Hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng cháy chữa cháy” (04/10/1961 - 04/10/2015)

Phòng HCQT

Phòng cháy chữa cháy là một trong những công tác quan trọng nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ tài sản Nhà nước và của nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Ngày 4/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), theo đó ngày 4/10 trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát PCCC. Người dạy lực lượng Cảnh sát PCCC 4 điều, đó là :

1. Phải luôn nâng cao cảnh giác, chớ chủ quan tự mãn;

2. Phải thường xuyên sẵn sàng nhanh chóng làm tròn nhiệm vụ bất kỳ trong tình hình nào, để bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân;

3. Phải không ngừng học tập, nghiên cứu, phát huy sáng kiến, tổng kết kinh nghiệm để tiến bộ hơn nữa trong công việc PCCC;

4. Phải thường xuyên hướng dẫn và bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng ngày càng tiến bộ để họ trở thành người giúp việc thật đắc lực cho các đồng chí.”

Ngày 4/6/1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định lấy ngày 4/10 hằng năm là "Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy”, huy động toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy nhằm hạn chế nguy cơ cháy nổ,  giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra cháy nổ.

 chuachay1

Hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy”, hằng năm, các địa phương trên cả nước đã lên kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể như :

- Tổ chức mít tinh, diễu hành hưởng ứng “Ngày toàn dân PCCC”; đồng thời, tập trung thực hiện một số công tác trọng tâm như tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC bằng nhiều hình thức, nhất là các biện pháp, kinh nghiệm PCCC có hiệu quả.

- Tổ chức các hoạt động thiết thực, khích lệ phong trào toàn dân tham gia PCCC; có biện pháp đảm bảo an toàn PCCC khi sử dụng điện, gas, xăng dầu, đặc biệt thiết bị sinh nhiệt, thiết bị công nghệ sản xuất; phát hiện và kịp thời khắc phục những tồn tại, thiếu sót, bất cập trong công tác PCCC tại trụ sở cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, địa bàn quản lý; củng cố, thành lập đội PCCC cơ sở, trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ phù hợp quy mô, tính chất cháy, nổ, dự trữ đủ nước theo quy định; xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn cứu người, di chuyển tài sản trong tình huống cháy, nổ xảy ra.

- Tăng cường công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt trong phong trào toàn dân tham gia PCCC nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức, hiểu biết về PCCC trong toàn xã hội; treo pa-nô, áp phích, khẩu hiệu hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy” ở nơi công cộng, cổng các cơ quan, doanh nghiệp.

- Kiểm tra, chấn chỉnh công tác PCCC trong phạm vi đơn vị, địa phương quản lý; thường xuyên kiểm tra việc tổ chức lực lượng, tình hình hoạt động của lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở cũng như việc tuần tra, canh gác bảo vệ trong / ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ban đêm; quan tâm tình trạng hoạt động của các loại phương tiện PCCC, phương án chữa cháy tại chỗ,… chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy ở các địa bàn, cơ sở có nhiều hàng hóa, vật tư dễ cháy, nổ (như: chợ, trung tâm thương mại, nơi kinh doanh xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, nơi tập trung đông dân cư, các nhà cao tầng, nơi có nhiều tài sản, tài liệu...); rà soát, củng cố, đầu tư trang bị dụng cụ, phương tiện PCCC để chủ động xử lý khi có cháy, nổ xảy ra; củng cố, kiện toàn hoạt động hoặc xây dựng mới các Đội dân phòng, Đội PCCC cơ sở của đơn vị, địa phương mình theo quy định của Luật PCCC.

Qua đó, chấn chỉnh ngay việc không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ các quy định về bảo đảm an toàn PCCC, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm quy định về PCCC…

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam, công tác phòng cháy chữa cháy đặc biệt được chú trọng. Bệnh viện đã thành lập Ban chỉ đạo PCCC, Đội phòng cháy chữa cháy để xử lý tất cả mọi vấn đề liên quan đến công tác PCCC & CNCH; xử lý các tình huống khi có cháy nổ xảy ra trong toàn viện; triển khai kế hoạch và phương án phòng chống cháy nổ đến các khoa, phòng. Các thành viên trong đội PCCC đã được Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh huấn luyện và cấp giấy chứng nhận, đã được học tập về an toàn phòng chống cháy nổ tại Bệnh viện. Bệnh viện có nội quy phòng cháy chữa cháy; quy trình tổ chức chữa cháy khi có cháy nổ xảy ra. Các khoa, phòng thành lập đội PCCC cơ sở do các Trưởng hoặc Phó khoa / phòng làm đội trưởng; có kế hoạch-phương án PCCC thực hiện cho riêng từng khoa / phòng. Các khoa, phòng đều được trang bị một số bình chữa cháy CO2 được bố trí ngay tại các nơi để máy móc, dụng cụ có nguy cơ gây cháy nổ.

Tuy nhiên, ở các khoa, đa số người bệnh và người nhà chưa có kiến thức nhiều về phòng cháy chữa cháy, đặc biệt có nhiều khoa quá tải, người bệnh và người nhà ý thức cảnh giác chưa cao nên vẫn có thể gây ra những trường hợp ngoài ý muốn nếu nhân viên bệnh viện không thường xuyên nhắc nhở.

Vì vậy, để thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy trong Bệnh viện, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại do cháy nổ gây ra đòi hỏi toàn thể nhân viên y tế trong Bệnh viện cần thực hiện tốt nội quy phòng cháy chữa cháy, tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng; không được đun, nấu, ủi quần, áo trong khoa, phòng; các bình chữa cháy phải được để ở nơi dễ thấy, dễ lấy; tuyên truyền công tác phòng cháy chữa cháy cho người bệnh và người nhà người bệnh tại các cuộc họp của khoa mình; sắp xếp các kho gọn gàng, thanh lý những vật tư đã hư hỏng không còn sử dụng được,...

 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ năm, 01 Tháng 10 2015 20:35