Tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân thực hiện mục tiêu công bằng, hiệu quả trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân

PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến,

Bộ trưởng Bộ Y tế

Bảo hiểm y tế toàn dân, một chính sách lớn và xuyên suốt

Bảo hiểm y tế (BHYT)  là chính sách xã hội quan trọng hàng đầu, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc được Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng, luôn đề cao trong hệ thống chính sách an sinh xã hội. Thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân là tạo được một cơ chế tài chính hướng tới mục tiêu đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản mà không phụ thuộc vào khả năng chi trả của người dân. Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước là “xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng, phát triển mạnh hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiến tới Bảo hiểm y tế toàn dân”. Đến nay, chúng ta đã đánh dấu chặng đường 3 năm triển khai Luật Bảo hiểm y tế đi vào cuộc sống. Song song với các văn bản triển khai Luật Bảo hiểm y tế, Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 7/9/2009 về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới” yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân quán triệt và thực hiện. Rất nhiều Nghị quyết của Đảng, Chính quyền đã quán triệt việc thực hiện bảo hiểm y tế tế toàn dân, trong đó, đặc biệt, Bộ Y tế mới đề xuất  trình Ban Bí thư dự thảo Nghị Quyết của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

boyte4

Một trong những chủ trương ưu việt của Chính phủ Việt Nam là Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn việc mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người trong diện chính sách và hỗ trợ 70% kính phí cho hộ cận nghèo. Kinh nghiệm các nước, Thái Lan hỗ trợ cho nông dân 50% mức đóng phí BHYT, Trung Quốc hỗ trợ 2/3 mức đóng phí bảo hiểm do người lao động tự do. Trong khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc, thì đây là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ Việt Nam phòng tránh rủi ro tài chính cho người nghèo, được đã cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Cơ hội để thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân

Kể từ khi Luật Bảo hiểm y tế của Việt Nam được ban hành và sự chỉ đạo tích cực của cả hệ thống chính trị của Đảng và Nhà nước, 63% dân số của Việt Nam đã được bao phủ bởi bảo hiểm y tế. Chính sách bảo hiểm đã bao phủ cho người nghèo, người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi và một phần cho người cận nghèo được đánh giá là một chính sách ưu việt, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đến các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Có thể nói, Bảo hiểm y tế có vai trò quan trọng, đóng góp về tài chính và thực hiện được định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển của hệ thống chăm sóc sức khỏe nước ta, phù hợp với định hướng chính sách tài chính y tế của Đại hội đồng Tổ chức y tế thế giới, và xu thế của các nước trong khu vực. Chính vì vậy, trong tháng 9/2012, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ đề án “Kế hoạch thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân”.

Thách thức để thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân

Những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong thời gian tới nhằm đạt được mục tiêu tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, đó là việc tăng tỉ lệ bao phủ bảo hiểm cho gần 37% dân số còn lại (tức là trên 30 triệu người dân cần được bảo vệ trước bẫy nghèo do chưa có thẻ bảo hiểm y tế, phải tự chi trả khi đi khám bệnh); tăng cường hiệu quả sử dụng quỹ bảo hiểm như cải thiện phương thức chi trả, cải thiện mối quan hệ giữa nhà cung cấp dịch vụ, cơ quan bảo hiểm xã hội và người hưởng thụ dịch vụ, hoàn thiện tổ chức và nâng cao năng lực quản lý bảo hiểm y tế, đảm bảo sử dụng bền vững quỹ bảo hiểm y tế.

Đáng chú ý, truyền thông Bảo hiểm y tế chưa được quan tâm đúng mức và chưa chuyển tải được tính nhân văn của BHYT trong chia sẻ cộng đồng giữa người khỏe và người ốm, phòng tránh rủi ro tài chính liên quan tới đau ốm, nhất là với nhóm người nghèo. Tỷ lệ dân số tham gia BHYT chưa cao trong nhóm người thuộc hộ gia đình cận nghèo, gia đình nông dân (nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp) có mức sống trung bình, xã viên hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, lao động tự do khu vực thành thị; một số đơn vị, tổ chức, đặc biệt là doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm chính sách BHYT cho người lao động (hơn 6 triệu người lao động trong các doanh nghiệp chưa tham gia BHYT, 74% người cận nghèo chưa tham gia BHYT). Việc tiếp tục mở rộng sự tham gia của các nhóm đối tượng này đòi hỏi có sự phối hợp liên ngành chặt chẽ trong công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách BHYT và tổ chức thực hiện các chủ trương chính sách xã hội hoá.

Đứng ở góc độ cá nhân, đâu đó người dân vẫn còn thấy quyền lợi về chất lượng khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là ở tuyến y tế cơ sở và các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa do điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, quy định phạm vi chuyên môn, năng lực cán bộ còn hạn chế. Người dân chưa hài lòng vì thủ tục khám chữa bệnh và phải mất thời gian chờ đợi. Chất lượng khám chữa bệnh càng thấp hơn khi tình trạng khám chữa bệnh vượt tuyến bảo hiểm y tế vẫn tồn tại, dẫn tới sự quá tải ở tuyến trên. Đó là những lý do chưa hấp dẫn người dân tham gia bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, đánh giá một cách toàn diện thì tham gia bảo hiểm là mỗi người dân đã được hưởng những quyền lợi tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản. So với các nước, gói dịch vụ y tế của người tham gia bảo hiểm y tế Việt Nam được hưởng cao hơn rất nhiều so với mức đóng 4,5 % lương cơ bản (khoảng 500 ngàn đồng Việt Nam). Đặc biệt, mỗi người dân đã thực hiện trách nhiệm công dân trong việc chia sẻ rủi ro của cộng đồng, phòng tránh rủi ro tài chính cho người nghèo, nguồn quỹ Bảo hiểm y tế đã đóng góp gần 20% tổng chi tiêu y tế của toàn xã hội.

Vai trò của các cấp Ủy Đảng, Chính quyền, Bộ, Ban ngành, Đoàn thể

Để tiến tới lộ trình Bảo hiểm y tế toàn dân, sự vào cuộc của các cấp Ủy Đảng, Chính quyền và các Bộ, ban, ngành đoàn thể liên quan là hết sức quan trọng. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền là một khâu đột phá, xác định rõ trách nhiệm của các cấp Ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Luật BHYT. Công tác tuyên truyền phải có sự đồng nhất, nhất quán về nội dung, đối tượng, hình thức tuyên truyền, nhất là những nội dung mới của Luật BHYT đồng thời nêu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của người dân trong việc tham gia bảo hiểm y tế, trong việc thực hiện cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh. Các đối tượng cần tập trung tuyên truyền trong thời gian tới là nông dân, người cận nghèo, học sinh, sinh viên, người sử dụng lao động, nhất là các doanh nghiệp tư nhân.

Nhân ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam 1/7/2012, Bộ Y tế xin trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự phối hợp của các cấp Ủy Đảng, Chính quyền, các Bộ, Ban, Ngành, Đoàn thể, Mặt trận tổ quốc và xin gửi đến mỗi người dân thông điệp của ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam“Tham gia bảo hiểm y tế vì trách nhiệm và quyền lợi của bản thân, gia đình và cộng đồng”. Nhân dịp này,  Bộ Y tế cũng kêu gọi các nhà hảo tâm, các nhà tài trợ quan tâm hỗ trợ mua phần còn lại thẻ Bảo hiểm y tế cho người cận nghèo (Nhà nước đã hỗ trợ chi trả 70%), cho học sinh, sinh viên nghèo để tạo cơ hội cho mọi người đều được tiếp cận với dịch vụ trong chăm sóc sức khỏe cơ bản.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế


Tin mới hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ năm, 28 Tháng 6 2012 20:53