Ngày thế giới phòng chống sốt rét 25/4/2017: Hãy cùng thu hẹp khoảng cách phòng ngừa

Khoa ICU

Ngày thế giới phòng chống sốt rét (WMD) năm nay với thông điệp thu hẹp khoảng cách phòng ngừa (Let’s close the gap) cùng “logo 2 mảnh ghép” biểu trưng cho khoảng trống cần được lấp đầy, WHO kêu gọi các quốc gia và đối tác khẩn trương cải thiện tiếp cận các công cụ dự phòng cứu mạng sống, những thành công gần đây trong cuộc chiến sốt rét cho thấy việc mở rộng phạm vi sử dụng các công cụ dự phòng được kiểm chứng và tiết kiệm chi phí đã làm giảm đáng kể gánh nặng sốt rét toàn cầu. Bản tin mới của WHO công bố trước WMD năm nay đã đưa ra một bản tóm tắt các công cụ được WHO khuyến nghị trong gói dự phòng sốt rét làm nổi bật khoảng trống còn lại trong phạm vi bao phủ và nhu cầu về công cụ chống sốt rét mới.

sotretlogo

Ngay từ năm 2000, phòng ngừa sốt rét đã có vai trò quan trọng làm giảm số mắc và tử vong sốt rét chủ yếu thông qua việc mở rộng phạm vi bao phủ màn tẩm hóa chất diệt (ITNs) và phun tồn lưu hóa chất trong nhà (IRS). Ở khắp vùng cận Saharan châu Phi nơi tập trung chủ yếu sốt rét toàn cầu, phần lớn dân số đang ngủ dưới ITNs. Trong năm 2015, ước tính khoảng 53% dân số nguy cơ được bảo vệ bằng ITNs so với 30% năm 2010. Trong 20 quốc gia châu Phi, giai đoạn 2010 -2015 điều trị dự phòng cho phụ nữ mang thai tăng gấp 5 lần. Theo Báo cáo sốt rét thế giới của WHO 2016, trong năm 2015 có 212 triệu ca mắc mới sốt rét và 429.000 trường hợp tử vong, cứ mỗi 2 phút lại có một đứa trẻ chết vì sốt rét. Mở rộng phạm vi phòng ngừa đang thu được những kết quả khả quan, ước tính mới nhất của WHO cho thấy nhiều quốc gia còn sốt rét lưu hành gánh nặng sốt rét đã được làm giảm đáng kể. Trên quy mô toàn cầu, số ca mắc mới sốt rét giảm 21% giai đoạn 2010-2015, tỷ lệ tử vong sốt rét giảm 29% so với cùng kỳ 5 năm trước đó.

Tuy nhiên tiến độ thực hiện cần được tăng tốc đáng kể. Để tăng tốc tiến độ hướng tới những mục tiêu toàn cầu, WHO kêu gọi các nước bị ảnh hưởng sốt rét và các đối tác phát triển của họ đẩy mạnh đầu tư trong phòng chống sốt rét, đồng thời kêu gọi tài trợ lớn hơn cho sự phát triển, đánh giá và triển khai các công cụ mới. Đầu tư mạnh mẽ trong phòng ngừa sốt rét và các công cụ mới sẽ thúc đẩy các quốc gia đi theo lộ trình loại trừ đồng thời góp phần vào các mục tiêu phát triển bền vững khác như cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Với các nguồn lực cần thiết và tất cả các đối tác thống nhất, chúng ta có thể chuyển đổi tầm nhìn chung “Chấm dứt hoàn toàn sốt rét” trở thành hiện thực. 

Tại Việt Nam, năm 2015 ghi nhận trên 19 nghìn trường hơp mắc và 3 trường hợp tử vong do sốt rét. Sốt rét vẫn còn diễn biến phức tạp ở một số tỉnh trọng điểm thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ Quảng Bình, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Khánh Hoà, Phú Yên, Bình Phước, ... Số mắc sốt rét và tử vong do căn bệnh này ở Việt Nam đã giảm mạnh so với giai đoạn 2010 - 2014.

Phòng chống bệnh sốt rét hiện nay đang gặp nhiều thách thức: Sốt rét hiện nay tập trung tại những địa bàn còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế xã hội và người dân còn có nhận thức hạn chế về phòng chống sốt rét; Sự gia tăng tình trạng di biến động dân cư từ vùng không có lưu hành sốt rét vào vùng lưu hành sốt rét, giao lưu, đi lại của lao động của Việt Nam đến các quốc gia có lưu hành sốt rét châu Phi, Lào, Cam pu chia,… làm gia tăng nguy cơ mắc và lan rộng sốt rét và ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc tại Việt Nam; Tình trạng người dân ngủ rừng, ngủ rẫy, công nhân, lao động tại các vùng sốt rét lưu hành chưa được quản lý và tiếp cận đầy đủ về tuyên truyền và biện pháp phòng chống sốt rét; Kinh phí đầu tư cho phòng chống sốt rét có xu hướng tiết giảm từ ngân sách nhà nước và nhà tài trợ sẽ gây nhiều khó khăn đến mục tiêu về phòng chống và loại trừ sốt rét.

Phòng chống bệnh sốt rét cũng như các bệnh truyền nhiễm khác chỉ riêng ngành y tế sẽ không thể giải quyết được vì nó liên quan nhiều đến các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường, đòi hỏi vai trò và trách nhiệm của chính quyền, ban ngành và nhiều lĩnh vực khác nhau; cùng với đẩy mạnh công tác xã hội hóa phòng chống sốt rét, trong đó truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng đóng vai trò quan trọng. Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống sốt rét năm 2017, Bộ Y tế đề nghị các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân tham gia có hiệu quả đối với công tác phòng chống sốt rét. Đặc biệt là các cơ quan truyền thông, phóng viên các báo đài tích cực phối hợp và đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động cộng đồng xã hội để cùng chung tay đẩy lùi bệnh sốt rét để tiến tới loại trừ sốt rét vào năm 2030, góp phần chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, bệnh sốt rét đến nay hầu như đã khống chế được, tuy nhiên ở các vùng núi cao thì vẫn phải cần thường xuyên kiểm tra nhằm khống chế lây lan thành dịch. Trung tâm Phòng chống Sốt rét - bướu cổ Quảng Nam đã và đang nỗ lực để đảm bảo được tình hình này. Theo số liệu báo cáo năm 2016, tỉ lệ bệnh nhân mắc bệnh sốt rét đã giảm đi rất nhiều. So với năm 2015, số bệnh nhân sốt rét đã giảm hơn 73%, không có trường hợp bị sốt rét ác tính, tử vong. Trên địa bàn tỉnh chỉ duy nhất ở Nam Trà My là còn nhiều trường hợp bị mắc bệnh sốt rét. Đến nay thì tình hình đã được khống chế và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống. Còn tại các địa bàn trong tỉnh thì đã hoàn toàn ổn định.

I. ĐẠI CƯƠNG

Bệnh sốt rét là bệnh truyền nhiễm do 5 loài ký sinh trùng Plasmodium gây nên gồm Plasmodium falciparum, Plasmodium vivax, Plasmodium malariae, Plasmodium ovale và Plasmodium knowlesi.

Bệnh lây truyền chủ yếu là do muỗi Anopheles. Bệnh thường biểu hiện bằng những cơn sốt rét điển hình với ba triệu chứng: rét run, sốt, vã mồ hôi. Bệnh tiến triển có chu kỳ và có hạn định nếu không bị tái nhiễm.

Ký sinh trùng sốt rét (KSTSR) gây miễn dịch đặc hiệu nhưng không bền vững. Bệnh lưu hành địa phương, trong những điều kiện thuận lợi có thể gây thành dịch, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, có thuốc điều trị đặc hiệu và có thể phòng chống được. Ở nước ta hiện nay, bệnh lưu hành chủ yếu ở miền Trung Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. KSTSR đã kháng với hầu hết các thuốc đang sử dụng, trong đó có thuốc artemisinin và dẫn chất. Nhiều trường hợp mắc bệnh sốt rét ngoại lai do đi làm việc, công tác, du lịch ở các quốc gia có sốt rét lưu hành về.

II. CHẨN ĐOÁN

1. Trường hợp sốt rét lâm sàng

Trường hợp sốt rét lâm sàng phải có đủ 4 tiêu chuẩn:

a) Sốt:

b) Không tìm thấy các nguyên nhân gây sốt khác.

c) Đang ở hoặc đã đến vùng sốt rét lưu hành trong thời gian ít nhất 14 ngày hoặc có tiền sử mắc sốt rét trong vòng 2 năm gần đây.

d) Có đáp ứng với thuốc điều trị sốt rét.

2. Trường hợp xác định mắc sốt rét

- Trường hợp xác định mắc sốt rét là trường hợp có ký sinh trùng sốt rét trong máu được xác định bằng xét nghiệm lam máu nhuộm Giemsa hoặc xét nghiệm chẩn đoán nhanh phát hiện kháng nguyên hoặc kỹ thuật sinh học phân tử.

- Các kỹ thuật xét nghiệm xác định ký sinh trùng sốt rét bao gồm:

a) Kỹ thuật xét nghiệm lam máu nhuộm Giemsa: là kỹ thuật phổ biến trong phát hiện ký sinh trùng sốt rét, kết quả ký sinh trùng được trả lời sớm trong vòng 2 giờ, nếu lần đầu xét nghiệm âm tính, mà vẫn còn nghi ngờ người bệnh bị sốt rét, thì phải xét nghiệm thêm 2 - 3 lần nữa, cách nhau 8 giờ hoặc vào thời điểm người bệnh đang lên cơn sốt.

b) Kỹ thuật xét nghiệm chẩn đoán nhanh phát hiện sốt rét (Rapid Diagnostic Tests - RDTs): sử dụng trong những trường hợp sau: nơi không có kính hiển vi; thôn bản cách xa điểm kính hiển vi trên 1 giờ đi bộ; để chẩn đoán nhanh khi cần thiết. Không sử dụng xét nghiệm phát hiện kháng thể để chẩn đoán xác định mắc sốt rét.

c) Kỹ thuật sinh học phân tử: kỹ thuật xác định gen của ký sinh trùng sốt rét trong máu.

3. Các thể lâm sàng:

3.1. Sốt rét chưa biến chứng (sốt rét thường)

Là trường hợp bệnh sốt rét mà không có dấu hiệu đe dọa tính mạng người bệnh. Chẩn đoán dựa vào 3 yếu tố: dịch tễ, triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm.

- Dịch tễ: đang ở hoặc đã đến vùng sốt rét lưu hành hoặc có tiền sử sốt rét gần đây.

- Triệu chứng lâm sàng:

+ Cơn sốt điển hình có 3 giai đoạn: rét run - sốt - vã mồ hôi.

+ Cơn sốt không điển hình như: sốt không thành cơn, ớn lạnh, gai rét (hay gặp ở người sống lâu trong vùng sốt rét lưu hành), sốt liên tục hoặc dao động (hay gặp ở trẻ em, người bệnh bị sốt rét lần đầu).

+ Những dấu hiệu khác: thiếu máu, lách to, gan to...

- Xét nghiệm: xét nghiệm máu có ký sinh trùng sốt rét thể vô tính, hoặc xét nghiệm chẩn đoán nhanh phát hiện kháng nguyên sốt rét hoặc kỹ thuật PCR dương tính. Nơi không có kính hiển vi phải lấy lam máu gửi đến điểm kính gần nhất.

3.2. Sốt rét biến chứng/ác tính

Trường hợp sốt rét ác tính là sốt rét có biến chứng đe dọa tính mạng người bệnh. Sốt rét ác tính thường xảy ra trên những người bệnh nhiễm P. falciparum hoặc nhiễm phối hợp có P. falciparum. Các trường hợp nhiễm P. vivax hoặc P. knowlesi đơn thuần cũng có thể gây sốt rét ác tính, đặc biệt ở các vùng kháng với chloroquin.

3.2.1. Các dấu hiệu dự báo sốt rét ác tính

a) Rối loạn ý thức nhẹ, thoáng qua (li bì, cuồng sảng, vật vã ...).

b) Sốt cao liên tục.

c) Rối loạn tiêu hóa: nôn, tiêu chảy nhiều lần trong ngày, đau bụng cấp.

d) Đau đầu dữ dội.

e) Mật độ ký sinh trùng cao (P. falciparum ++++ hoặc ≥ 100.000 KST/μl máu).

f) Thiếu máu nặng: da xanh, niêm mạc nhợt.

3.2.2. Một số biểu hiện thường gặp trong sốt rét ác tính ở trẻ em và phụ nữ có thai

a) Trẻ em: thiếu máu nặng, hôn mê, co giật, hạ đường huyết, suy hô hấp, toan chuyển hóa.

b) Phụ nữ có thai: hạ đường huyết (thường sau điều trị Quinin), thiếu máu, sảy thai, đẻ non, nhiễm trùng hậu sản sau sảy thai hoặc đẻ non.

4. Chẩn đoán phân biệt

4.1. Chẩn đoán phân biệt sốt rét thường

Trường hợp kết quả xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét âm tính cần phân biệt với sốt do các nguyên nhân khác như: sốt xuất huyết Dengue, sốt thương hàn, sốt mò, cảm cúm, viêm họng, viêm amidan, viêm màng não ...

4.2. Chẩn đoán phân biệt sốt rét ác tính

Trường hợp xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét âm tính cần làm thêm các xét nghiệm khác, khai thác kỹ yếu tố dịch tễ liên quan để tìm các nguyên nhân:

a) Hôn mê do viêm não, viêm màng não, nhiễm khuẩn nặng...

b) Vàng da, vàng mắt do xoắn khuẩn, nhiễm khuẩn đường mật, viêm gan vi rút, tan huyết..

c) Sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, sốt mò.

d) Suy hô hấp cấp do các nguyên nhân khác.

III. ĐIỀU TRỊ

Nguyên tắc điều trị

- Điều trị sớm, đúng và đủ liều.

- Điều trị cắt cơn sốt kết hợp với chống lây lan (sốt rét do P.falciparum) và điều trị tiệt căn (sốt rét do P.vivax, P.ovale).

- Các trường hợp sốt rét do P.falciparum không được dùng một thuốc sốt rét đơn thuần, phải điều trị thuốc sốt rét phối hợp để hạn chế kháng thuốc và tăng hiệu lực điều trị.

- Điều trị thuốc sốt rét đặc hiệu kết hợp với điều trị hỗ trợ và nâng cao thể trạng.

- Các trường hợp sốt rét ác tính phải chuyển về đơn vị hồi sức cấp cứu của bệnh viện từ tuyến huyện trở lên, theo dõi chặt chẽ và hồi sức tích cực.

IV. PHÂN TUYẾN ĐIỀU TRỊ

1. Y tế thôn bản xử trí ban đầu:

Theo dõi người bệnh nếu có một trong các dấu hiệu dự báo sốt rét ác tính thì cần cho uống ngay liều đầu tiên của Dihydroartemisinin - Piperaquin phosphate và chuyển lên tuyến trên. Thuốc phải được nghiền nhỏ và pha trong nước cho tan hoàn toàn. Trước khi cho uống thuốc phải cho người bệnh uống một ít nước, nếu uống được, không bị sặc, mới cho uống tiếp thuốc đã pha.

2. Trạm y tế xã, cơ sở y tế tư nhân xử trí ban đầu:

Người bệnh có các dấu hiệu dự báo sốt rét ác tính cần xử trí như sau:

a) Tiêm ngay liều đầu tiên Artesunat hoặc Quinin hydrochloride nếu là phụ nữ có thai dưới 3 tháng tuổi hoặc uống 1 liều DHA- PPQ hoặc Quinine sulfat sau đó chuyển người bệnh lên tuyến trên. Nếu thời gian vận chuyển dài trên 8 giờ thì cần cho liều tiếp theo.

b) Không chuyển ngay những người bệnh đang trong tình trạng sốc (mạch nhanh nhỏ khó bắt, chân tay lạnh, vã mồ hôi, tụt huyết áp), phù phổi cấp, co giật...

c) Trường hợp không thể chuyển lên tuyến trên được, cần đề nghị tuyến trên tới tăng cường bằng phương tiện nhanh nhất, đồng thời tiếp tục điều trị tích cực trong khi chờ đợi.

V. PHÒNG CHỐNG SỐT RÉT

1. Các biện pháp bảo vệ cá nhân

- Biện pháp vật lý: nằm màn, lưới chắn muỗi, bẫy vợt muỗi, mặc quần áo dài... tránh muỗi đốt.

- Biện pháp sinh học: nuôi cá ăn bọ gậy, chế phẩm sinh học diệt bọ gậy...

- Các biện pháp hóa học: phun hóa chất, tẩm màn hóa chất (màn tẩm hóa chất tồn lưu lâu), tẩm rèm, chăn... kem muỗi, hương muỗi...

2. Các chỉ định sử dụng thuốc điều trị bệnh sốt rét

2.1. Điều trị người bệnh sốt rét:

Bao gồm người bệnh được xác định mắc sốt rét và sốt rét lâm sàng.

2.2. Điều trị mở rộng

Chỉ áp dụng ở các vùng đang có dịch. Trung tâm Phòng chống sốt rét - KST - CT tỉnh/Trung tâm y tế dự phòng tỉnh quyết định chọn đối tượng và phạm vi điều trị mở rộng.

2.3. Cấp thuốc tự điều trị

- Hạn chế cấp thuốc tự điều trị tiến tới không cấp thuốc tự điều trị cho các vùng không có nguy cơ.

- Hiện tại cấp thuốc tự điều trị trong các trường hợp sau:

+ Cấp thuốc tự điều trị chỉ áp dụng cho những huyện thuộc vùng sốt rét lưu hành tại miền Trung - Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và không có bằng chứng về sốt rét kháng thuốc;

+ Người từ vùng không có sốt rét vào vùng sốt rét lưu hành trên 1 tuần;

+ Người sống trong vùng sốt rét lưu hành có ngủ rừng, ngủ rẫy hoặc qua lại vùng biên giới.

+ Cán bộ y tế từ tuyến xã trở lên mới được cấp thuốc tự điều trị, hướng dẫn cho họ biết cách sử dụng thuốc và theo dõi sau khi trở về.

+ Thuốc sốt rét được cấp để tự điều trị là Dihydroartemisinin-Piperaquin, liều theo tuổi trong 3 ngày

VI. CÁC CÂU HỎI THƯỜNG GẶP

Hỏi : Làm thế nào để phòng chống bệnh sốt rét ?

Bệnh sốt rét là do muỗi đốt truyền ký sinh trùng sốt rét từ người bệnh sang người lành. Vậy muốn phòng chống bệnh sốt rét người lành phải nằm màn để chống muỗi đốt và màn này cần được tẩm hóa chất diệt muỗi sốt rét. Bên cạnh việc nằm màn người ta có thể hun khói ban đêm để chống muỗi vào nhà đốt người, phát quang các cây cỏ, bụi rậm quanh nhà để muỗi sốt rét không có nơi trú ẩn, phải tích cực ủng hộ việc phun các hóa chất khác lên tường vách để diệt muỗi. Ngoài việc diệt muỗi cần phải thường xuyên đến cơ sở y tế lấy lam máu xét nghiệm để phát hiện ký sinh trùng sốt rét và điều trị kịp thời.

 

Hỏi : Làm cách nào để mọi người hiểu và tự nguyện tham gia công tác phòng chống bệnh sốt rét ?

Muốn mọi người hiểu và tự nguyện tham gia công tác phòng chống bệnh sốt rét điều cần thiết là phải tiến hành truyền thông giáo dục phòng chống sốt rét cho cộng đồng.

 

Hỏi :  Nguyên nhân gây ra bệnh sốt rét?

- Do muỗi đốt truyền ký sinh trùng sốt rét từ người bệnh sang người lành.

- Không phải do ma thiêng nước độc.

 

Hỏi :  Tác hại của bệnh sốt rét?

- Hại đến sức khỏe, nguy hiểm đến tính mạng.

- Ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế xã hội.

 

Hỏi :  Triệu chứng của bệnh sốt rét?

- Cơn sốt rét điển hình: rét run, nóng, toát mồ hôi.

- Cơn sốt rét không điền hình: người thấy ơn ớn, gai gai rét, mệt mỏi, nhức đầu, ngáp vặt.

 

Hỏi : Khi mắc bệnh sốt rét phải làm gì?

- Đến cơ sở y tế khám, lấy lam máu xét nghiệm và điều trị kịp thời.

 - Không nên cúng bái tốn tiền bạc vô ích.

 

Hỏi :  Muốn phòng chống bệnh sốt rét phải làm gì?

- Chống muỗi đốt :

+ Ngủ trong màn ở nhà và mang màn theo cả khi đi vào rừng rẫy.

+ Tẩm màn bằng hóa chất diệt muỗi.

+ Mặc quần áo dài tay ban đêm.

+ Phun hóa chất diệt muỗi.

+ Hun khói phòng chống muỗi đốt ban đêm.

- Diệt nơi muỗi đẻ và trú ẩn:

+ Phát quang bụi rậm quanh nhà.

+ Lấp vũng nước đọng.

+ Sắp xếp đồ đạc trong nhà gọn gàng.

 

Hỏi : Làm thế nào để diệt muỗi truyền bệnh sốt rét ?

Trả lời : Có rất nhiều phương pháp diệt muỗi sốt rét, xin giới thiệu sau đây một số phương pháp diệt muỗi đơn giản:

- Thực hiện ăn sạch, ở sạch ngăn nắp để hạn chế muỗi trú ẩn trong nhà.

- Thường xuyên vệ sinh môi trường, phát quang cây cỏ quanh nhà (từ 50 - 100m) để tránh nơi muỗi trú đậu rình mồi vào nhà đốt máu người.

- Xua muỗi bằng biện pháp dùng hương xua muỗi, đốt lá cây xông khói, dùng kem xua muỗi vào buổi tối.

- Dùng hóa chất diệt muỗi sốt rét phun trên tường  để diệt muỗi.
- Ngủ trong màn tẩm hóa chất diệt muỗi sốt rét để xua và diệt muỗi.

 

Hỏi : Nằm màn tẩm hoá chất diệt muỗi sốt rét để phòng chống muỗi đốt có tốt không ?

Trả lời : Nằm màn tẩm hóa chất diệt muỗi sốt rét cả màn lành lẫn màn rách (thủng không quá 10% diện tích màn) vẫn có hiệu quả tốt phòng chống muỗi sốt rét. Các hóa chất này có khả năng diệt và xua muỗi rất tốt, khi muỗi vào  gặp màn tẩm hóa chất diệt muỗi, muỗi sẽ bị chết hay bị đẩy đi xa. Do đó màn tẩm hóa chất diệt muỗi bảo vệ người không cho muỗi đến đốt truyền bệnh sốt rét cho người.

 

Hỏi :  Dùng màn tẩm hóa chất diệt muỗi sốt rét có lợi gì ?

Trả lời : Dùng màn tẩm hóa chất diệt muỗi sốt rét có những lợi ích sau:

- Biện pháp này đơn giản,  chống muỗi đốt bảo vệ cá nhân cao.

- Màn này tránh muỗi đốt giúp cho con người có giấc ngủ thoảI mái - Với màn này làm giảm được tỷ lệ muỗi đốt ngay cả khi màn đã bị rách.

 

Hỏi: Hóa chất diệt muỗi sốt rét tẩm màn có tác dụng gì đối với muỗi và người ?

Trả lời : Hoá chất diệt muỗi sốt rét là một chất được chiết xuất từ hoa cúc, nó có khả năng diệt muỗi tốt, nhưng không độc hại, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe con người.

 

Hỏi : Trước khi đem màn đến tẩm hóa chất người dân phải làm gì ?

Trả lời : Nhân dân cần giặt màn sạch sẽ và phơi khô trước khi mang màn tới tẩm. Tất cả các loại màn như: Tuyn, nylon, sợi bông, màn dân tộc đều tẩm được kể cả màn thủng nhỏ.

 

Hỏi : Sử dụng màn tẩm như thế nào để có hiệu quả diệt muỗi tốt ?

Trả lời : Màn đã tẩm hóa chất diệt muỗi sốt rét nên được phơi khô trong bóng mát, không được phơi ngoài nắng. Khi ngủ dậy nên gấp màn bỏ vào túi nylon. Sau 6 - 7 tháng mới được giặt. Vì nếu phơi màn đã tẩm hóa chất diệt muỗi sốt rét ngoài nắng hay giặt thì hóa chất này sẽ bay hết nên không còn tác dụng diệt và xua muỗi nữa.

Ngoài ra màn tẩm hóa chất diệt muỗi sốt rét còn có thể diệt được một số côn trùng gây bệnh như rệp, chấy, rận, gián...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ hai, 24 Tháng 4 2017 19:11