• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Đêm bên lằn sinh tử...

  • PDF.

Ghi chép của THÀNH CÔNG - XUÂN THỌ, Báo Quảng Nam

Đêm. Thi thoảng vọng tiếng rên rợn người phát ra từ phòng bệnh nặng. Nhiều người nhà bệnh nhân đã ngủ trong những chiếc màn chụp lúp xúp dưới hành lang tầng một. Còn ở nơi này, suốt đêm chỉ có tiếng bước chân vội vàng của cả kíp trực xen lẫn âm thanh máy thở, máy lọc đặt đầu mỗi giường bệnh. Họ - trong những chiếc áo blouse miệt mài suốt đêm, giành lấy sự sống cho những người cận kề ngưỡng tử…

sinh tu1

Nằm điều trị ở Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc là những bệnh nhân nặng, sự sống rất mong manh. Ảnh: THÀNH CÔNG

Đó là những gì diễn ra ở Khoa Hồi sức tích cực - chống độc (HSTC - CĐ) của Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam (tại Tam Kỳ). Không có thời gian cho ngơi nghỉ, cả những thiết bị máy móc lẫn con người trong suốt 24 giờ của một ngày, với hai kíp trực. Nhất là kíp trực đêm, mọi người phải thay đổi nhịp sinh học của chính mình để sống cùng người bệnh…

Đêm trắng

Đã gần nửa đêm. Trong phòng kính dành cho kíp trực, tiếng chuông điện thoại reo lên, bác sĩ (BS) Hồ Ngọc Ánh, trong khi một tay vẫn cầm hồ sơ bệnh án, thì tay kia nhấc ống nghe. Cuộc điện thoại chừng mươi giây, vị BS quay sang thông báo: Chuẩn bị đón thêm bệnh nhân! Đó là một bệnh nhân hơn 90 tuổi ở Tam Kỳ, đang trong tình trạng viêm phổi - suy tim nặng. Đo huyết áp, thực hiện một số thao tác kiểm tra, đặt máy thở, vài chục phút sau, khi đã giúp bệnh nhân tạm qua cơn nguy kịch, hai BS trở lại phòng kính để nghiên cứu các hồ sơ bệnh án khác. Nhưng chỉ được vài phút, tín hiệu từ các thiết bị máy móc vang lên từ phía một bệnh nhân khác. BS Ánh cùng nữ BS Đinh Hồng Thảo - cùng kíp trực – tất tả đi về phía giường bệnh ấy. Đó là một bệnh nhân bị ung thư đầu tụy. Sau khi trao đổi nhanh, cả hai thống nhất phương án mời BS chuyên khoa. Thêm một BS chuyên khoa đến, nắm nhanh tình hình, rồi đi đến quyết định: phẫu thuật! Các điều dưỡng lặng lẽ đến chuẩn bị chuyển bệnh nhân qua phòng mổ. Chỉ khi chiếc giường lăn đi về cuối hành lang, phòng hồi sức lại quay về với tiếng vang đều đều của các thiết bị. Thật gấp gáp, rồi lại chìm vào im ắng, mọi diễn biến cứ lặp lại như thế. Suốt một đêm ròng, không có giờ cho ngơi nghỉ ở nơi này.

Hai BS trở lại phòng kính, đọc kỹ từng trang bệnh án, rồi trao đổi những điều cần thiết; tầm 30 phút một lần, họ đi kiểm tra tình hình của bệnh nhân, dù các điều dưỡng luôn túc trực. Đến đầu từng giường bệnh, chị Đồng Thị Thu - một điều đưỡng có 14 năm kinh nghiệm, cúi người xem y lệnh của BS để thực hiện theo phác đồ mà BS đưa ra đối với từng bệnh nhân. Những giường bệnh khác, các cộng sự của chị cũng miệt mài như vậy. Ở đây, mỗi đêm trực kéo dài từ 19 giờ tối hôm trước đến 7 giờ sáng hôm sau. “Trong điều kiện bình thường, kể từ lúc tiếp nhận ca trực, thì phải đến tận 22 giờ đêm, công việc của kíp trực mới “nhẹ” dần” - chị Thu tâm sự. “Trong điều kiện bình thường” mà chị Thu nói, là không có tiếp nhận bệnh nhân mới, và bệnh nhân đang điều trị không có những diễn biến bất thường. Vào mỗi đêm trực, 7 người trong kíp trực, gồm 2 BS, 4 điều dưỡng và 1 hộ lý, luôn phải vật lộn với những điều bất thường như thế; nên họ mới nói vui, rằng những bất thường ấy, là… bình thường. Như cách đây không lâu, một nam bệnh nhân 59 tuổi bị hẹp động mạch vành phải đặt stent - một thiết bị giúp mở rộng lòng mạch. Gần ra viện, thì bệnh nhân này bị rối loạn nhịp tim, rơi vào trạng thái nguy kịch. BS phải sử dụng máy sốc điện để kích thích nhịp tim của bệnh nhân trở lại bình thường. Có đêm, BS phải sử dụng phương pháp này đến 10 lần. Khoảng một tháng sau, bệnh nhân này mới xuất viện. Hay như một trường hợp nữ bệnh nhân 50 tuổi ở Tam Xuân (Núi Thành), suốt 6 tháng ròng nằm ở khoa hồi sức tích cực trong tình trạng không thể tự chủ, phải nhờ sự hỗ trợ của máy móc. Sự kiên trì của các BS đã tạo nên kỳ tích, khi bệnh nhân dần tiến triển, hồi phục. “Nay bà ấy vẫn còn sống, từ chỗ nằm bất động, đã có thể tự sinh hoạt, ăn uống. Đó cũng là câu chuyện mà anh em chúng tôi vẫn luôn nhắc nhau, rằng không được buông khi còn dù chỉ một phần trăm hy vọng…” - BS Ánh nói.

sinhtu2

Cứ 30 phút một lần, BS Ánh đi kiểm tra tình hình bệnh nhân. Ảnh: THÀNH CÔNG

Về mặt “lý thuyết”, thì sau một ca trực kéo dài 12 tiếng đồng hồ, họ có 24 giờ để nghỉ ngơi, trước khi bước vào ca trực mới. Nhưng trên thực tế thì không hoàn toàn như vậy. Bởi với tình trạng bệnh nhân đang hiểm nghèo, nên cứ 2 tiếng một lần, BS phải cập nhật bệnh trạng. Nên sau khi hết ca trực, họ phải mất 1 - 2 tiếng đồng hồ để chuyển giao công việc cho kíp trực mới. Đối với những bệnh nhân đặc biệt, đòi hỏi duy trì sự theo dõi, thì dù không phải ca trực, nhưng BS vẫn thường xuyên tới lui để nắm chắc tình hình. Như đêm chúng tôi chứng kiến, BS Đinh Trường Giang, dù không phải ca trực nhưng vẫn đến “theo dõi bệnh nhân của mình”. Anh kể, đêm trước, khi anh trực, thì có một ca băng huyết sau khi sinh. Trường hợp ấy, chỉ có không quá 5 phút để cứu sản phụ. Anh và kíp trực đã thành công.

Cuộc chiến không ngơi nghỉ

Những việc “bất thường nhưng rất bình thường” ấy, suốt đêm cùng kíp trực, chúng tôi thêm vài lần được chứng kiến. Mọi thứ diễn ra ở đây, đều đặn như kim đồng hồ; nhiều khi, hoạt cảnh ấy diễn ra nhanh và gấp gáp hơn, chứ chưa bao giờ chậm lại. Đó cũng là đặc trưng nhất của khoa này so với các khoa còn lại của Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. BS Lê Tự Định - Phó Trưởng khoa HSTC - CĐ cho biết, nằm điều trị ở đây là những bệnh nhân bị nặng nhất, vượt khả năng cứu chữa của các khoa, hay thậm chí là các bệnh viện khác trong tỉnh. Ở khoa này, chỉ có duy nhất cấp độ chăm sóc bệnh nhân được áp dụng, đó là cấp độ 1: việc chăm sóc hoàn toàn do BS, điều dưỡng và hộ lý, bởi bệnh nhân không còn khả năng điều khiển cơ thể.

sinhtu3

Bác sĩ Thảo (áo sẫm), điều trị cho bệnh nhân bị biến chứng bất ngờ. Ảnh: THÀNH CÔNG

Thức cùng một đêm với các BS, điều dưỡng trong kíp trực, mới thấu hiểu cuộc chiến không ngơi nghỉ để chiến đấu với tử thần. Chị Đoàn Thị Tuyết - hộ lý duy nhất của kíp trực, cặm cụi đến từng giường bệnh, rồi lặng lẽ gỡ từng túi nhựa chứa nước tiểu khỏi đường ống được nối từ cơ thể bệnh nhân, rồi đổ qua can nhựa loại vuông, tầm 5 lít. Sau vài giường bệnh, can nhựa đầy, chị xách đi về hướng phòng vệ sinh. Lát sau trở lại với can không, rồi tiếp tục công việc khi nãy với những túi nhựa còn lại. Trút nước tiểu xong, chị quay lại từ đầu với mỗi giường bệnh, nhưng là công việc khác: vệ sinh cơ thể và thay ga giường.

Đây là công việc chị phải tốn nhiều thời gian và công sức nhất, bởi bệnh nhân ở đây thường không điều khiển được cơ thể mình; nên đôi lúc, các điều dưỡng sẽ giúp đỡ chị. Do bệnh nhân ở đây nhận thức ăn dạng lỏng, qua đường ống, nên sau khi vệ sinh cho họ xong, chị Tuyết cần mẫn thay các túi chứa thức ăn mới… Suốt ca trực 12 giờ đồng, hết việc này, chị Tuyết chuyển sang việc khác. Chị kể, mình đã 22 năm làm nhiệm vụ này; còn gắn bó với ngành y thì đã hơn 30 năm. Nhưng suốt chừng ấy năm đằng đẵng, những điều chị nhớ không phải là vất vả, mà là những lần… dỗ dành bệnh nhân!

Phía dưới một giường bệnh, là cặp bình thông nhau: một bình chứa đầy nước muối, đang sùng sục bởi luồng khí được đẩy từ một cái máy kê bên cạnh đầu giường; từ trong cơ thể bệnh nhân, một ống nhựa dẫn dòng nước vàng đục, hòa lẫn vào cái bình còn lại. Bệnh nhân này đang lọc phổi, ốm trơ xương. Giường bên cạnh, một bệnh nhân nằm im, mắt nhắm cứng đờ, nhịp thở nặng nhọc; cơ thể đầy các loại ống dẫn lưu, ống thở…; cả tay chân đều buộc chặt. Bệnh nhân này không còn ý thức, nếu không buộc tay chân lại, thì những lúc tỉnh bất ngờ, người này sẽ tự tay rút các loại ống dẫn, gây nguy hại đến tính mạng. Mấy giường bệnh khác, thỉnh thoảng tiếng “tít, tít, tít” của máy theo dõi bệnh nhân vang lên; BS, điều dưỡng lập tức tới kiểm tra. Đó là lúc tình trạng của bệnh nhân xấu đi… Tận thấy những điều đấy, mới hiểu vì sao những người khoác áo blouse ở đây thèm khát phút nghỉ ngơi đúng nghĩa. Họ chỉ được phép nghỉ việc, khi có chuyện hệ trọng. “Còn thời gian anh chị dành cho gia đình thì sao?”. Họ cười: “May mà gia đình thông cảm”.

Làm nghề này, là xác định… khổ. Nhưng hành trình đầy nhân văn ấy, hẳn sẽ không ngừng tịnh tiến. Và đêm bên lằn ranh sinh tử, những người khoác áo blouse tựa thiên thần, quyết liệt trong cuộc chiến giành lại sự sống cho từng bệnh nhân!


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ sáu, 09 Tháng 12 2016 20:18

You are here Tin tức Tin hoạt động BV Đêm bên lằn sinh tử...