• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về Cần, Kiệm trong giai đoạn hiện nay tại cơ quan

  • PDF.

BS CKI Đặng Ngọc Thành - Khoa Cấp cứu

Hồ Chí Minh là một trong những nhà tư tưởng, những lãnh tụ cách mạng đã bàn nhiều nhất đến vấn đề đạo đức. Bác đã giữ lại những gì tốt đẹp của quá khứ, lọc bỏ những gì không còn phù hợp và đưa vào những nội dung mới, do sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội đặt ra.

Mỗi chữ cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư đã được Bác giải thích rất rõ, rất cụ thể, dễ hiểu đối với mọi người. Đây không phải chỉ là yêu cầu về đạo đức, mà còn là yêu cầu của chính sự phát triển kinh tế.

Theo Bác thì:

Cần tức là lao động cần cù, siêng năng, lao động có kế hoạch, sáng tạo, có năng suất cao; lao động với tinh thần tự lực cánh sinh, không lười biếng, không ỷ lại, không dựa dẫm. Phải thấy rõ “lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của chúng ta”

Kiệm tức là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thì giờ, tiết kiệm tiền của dân, của nước, của bản thân mình; phải tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ, nhiều cái nhỏ cộng lại thành cái to; “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”; không phô trương hình thức, không liên hoan chè chén lu bù.

can kiem

Vận dụng cụ thể, mỗi cá nhân thực hiện Cần là:

  • Hết lòng, hết sức với công việc, tất cả vì người bệnh và sự phát triển của bệnh viện: Phải xem đây là công việc chính mang lại cuộc sống cho bản thân và gia đình, gắn bó với cơ quan. Mỗi người, trên cương vị của mình đều phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
  • Phát hiện ra việc cần làm, chủ động tìm ra việc chứ không đợi nhắc nhở. Khi được giao việc gì thì phải làm cho được, làm đến nơi đến chốn, mang lại chất lượng và hiệu quả cao. Tránh tư tưởng làm qua loa đại khái hoặc bỏ bê công việc.
  • Phát huy tính sáng tạo của mỗi cá nhân; mọi sáng kiến mang lại hiệu quả cao, có lợi cho tập thể, cho người bệnh đều được khuyến khích áp dụng.
  • Tuân thủ ngày giờ công, không so đo tính toán thiệt hơn, cốt lõi là làm hết việc chứ không phải đợi hết thời gian ra về.
  • Mặc dù mọi việc đã được phân công cho từng người, từng bộ phận nhưng chúng ta phải có trách nhiệm chung trong đó, vì tập thể, hỗ trợ nhau để thực hiện nhiệm vụ.

Thực hiện Kiệm gồm:

  • Tiết kiệm thời gian: Phải dành hết thời gian cho công việc, cho người bệnh, không la cà ở quán xá khi đã bắt đầu giờ làm việc.
  • Tiết kiệm vật tư, thuốc, văn phòng phẩm: ví dụ: khi rửa một vết thương thì tùy theo tổn thương lớn hay nhỏ mà lấy một lượng bông, gạc, dung dịch sát khuẩn vừa đủ, không lấy quá nhiều rồi dùng không hết phải bỏ đi sẽ lãng phí; các giấy tờ biểu mẫu hạn chế viết sai, không dùng để nháp hoặc mục đích khác. Sắp xếp biểu mẫu gọn gàng theo từng chủng loại, nếu thấy rơi vãi nhưng còn dùng được thì nhặt lên để dùng, không nên bỏ vào thùng rác.
  • Tiết kiệm điện: Tắt các thiết bị sử dụng điện khi không cần thiết: bóng điện, quạt, điều hòa…phải rèn luyện được ý thức và phản xạ như chính tại gia đình mình.
  • Tiết kiệm nước: Tất cả hệ thống dẫn nước đều phải đảm bảo kín, các khóa phải chặt; nhân viên y tế cũng như bệnh nhân và người nhà chỉ xả nước đủ dùng, không để chảy tràn lan, vặn chặt khóa khi không còn sử dụng.
  • Hạn chế xuất toán bảo hiểm y tế.

Tóm lại, cần, kiệm là hai trong các phẩm chất đạo đức (cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư) gắn liền với hoạt động hàng ngày của mọi người. Theo Bác, cần mà không kiệm thì chẳng khác nào “gió vào nhà trống”, “nước đổ vào chiếc thùng không đáy”. Còn kiệm mà không cần thì sản xuất được ít, không đủ dùng, không có tăng thêm, không có phát triển. Điều này rất thiết thực với mỗi cá nhân, mỗi gia đình cũng như tập thể, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi các cơ sở y tế công lập phải tự lo về kinh phí hoạt động,  bên cạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn, tinh thần thái độ phục vụ, thực hiện tốt quy tắc giao tiếp ứng xử thì cần và kiệm cũng rất quan trọng để duy trì được hoạt động của cơ quan và cuộc sống của mỗi cán bộ, viên chức./.

Tài liệu tham khảo:

  1. Hội đồng trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác – Lênin, tư tưởng Bác (2004), “Tư tưởng Bác về đạo đức”, Giáo trình tư tưởng Bác, Nhà xuất bản chính trị Quốc gia, tr 333-352.

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ sáu, 21 Tháng 10 2016 10:05

You are here Tin tức Tin hoạt động BV Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về Cần, Kiệm trong giai đoạn hiện nay tại cơ quan