• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Công tác phòng cháy chữa cháy tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam - thực trạng và giải pháp

  • PDF.

Huỳnh Viết Hùng - Phòng HCQT

Theo số liệu thống kê của Cục Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) trong năm 2013 trên toàn quốc đã xảy ra 2.624 vụ cháy, 35 vụ nổ làm chết 124 người và bị thương 349 người, tài sản thiệt hại khoản 1 tỉ 656 triệu đồng và 903,74 ha rừng.

Trong 6 tháng đầu năm cả nước xảy ra 1.400 vụ cháy, làm chết 20 người, bị thương 50 người, tài sản thiệt hại trị giá khoản 579,8 tỉ đồng. Nhìn chung các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng đều tập trung ở các thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh cát PCCC Công an tỉnh Quảng Nam thì từ ngày 11/11/2013 đến ngày 14/4/2014 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 12 vụ cháy, trong đó có 07 nhà dân, 03 doanh nghiệp, 01 vụ cháy chợ và 01 vụ cháy rừng, tài sản thiệt hại khoản 1 tỉ 262 triệu đồng.

chuachay1

Qua các con số thống kê cho thấy thiệt hại về cháy nổ là vô cùng lớn không những ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước, kinh tế của cá nhân, doanh nghiệp mà đặc biệt là đe dọa đến sinh mạng của con người. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam trong những năm qua chúng ta chưa để xảy ra vụ cháy nổ nào lớn, chỉ có vài vụ cháy do chập điện đã được các khoa, phòng xử lý kịp thời, không gây thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam là cơ sở điều trị cuối của Ngành Y tế tỉnh nhà, hằng ngày với lưu lượng bệnh nhân nội trú khoảng từ 800 – 900 người, kéo theo khoảng gần 800 – 900 người nuôi bệnh, lượng bệnh nhân hằng ngày đến khám tại khoa Khám bệnh từ 500 – 600 người, chưa kể trên 700 CCVC làm việc hằng ngày và hàng trăm sinh viên từ các trường y tế thực tập trong Bệnh viện, vì vậy công tác PCCC là việc làm không thể xem thường.

I. Thực trạng về công tác PCCC tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam

1. Về cơ sở vật chất

Từ những năm đầu chia tách tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam được UBND tỉnh quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng và cải tạo lại các cơ sở khám chữa bệnh. Dự án được giao cho Sở Y tế làm chủ đầu tư, do nguồn kinh phí hạn chế nên dự án chủ yếu tập trung xây dựng các cơ sở phục vụ chuyên môn, nhưng công tác PCCC đã bắt đầu được quan tâm. 18 khu vực nhà trong bệnh viện bao gồm khu Hành chính – Lãnh đạo, các khoa điều trị, (trừ khoa Sản mới xây dựng sau và Khoa Khám – Cấp cứu đang xây dựng) đều có trang bị hệ thống PCCC, hệ thống báo cháy tự động, máy bơm nước chữa cháy và đường ống dẫn nước chữa cháy được đấu vào bể nước ngầm. Riêng khu Kỹ thuật đã được lắp đặt đường ống cấp nước và hệ thống dây dẫn nhưng chưa có máy bơm và bể lấy nước, toàn bộ hệ thống được nối vào bể nước trên mái nên áp lực phun nước chưa được mạnh.

Hiện tại, để có phương tiện xử dụng PCCC tại chỗ, Ban Giám đốc Bệnh viện đã chỉ đạo phòng Hành chính – Quản trị mua, trang bị cho các khoa phòng trong toàn Bệnh viện các bình chữa cháy cầm tay bằng khí CO2 gồm hai loại MZ2 và MZ4. Tuy nhiên qua kiểm tra định kỳ về công tác PCCC tại Bệnh viện, ngày 16/4/2014 Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Quảng Nam có Công văn số 317/PC66 yêu cầu Bệnh viện phải trang bị thêm một số bình chữa cháy nữa tại các khoa, phòng.

Một vấn đề nữa là hiện nay, hầu hết các buồng bệnh nhân nặng tại các khoa (trừ khoa Hồi sức cấp cứu) đều không có hệ thống oxy trung tâm, mà có từ 3 – 5 bình oxy dự trữ để kịp thời cấp cứu người bệnh, nên nếu nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân không cẩn thận thì nguy cơ cháy nổ xảy ra là điều có thể.

Hiện nay, trong giờ làm việc, ở một số khoa lớn như Nội-Tổng hợp, Nội-Tim mạch, Ngoại-Tổng hợp, Ngoại-Chấn thương,…có lúc cửa hành lang còn đóng nên nếu có sự cố cháy nổ xảy ra thì nhân viên bệnh viện phải lưu ý đến các lối thoát hiểm này cho người bệnh và người nhà được thoát hiểm kịp thời.

2. Về cơ cấu tổ chức và lực lượng PCCC tại Bệnh viện

a) Thuận lợi

Ban Giám đốc rất chú trọng đến công tác PCCC, Giám đốc Bệnh viện luôn chỉ đạo cho các phòng chức năng thường xuyên quan tâm đến công tác PCCC trong Bệnh viện. Bệnh viện đã thành lập Ban chỉ đạo PCCC gồm 11 thành viên, trong đó Bác sĩ Giám đốc làm Trưởng ban để xử lý tất cả mọi vấn đề liên quan đến công tác PCCC & CNCH trong Bệnh viện.

Ngày 28/02/2014 Bác sĩ Phó Giám đốc Bệnh viện cũng đã ký Quyết định số 56/QĐ - BV thành lập Đội PCCC của Bệnh viện gồm 25 thành viên trong đó nòng cốt là các nhân viên phòng HCQT, lực lượng này dưới sự chỉ huy của Ban chỉ huy PCCC Bệnh viện có nhiệm vụ xử lý các trường hợp liên quan đến cháy nổ trong Bệnh viện.

Tại các khoa phòng đều đã thành lập đội PCCC cơ sở do Bác sĩ Trưởng hoặc Phó khoa phòng làm đội trưởng. Các thành viên trong đội PCCC đã được Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh huấn luyện và cấp giấy chứng nhận, đã được học tập về an toàn phòng chống cháy nổ tại Bệnh viện. Mạng lưới tổ chức PCCC tại Bệnh viện được Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh đánh giá khá cao.

b) Khó khăn

Nhân viên y tế toàn viện được huấn luyện về công tác PCCC chưa nhiều, việc huấn luyện tại chỗ ở các khoa phòng chưa thường xuyên. Qua kiểm tra công tác PCCC tại các khoa 6 tháng đầu năm 2014 một số ít nhân viên y tế còn lúng túng khi sử dụng bình chữa cháy.

Một vấn đề nữa là đa số người bệnh và người nhà chưa có kiến thức nhiều về PCCC, đặc biệt có nhiều khoa quá tải, người bệnh và người nuôi bệnh ý thức cảnh giác chưa cao nên vẫn có thể gây ra những trường hợp ngoài ý muốn nếu nhân viên bệnh viện không thường xuyên nhắc nhở.

II. Giải pháp thực hiện

Để thực hiện tốt công tác PCCC trong Bệnh viện, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại do cháy nổ gây ra đòi hỏi toàn thể NVYT trong Bệnh viện thực hiện tốt nội quy PCCC số 135a/NQ – BV đã được Bác sĩ Phó Giám đốc ký ban hành ngày 01/7/2013, đồng thời tự trang bị cho mình kiến thức về PCCC. Các khoa phòng phải chấp hành nghiêm túc nội dung Thông báo số 118/TB – BV ngày 28/4/2014 đã được Giám đốc Bệnh viện ký gởi các khoa, phòng, cụ thể là:

2.1. Phòng HCQT

- Lập kinh phí dự trù sửa chữa lại hệ thống PCCC khu kỹ thuật: lắp đặt thiết bị báo cháy tự động tại kho thuốc, hóa chất của khoa Dược, mua thêm các bình chữa cháy cấp cho các khoa và nhà giữ xe nhân viên theo yêu cầu của Phòng Cảnh sát PCCC (Phòng HCQT đã lập xong dự trù kinh phí, trình Giám đốc xem xét trong tháng 7/2014 này).

- Làm Tờ trình gởi Sở Y tế xin kinh phí làm hệ thống dẫn nước chữa cháy cho toàn Bệnh viện.

- Làm đường cho xe cứu hỏa vào lấy nước tại hồ nước phía dưới khoa Y học nhiệt đới.

2.2. Phòng VT-TBYT

- Thay thế các đèn sự cố tại khu kỹ thuật, chuyển các bảng điện, ổ cắm điện, công tắc điện trong kho thuốc và kho hóa chất tại khoa Dược ra bên ngoài hành lang, bên trong kho dùng đèn chiếu sáng phòng nổ.

- Thường xuyên kiểm tra và vận hành máy nổ bơm nước PCCC tại khoa Sản.

- Làm việc với Ban quản lý xây dựng Sở Y tế tiến hành lắp đặt hệ thống oxy âm tường tại các phòng sinh và phòng mỗ của khoa Sản.

- Hằng năm phải đo điện trở tiếp đất tại các khoa phòng trong toàn Bệnh viện để chống sét đánh thẳng.

- Thường xuyên kiểm tra nhắc nhở các khoa phòng không được dùng điện để đun, nấu, ủi quần áo.

2.3. Khoa Dược, KHTH: sắp xếp gọn gàng các chứng từ, bệnh án lưu trữ, thuốc, hóa chất; tạo lối đi thông thoáng, cách tường.

2.4. Các khoa, phòng còn lại trong Bệnh viện: nhắc nhở nhân viên thực hiện tốt phương án xử lý phòng chống cháy nổ do bệnh viên, khoa phòng xây dựng; tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng; không được đun, nấu, ủi quần, áo trong khoa phòng; các bình chữa cháy phải được để ở nơi dễ thấy, dễ lấy; tuyên truyền công tác PCCC cho người bệnh và người nhà người bệnh tại các cuộc họp với người bệnh của khoa mình; sắp xếp các kho gọn gàng, thanh lý những vật tư đã hư hỏng không còn sử dụng được.

Kết luận: Thực tế công tác PCCC trong mỗi khoa phòng và toàn bệnh viện là việc có thể thực hiện được nếu như mọi người có mặt ở bệnh viện ở mọi thời điểm đều có ý thức trong công việc này. Đây là nhiệm vụ đòi hỏi toàn thể nhân viên Bệnh viện phải thực hiện nghiêm túc các nội quy, quy định về PCCC, đừng để những sự việc đáng tiếc và hậu quả khôn lường từ cháy nổ xảy ra.    


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ năm, 03 Tháng 7 2014 10:15

You are here Tin tức Tin hoạt động BV Công tác phòng cháy chữa cháy tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam - thực trạng và giải pháp