Tương lai của vaccin phòng COVID-19 - Bài học từ vaccin Cúm

Bs Trần Lâm -  

Sau một thời gian dịch bệnh Covid-19 có phần lắng xuống, sự lây lan gần đây của biến thể Delta là một thất vọng lớn, vì vậy, chúng ta cần phải đánh giá lại một số giả định trước đó. Ít nhất một phần nào đó, việc xem xét lại này có thể là một sự điều chỉnh đối với những quan điểm quá lạc quan về hiệu quả cao mà vaccin SARS-CoV-2 có thể đạt được. Một số nhà nghiên cứu đã hy vọng vaccin có thể loại bỏ sự lây truyền của virus, và mục tiêu cuối cùng là đạt được miễn dịch cộng đồng. Điều đó có xảy ra hay không? Vẫn chỉ là hy vọng!

Một bức tranh sáng sủa hơn về tương lai của chúng ta với loại virus này có thể định hình được nếu chúng ta đánh giá lại các mô hình lây nhiễm đã biết rõ của một loại virus đường hô hấp khác, đó là virus cúm. Kinh nghiệm đó có thể giúp chúng ta xác lập lại kỳ vọng và tái điều chỉnh mục tiêu đối phó với SARS-CoV-2 khi nó đã thích ứng hơn và lan rộng toàn cầu.

Kết quả ban đầu từ các thử nghiệm lâm sàng và các nghiên cứu quan sát về loại vaccin mRNA cho thấy rằng, vaccin này không chỉ có hiệu quả cao trong dự phòng nhiễm virus có triệu chứng hay không có triệu chứng mà còn có hiệu quả trong dự phòng sự lây truyền. Tiêu chuẩn cơ bản được Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép sử dụng vaccine trong trường hợp khẩn cấp là: Dự phòng nhiễm virus lâm sàng được phòng thí nghiệm xác nhận. Người ta cho rằng, hầu hết các loại vaccin dành cho các bệnh đường hô hấp, bao gồm cả bệnh cúm, đều bị “rò rỉ” - tức là nó cho phép sự lây nhiễm không có triệu chứng ở một mức độ nào đó và dự phòng tốt hơn nhiễm virus có triệu chứng.

cum sars

Dữ liệu không rõ ràng ban đầu về nhiễm SARS-CoV-2 đã củng cố hy vọng rằng ở một mức độ tiêm chủng nhất định nào đó, sự lây truyền sẽ chấm dứt hoàn toàn. Đối với nhiều người, hy vọng này có vẻ lạc quan quá mức, bởi vì biến thể delta có khả năng lây truyền cao gây ra các ca nhiễm không có triệu chứng và đôi khi gây bệnh (mặc dù thường nhẹ) ở những người đã được tiêm chủng. Việc loại bỏ dịch bệnh bằng phương pháp miễn dịch cộng đồng hoạt động tốt nhất khi tác nhân gây bệnh có khả năng lây truyền thấp, và tất nhiên không có những nhóm người nhạy cảm. Về mặt lý thuyết, việc loại bỏ Covid-19 dường như có thể thực hiện được vì virus SARS gốc năm 2002 cuối cùng đã biến mất. Tuy nhiên, loại virus đó đã không lây truyền bằng với chủng SARS-CoV-2 hiện nay. Nó chỉ xảy ra ở một số khu vực hạn hẹp và đặc trưng là những ổ dịch. Kiểu lây truyền như vậy cũng được thấy trong những ngày đầu của SARS-CoV-2, được gọi là "sự phân tán quá mức", ví dụ, 10% trường hợp có thể là nguyên nhân gây ra 80% vụ lây truyền. Điều này giải thích tại sao có sự khác biệt lớn về tỷ lệ lưu hành kháng thể trong một thành phố nhất định và sự lây lan toàn cầu sớm xảy ra. “Sự phân tán quá mức” được cho là một đặc điểm không ổn định và sẽ biến mất, với việc lây truyền trở nên đồng đều hơn và cao hơn. Sự chuyển đổi đó dường như đang xảy ra khi mà các biến thể mới hơn đã xuất hiện.

Với sự xuất hiện của các biến thể, khả năng lây truyền khác nhau của chúng và những thay đổi kháng nguyên đã ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ của vaccin, do vậy, chúng ta cần phải hiểu rõ rằng không thể loại bỏ virus này khỏi cộng đồng mà nên phát triển các kế hoạch dài hạn để đối phó với nó sau khi các đỉnh dịch được hoàn toàn kiểm soát. Đại dịch và cúm mùa cung cấp các mô hình thích hợp nhất để hỗ trợ việc phát triển các chiến lược vaccin trong tương lai.

Trong quá khứ, khi một đại dịch chủng cúm mới xuất hiện, sự lây lan của nó có thể lấn át hệ thống chăm sóc sức khỏe. Các làn sóng lây nhiễm đi qua một thành phố trong vài tuần và một quốc gia trong vài tháng, nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy hiện tượng siêu lây lan xảy ra. Sau đó, virus đại dịch vẫn tồn tại như một chủng mới theo mùa và những thay đổi về kháng nguyên xảy ra - mặc dù có lẽ không nhanh như chúng ta đang thấy với SARS-CoV-2. Chủng mới này cùng với các loại cúm mùa khác tái xuất hiện hằng năm. Mục tiêu của tiêm chủng là xử lý các đợt bùng phát không thể tránh khỏi, giảm tỷ lệ bị bệnh từ vừa đến nặng và tử vong. Dự phòng bệnh nhẹ tuy quan trọng nhưng ít cấp thiết hơn.

Tái tiêm chủng vaccin cúm là một công việc hàng năm đối với phần lớn dân số để đối phó với cả khả năng miễn dịch suy giảm và sự xuất hiện của các biến thể, được gọi là “sự thay đổi kháng nguyên” (antigenic drift). Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo, do sự thay đổi kháng nguyên là một vấn đề muôn thuở, và ngay cả khi không có sự thay đổi đáng kể nhưng do khả năng miễn dịch của cơ thể đã bị suy giảm nên vẫn phải tái tiêm chủng cho người dân 2 lần / một năm, trên quy mô toàn cầu. Các tiêu chí khác nhau đã được xem xét trong các quyết định về việc đưa chủng virus nào vào vaccin. Hiệu quả của vaccin chống lại nhiễm virus cúm có triệu chứng, được phòng thí nghiệm xác định, không bao giờ cao hơn 50 - 60%, và trong một số năm còn thấp hơn nhiều. Do vậy, hiện nay, vaccin cúm đã được chủng cho 70% người dân ở một số nhóm tuổi, không phải để loại bỏ mà là giảm các đợt bùng phát và dự phòng các biến chứng nặng.

Mặc dù có thể có những điểm giống nhau giữa SARS-CoV-2 và bệnh cúm, nhưng cũng có những điểm khác biệt có ý nghĩa. Sự khác biệt rõ ràng nhất là hiệu quả của vaccin SARS-CoV-2 hiện cao hơn nhiều so với vaccin cúm. Liệu mức độ hiệu quả đó có tiếp tục hay không, vẫn là một trong nhiều câu hỏi bỏ ngỏ mà chỉ có thể trả lời theo thời gian. Rõ ràng, vì những lý do tương tự mà việc tái tiêm chủng vaccin SARS-CoV-2 là cần thiết: sự biến đổi kháng nguyên và khả năng miễn dịch suy giảm. Dữ liệu về tần suất tái nhiễm coronavirus theo mùa có thể không xác đáng, nhưng chúng gợi ý rằng việc bảo vệ là tương đối ngắn hạn ngay cả sau khi nhiễm bệnh tự nhiên. Vấn đề là tần suất tái tiêm chủng và kết quả cần được xác định rõ ràng!

Hy vọng rằng, một số vấn đề nhất định đã xảy ra với vaccin cúm - chẳng hạn, bỏ tiêm vaccin trong một vài năm để tạo ra sự gia tăng khả năng bảo vệ mong muốn ở những người đã được tiêm chủng trước đó - sẽ không xảy ra với vaccin SARS-CoV-2. Các vấn đề khác, chẳng hạn như biến thể nào được vaccin nhắm đến sẽ cần được tập trung giải quyết. Sự hợp tác thành công giữa nhà nước và tư nhân trong việc lựa chọn các chủng cúm đã cung cấp một mô hình để đối phó với những vấn đề như vậy. Vaccin SARS-CoV-2 đã được sử dụng toàn cầu, và một chủng hoặc nhiều chủng có trong vaccin tương lai sẽ cần được lựa chọn với sự tham vấn của các nhà sản xuất.

Hầu hết các dự đoán về tình hình thế giới hậu Covid-19 đều không chính xác - điều này phản ánh sự thay đổi nhanh chóng trong kiến thức. Nhưng giờ đây chúng ta có thể thấy một bức tranh đang hình thành, trong đó, việc sử dụng các loại vaccin hiệu quả vẫn sẽ tiếp tục là yếu tố quan trọng trong dài hạn. Tuy nhiên, sự gia tăng các trường hợp nhiễm virus không triệu chứng và bệnh nhẹ ở những người đã tiêm chủng sẽ tiếp tục xảy ra cũng như các biến thể của virus tiếp tục xuất hiện. Số ca nhập viện và tử vong có thể quan trọng hơn trong việc theo dõi tác động tổng thể hơn là số ca bị nhiễm, miễn là vaccin tiếp tục có hiệu quả phần lớn trong việc ngăn ngừa bệnh nặng. Khả năng mắc bệnh nặng ở một tỷ lệ nhỏ những người đã được tiêm chủng nhấn mạnh một trong những yêu cầu lớn nhất chưa được đáp ứng mà chúng ta hiện đang phải đối mặt, đó là tiếp tục nhấn mạnh vào các phương pháp điều trị và thuốc kháng virus tốt hơn mà không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi phân tử của virus như với vaccin.

Thời điểm và thành phần của liều vaccin tăng cường trong tương lai sẽ cần được xác định trên cơ sở các nghiên cứu quan sát. Hiện có ít dữ liệu về vaccin không mRNA (non-mRNA vaccine), có thể có các đặc điểm khác với vaccin mRNA (mRNA vaccines), đặc biệt là về thời gian miễn dịch.

Nhìn chung, tình hình dịch COVID-19 dần sẽ ổn định, nhưng chúng ta vẫn sẽ cần tiếp tục sử dụng vaccin để ngăn ngừa những hậu quả nghiêm trọng ngay cả khi những ca bệnh nhẹ hơn vẫn xảy ra với tần suất thấp. Chúng ta cần học cách sống chung với dịch bệnh COVID-19 như cách chúng ta đã sống chung với bệnh cúm!

Nguồn: Arnold S. Monto. The Future of SARS-CoV-2 Vaccination — Lessons from Influenza. N Engl J Med 2021; 385:1825-1827.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ bảy, 20 Tháng 11 2021 15:26