh.

3. Các nội dung cải tiến chất lượng chăm sóc:

3.1 Sáu mục tiêu cải tiến chất lượng chăm sóc: Viện Nghiên cứu y học Mỹ đề xuất 6 mục tiêu cải tiến chất lượng chăm sóc cần đưa thành trọng tâm trong các cơ sở y tế và trong các hoạt động của Điều dưỡng. 6 mục tiêu này bao gồm:

3.1.1 Chăm sóc an toàn: Phòng ngừa sai sót, tai nạn, sự cố cho người bệnh trong quá trình chăm sóc.

3.1.2 Chăm sóc hiệu quả: Chăm sóc dựa vào các bằng chứng nghiên cứu mang tính khoa học

3.1.3 Chăm sóc lấy người bệnh làm trung tâm: Việc đưa ra các quyết định lâm sàng dựa trên nhu cầu, lợi ích của người bệnh và tôn trọng các giá trị, các mong đợi của người bệnh

3.1.4 Chăm sóc kịp thời: Giảm thời gian chờ đợi để được khám chữa bệnh cho người bệnh.

3.1.5 Chăm sóc hiệu quả: Tránh lãng phí nguồn lực không cần thiết, bảo đảm chăm sóc với sự tiết kiệm các nguồn lực để duy trì chi phí y tế ở mức người bệnh có thể chấp nhận được.

3.1.6 Chăm sóc bảo đảm công bằng: Bảo đảm cho người bệnh được chăm sóc có chất lượng, không phân biệt giàu nghèo, dân tộc, địa vị xã hội,…,

3.2 Sáu yếu tố bảo đảm chất lượng chăm sóc và an toàn người bệnh:

Căn cứ vào nguyên tắc chất lượng (người bệnh là trung tâm), căn cứ vào các bằng chứng nghiên cứu của các nước và thực tiễn Việt Nam Ths Phạm Đức Mục đề xuất các thành phần cơ bản bảo đảm chất lượng chăm sóc điều dưỡng và an toàn y tế trong các bệnh viện, bao gồm:

3.2.1 Người bệnh được trao quyền: trao quyền cho người bệnh trong việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế an toàn. Theo luật khám bệnh, chữa bệnh người bệnh có 7 quyền cơ bản trong đó nhấn mạnh tới các quyền như:

- Quyền được khám bệnh, chữa bệnh có chất lượng.
- Quyền được tôn trọng.
- Quyền được cung cấp thông tin
- Quyền được lựa chọn cơ sở khám, chữa bệnh

3.2.2 Người bệnh được chăm sóc về y tế bảo đảm an toàn, liên tục và kịp thời: An toàn là chỉ số thiết yếu trong y tế và là nền tảng của chất lượng. Chăm sóc y tế không đảm bảo an toàn có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, tính mạng của người bệnh và gây tổn hại đến danh tiếng cơ sở y tế. Mặt khác chăm sóc y tế phải được cung cấp liên tục và kịp thời mới có hiệu quả.

3.2.3 Người bệnh được chăm sóc về thể chất và tinh thần: Một cơ sở y tế thực hiện chăm sóc toàn diện ngoài việc bảo đảm dịch vụ y tế chất lượng còn phải đáp ứng các điều kiện ăn, mặc, ở và vệ sinh cá nhân của người bệnh.

3.2.4 Người bệnh được chăm sóc bởi những Điều dưỡng, Hộ sinh có năng lực: Việc cung cấp dịch vụ chăm sóc đòi hỏi người hành nghề phải là người chuyên nghiệp, thực hiện các kỹ thuật theo nguyên tắc “ làm đúng ngay từ lần đầu và làm tốt hơn trong những lần tiếp theo”. Để đảm bảo chất lượng chăm sóc y tế, người hành nghề phải được đào tạo liên tục để có năng lực đáp ứng đòi hỏi và kỳ vọng của người bệnh và khách hàng. Vì vậy, chất lượng chăm sóc người bệnh gắn liền với trình độ và năng lực kỹ thuật của người hành nghề.

3.2.5 Người bệnh được chăm sóc trong sự hợp tác của cán bộ y tế:Từng cá nhân riêng lẻ không thể đem đến cho người bệnh một sự chăm sóc tổng thể. Quan hệ giữa các thành viên trong nhóm chăm sóc vì thế đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hình thành các qui trình chăm sóc và đảm bảo chất lượng cho người bệnh.

3.2.6 Người bệnh được chăm sóc trong môi trường thân thiện và giàu y đức: Tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp là nền tảng cơ bản của nghề Điều dưỡng. Điều dưỡng viên, Hộ sinh viên, Kỹ thuật viên phải có bổ phận tự mình nâng cao trình độ chuyên môn, tự giác thực hiện chuẩn đạo đức của người điều dưỡng Việt Nam trong hoạt động hành nghề. Người bệnh sẽ hài lòng và tin tưởng khi được cung cấp các dịch vụ chăm sóc trong một môi trường chấp nhận được về đạo đức.

4. Kết luận: An toàn người bệnh là nền tảng chất lượng chăm sóc. Mục tiêu cơ bản của an toàn người bệnh là phòng ngừa tổn hại cho người bệnh, học tập từ những sai sót và nhấn mạnh tới sự tham gia của mọi nhân viên y tế trong việc khắc phục các lỗi hệ thống, nó khác hoàn toàn với việc đặt trọng tâm vào những người trực tiếp liên quan tới sai sót.

Chất lượng chăm sóc là các dịch vụ chăm sóc được cung cấp dựa trên nguyên tắc lấy người bệnh làm trung tâm, chăm sóc đáp ứng các nhu cầu cả về y tế và ngoài y tế, được các nhân  viên điều dưỡng, hộ sinh có năng lực hợp tác thực hiện và thực hiện một cách an toàn, liên tục, kịp thời.

Điều dưỡng, Hộ sinh có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm an toàn người bệnh và nâng cao chất lượng chăm sóc bởi vì: Điều dưỡng, Hộ sinh là đầu mối phối hợp các hoạt động chăm sóc người bệnh; thực hiện > 50% các công việc chuyên môn và phục vụ người bệnh; công việc chăm sóc có nhiều cơ hội dẫn đến sai sót sự cố. Vì vậy, cần thiết kế hệ thống y tế sao cho người Điều dưỡng, Hộ sinh có thể phát huy tốt nhất vào việc bảo đảm an toàn người bệnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế.

Phòng Điều dưỡng


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ ba, 24 Tháng 7 2012 15:13