Tác dụng không mong muốn và độc tính của thuốc kháng sinh

Ds Nguyễn Thị Mai

Thuốc được đưa vào nước ta bằng nhiều đường khác nhau do vậy chưa được kiểm soát chặt, đặc biệt là nhóm thuốc kháng sinh, ngày nay có nhiều biệt dược mới xuất hiện và kháng sinh cũng là một loại thuốc được sử dụng nhiều nhất trong điều trị. Tuy vậy, một số thuốc kháng sinh còn có tác dụng phụ (tác dụng không mong muốn) không định trước được có thể xảy ra ở người bệnh  với liều thường dùng và khi dùng liều cao thì hầu hết các thuốc đều có độc tính.

tacdungphu1

Những tác dụng phụ và độc tính hay gặp ở một số thuốc kháng sinh thường dùng:

A. Nhóm beta- lactam:

1. Dị ứng, những biểu hiện dễ gặp là:

- Choáng phản vệ, khó thở, trụy tim mạch

- Ngoài da: Ngứa, mày đay( gặp ngay hoặc trong vòng 2 ngày sau khi dùng thuốc), có thể tai biến chậm sau ngày thứ 3( ban đỏ dạng sởi, phát ban bọng nước).

- Bệnh huyết thanh: 4-12 ngày sau khi dùng thuốc có sốt, viêm khớp, bệnh hạch, lách to, giảm bạch cầu.

2. Loạn khuẩn ở ruột: đi lỏng dễ gặp khi dùng ampicillin, amoxicillin thời gian dài.

3. Bệnh não cấp: Sau khi truyền lượng lớn penicillin G (quá 20 triệu đơn vị trong ngày) hoặc tiêm liều quá cao oxacillin, cloxacillin, có triệu chứng rối loạn ý thức, co cơ, tăng phản xạ, có thể co giật hôn mê.

4. Tai biến về máu: Chảy máu do dùng liều quá cao penicillin (quá 40 triệu đơn vị) carbenicillin, ticarcillin, pipiracillin…giảm bạch cầu trung tính khi dùng kháng sinh nhóm beta-lactam kéo dài (quá 3 tuần) với tổng liều quá cao (ví dụ quá 200 triệu đơn vị penicillin G), ban đỏ dát sần.

Chống chỉ định: người dị ứng với beta- lactam.

B. Nhóm aminoglycosid (AG):

1.Rối loạn về thính giác: tiền đình bị nhiễm độc trước ốc tai , có chóng mặt, mất điều hòa, rung giật nhãn cầu. Rối loạn ốc tai nghiêm trọng hơn, xảy ra trong quá trình dùng AG hoặc sau khi dùng thuốc vài tuần, vài tháng (ù tai rồi mất thính lực, tổn thương không hồi phục). Nghiêm trọng hơn với những bệnh nhân đã dùng một loại AG trước đó hoặc thuốc gây độc cho thính giác (như furosemid, vancomycin), người cao tuổi, suy thận, đang có thai (độc cho thai) hoặc những người sẵn có bất thường về thính giác, dùng liều cao và kéo dài (quá 10 ngày).

2. Độc với thận: AG đào thải chủ yếu qua thận, tích lũy ở vỏ thận và gây bệnh thận cấp, dễ gặp ở người cao tuổi, suy thận hoặc khi dùng liều cao kéo dài.

Chú ý: Với liều hàng ngày, nếu dùng một liều duy nhất sẽ ít gây độc hơn là chia làm nhiều lần trong ngày. Tiêm truyền liên tục sẽ gây độc. Khi cơ thể mất muối thì độc tính AG tăng lên.

Chỉ dùng AG khi nhiễm khuẩn nặng, hạn chế liều dùng hàng ngày, hạn chế số ngày dùng, thường xuyên theo dõi trạng thái thận và thính giác, tránh tương tác thuốc bát lợi.

3. Làm giãn cơ vân: có thể gây liệt mềm, ảnh hưởng tới hô hấp. xảy ra ở người nhược cơ hoặc khi tiêm AG màng bụng, màng phổi, hoặc dùng AG trong gây mê có thêm curare.

Chống chỉ định: dị ứng với nhóm AG, nhược cơ, có thai.

C. Chloramphenicol:

1.Tai biến về máu: Suy tủy có 2 loại:

- Thiếu máu: dạng suy tủy này là chung, phụ thuộc liều cao, dùng kéo dài hoặc khi dùng ở người suy gan, sẽ phục hồi sau 1-3 tuần dùng thuốc.

- Thiếu máu bất sản: nguy hiểm, không phụ thuộc liều lượng.

2. Hội chứng xám: nôn, nhịp thở nhanh, tím xanh, phân xanh, ngủ lịm, rồi trụy mạch và tử vong. Dễ xảy ra ở trẻ em dưới 2 tuần tuổi, đặc biệt ở trẻ đẻ non.

3. Dùng dài ngày : có thể viêm dây thần kinh thị giác, viêm dây thần kinh ngoại biên, mê sảng, rối loạn tiêu hóa, ban, mày đay.

Chống chỉ định: Phụ nữ có thai, trong thời gian đang cho con bú, trẻ sơ sinh, giảm huyết cầu nặng, suy gan.

D. Nhóm Tetracyclin:

1.Gắn vào xương, răng trẻ em trong thời kỳ đang lớn, gây chậm phát triển xương, hỏng răng, vàng răng, nếu mẹ dùng tetracyclin khi có thai hoặc dùng cho trẻ dưới 9 tuổi.

2. Rối loạn tiêu hóa, viêm miệng - hầu - thực quản. Liều cao gây tổn thương gan nhất là khi có thai, suy thận (trừ doxycylin), tăng áp lực trong sọ. Loạn nhịp tim khi tiêm tĩnh mạch nhanh.

Chống chỉ định: nhược cơ, có thai, thời kỳ đang cho con bú, suy thận, trẻ em dưới 9 tuổi (có tài liệu khuyên trẻ em dưới 12 tuổi không nên dùng).

E. Nhóm Lincosamid:

- Đi lỏng, viêm ruột kết màng giả (ỉa tháo nhiều nước, co cứng cơ bụng, sốt, mất nước, chảy máu ruột, mất điện giải).

- Tai biến khác: nôn, ngứa hậu môn, viêm miệng, viêm lưỡi,vị giác khác thường, tiêm tĩnh mạch có thể viêm tĩnh mạch, hạ huyết áp, loạn nhịp tim.

Chống chỉ định: suy gan

F. Nhóm Quinolon (thế hệ I và II):

- Tiêu hóa: rối loạn tiêu hóa, đau thượng vị, cảm giác đè nặng ở dạ dày, nôn.

- Thần kinh: nhức đầu, chóng mặt, ngủ gà, ảo giác, lú lẫn, co giật.

- Tổn thương mô sụn.

Chống chỉ định: có thai (3 tháng đầu và tháng cuối), thời kỳ cho con bú, trẻ dưới 16 tuổi, người  già (trên 70 tuổi), suy gan, suy thận, có bất thường về tâm thần, động kinh, người thiếu men glucose – phosphate- dehydrogenase (G6PD), người lái xe, làm việc trên cao, tiếp xúc với máy móc.

G. Nhóm nitro-imidazol:

- Tiêu hóa: buồn nôn, chán ăn, vị kim loại ở miệng, viêm miệng và lưỡi, lưỡi đen, đi lỏng.

- Thần kinh: hiếm gặp, nhưng phải ngừng thuốc ngay nếu có, dùng liều cao kéo dài  có các biểu hiện viêm thần kinh cảm giác vận động, bệnh não co giật.

Chống chỉ định: có thai (3 tháng đầu), thời kỳ cho con bú, người rối loạn về thần kinh trung ương về cấu tạo máu.

H. Nitrofurantoin:

- Viêm nhiều dây thần kinh: nghiêm trọng sau khi dùng thuốc dài ngày hoặc suy thận. Phải dừng thuốc ngay  khi có dị cảm.

- Dị ứng ngoài da: sốt, bệnh phổi (sau khi dùng thuốc 1 tuần), rối loạn tiêu hóa, thiếu máu tan huyết.

Chống chỉ định: có thai, trẻ sơ sinh, suy thận.

I. Nhóm thuốc chống lao:

1.Các tác dụng phụ nhẹ: thường là thoáng qua và hết tự nhiên hoặc khi giảm liều hay thay đổi cách dùng, các biểu hiện thường gặp là : Rối loạn tiêu hóa nhẹ (chán ăn, buồn nôn), cảm giác tê, nề quanh miệng hoặc trên mặt có thể xảy ra khi dùng streptomycin hết khi giảm liều.

- cảm giác sảng khoái, hưng phấn hoặc mất ngủ gặp khi bắt đầu dùng INH

- Khó thở kiểu cơn hen hay đau khớp có thể xảy ra khi dùng pyrazinamid, xuất hiện kèm với tăng acid uric trong máu.

2.Các tai biến nặng: tương đối hiếm gặp. Nếu gặp cần dừng thuốc ngay và chuyển nhập viện điều trị nội trú để theo dõi và thay phát đồ điều trị.

- Tai biến ngoài da: các phản ứng tăng mẫn cảm, xuất hiện đột ngột, sốt, nhức đầu, buồn nôn kèm với nổi ban đỏ, có trường hợp như nốt sởi ở mặt, tay, chân và toàn thân.

- Giảm hoặc mất bạch cầu hạt

- Viêm gan: với các triệu chứng ban đầu chán ăn, buồn nôn, đau khớp sau đó vàng da, vàng mắt transaminase huyết thanh tăng 2-4 lần so với bình thường.

- Rối loạn thần kinh, rối loạn cảm giác, giảm thị lực, chóng mặt hoặc nặng hơn điếc, mất điều hòa xảy ra khi dùng streptomycin.

- Các tai biến về thận chủ yếu là vô niệu, tương đối hiếm gặp.

Chống chỉ định:

J. Nhóm kháng sinh chống nấm:

- Amphotericin: độc với thận, giảm kali/máu và magnesi máu. Sốt, nôn, viêm tĩnh mạch huyết khối. Hiếm gặp: giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, thiếu máu, loạn nhịp tim, suy gan, sốc phản vệ. Không dùng cho người suy gan, suy thận nặng.

- Ketoconazol: rối loạn tiêu hóa, dị ứng ngoài da, độc với gan, vú to ở đàn ông, giảm tinh dịch, không dùng khi có thai, thời kỳ cho con bú.

- Miconazol: rối loạn tiêu hóa, dị ứng, viêm tĩnh mạch, giảm tiểu cầu, giảm lipid/máu, loạn nhịp tim. Không dùng khi có thai.

- Fluconazol: rối loạn tiêu hóa, dị ứng ngoài da. Không dùng khi có tahi, thời kỳ cho con bú.

K. Các sulfamid

1. Biểu hiện mẫn cảm: dấu hiệu ngoài da, có thể nguy hiểm, như; tổn thương niêm mạc , bong biểu bì thể bọng nước (các hội chứng Stevens – Johnson, Lyell), viêm da do tiếp xúc, sốt, khó thở dạng hen, tổn thương thận.

2. Máu: thiếu máu tan huyết cấp, giảm bạch cầu (sau 10 ngày dùng thuốc)

3. Gan: vàng da

4. Rối loạn tiêu hóa (chán ăn, nôn, đi lỏng), thần kinh (mệt, mất ngủn, nhức đầu, ù tai), tiết niệu( vô niệu, đái ra máu).

Chống chỉ định: dị ứng với sufamid, người thiếu nem G6PD, suy gan, suy thận,có thai, thời kỳ cho con bú, trẻ sơ sinh. Không bôi taij chỗ ngoài da. Thận trọng khi dùng sufamid thải trừ chậm( như sulfadocin, sulfamethoxypyridazin = SMP)

Chú ý: Co- trimoxazol (chứa sulfamethoxazol), Fansidar (chứa sulfadoxin) cũng có tác dụng phụ và độc tính của nhóm sulfamid.

L. Thuốc chống sốt rét:

1.Quinin: đỏ da, ngứa, phát ban, sốt, khó thở, ù tài, rối loạn thị giác, “say quinin” (nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn), dùng dài ngày: rối loạn thần kinh trung ương (nhầm lẫn, mê sảng, ngất), trụy hô hấp, trụy tim mạch, hạ huyết áp, giảm thị lực, rối loạn thị giác. Tiêm bắp có thể bị áp xe, hoại tử nơi tiêm. Không dùng quinin khi nhược cơ, rối loạn dẫn truyền trong tim, có thai.

2. Chloroquin: dùng dài ngày gây bệnh giác mạc (nhẹ), bệnh võng mạc(hiếm, nhưng nghiêm trọng), dị ứng ngoài da, rối loạn tiêu hóa, cảm quang, thay đổi sắc tố (bạc tóc, da sạm), chóng mặt, độc với thính giác, với gan, bệnh loạn cơ, cần theo dõi thị giác thường kỳ, cẩn thận khi dùng cho trẻ dưới 13 tuổi.

Trong mỗi hộp thuốc đều có tờ hướng dẫn giới thiệu cơ bản về tính chất của thuốc, dược động học, chỉ định, tác dụng chính, tác dụng không mong muốn, độc tính, chống chỉ định, cách dùng, liều dùng, tương tác thuốc, tương kị, hạn dùng và cách bảo quản của thuốc…Thầy thuốc và dược sĩ cần đọc thật kỹ để chỉ định kê đơn và cấp phát hướng dẫn sử dụng cho người bệnh một cách chính xác, tránh mọi sai lầm đáng tiếc.

Tài liệu tham khảo:

  1. Hướng dẫn sử dụng kháng sinh – Nxb Y học BYT
  2. Phạm thị Thúy Vân, phản ứng có hại và cảnh giác dược, Dược lâm sàng những nguyên lý cơ bản và sử dụng thuốc trong điều trị - Nxb Yhọc
  3. Hoàng thị Kim Huyền (2010), Chăm sóc dược, Nxb Yhọc
  4. Cipolle R.J., Strand L.M., Morley P.C.(1998), Pharmaceutical Care Practice, McGraw-Hill

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ ba, 17 Tháng 3 2015 17:32