Công nghiệp 4.0 và công nghệ thông tin y tế Việt Nam

CN Nguyễn Hữu Ánh - CĐHA

1. Lịch sử:

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 còn có tên gọi khác là Industry 4.0 hay cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cụm từ này có từ đầu thế kỷ 21 tại Đức. Lúc đó, việc thông minh hóa nhà máy sản xuất tại Đức đã được đặt ra. Tập đoàn công nghệ Siemens đã có nhà máy hoàn toàn tự động đã khá lâu trước khi cụm từ này rộ lên trong những năm gàn đây.

Industry 4.0 là cụm từ đang đề cập đến những công nghệ đang nổi hiện nay như: IOT (Internet of things – Internet vạn vật), AI (Artifical Intelligence – trí tuệ nhân tạo), cloud computing (điện toán đám mây), AR/VR (Thực tế ảo), Big Data (khai thác dữ liệu khủng)…

yte40

Industry 4.0 bắt nguồn từ 3 cuộc cách mạng lần trước là:

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (từ 1784) xảy ra khi loài người phát minh động cơ hơi nước, tác động trực tiếp đến các ngành nghề như dệt may, chế tạo cơ khí, giao thông vận tải, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai (từ 1870) đến khi loài người phát minh ra động cơ điện, mang lại cuộc sống văn minh, năng suất tăng nhiều lần so với động cơ hơi nước.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba (từ 1969) xuất hiện khi con người phát minh ra bóng bán dẫn, điện tử, kết nối thế giới liên lạc được với nhau. Vệ tinh, máy bay, máy tính, điện thoại, Internet… là những công nghệ hiện nay chúng ta thụ hưởng là từ cuộc cách mạng này. Thuật ngữ đươc sử dụng nhiều là tin học hóa và tự động hóa

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra từ những năm 2000 gọi là cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)... để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số.

Năm 2013, một từ khóa mới là "Công nghiệp 4.0" (Industrie 4.0) bắt đầu nổi lên xuất phát từ một báo cáo của chính phủ Đức đề cập đến cụm từ này nhằm nói tới chiến lược công nghệ cao, điện toán hóa ngành sản xuất mà không cần sự tham gia của con người. Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tục nhắc tới Industrie 4.0 tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos tháng 1/2015. Hiện nay, Công nghiệp 4.0 đã vượt ra khỏi khuôn khổ dự án của Đức với sự tham gia của nhiều nước và trở thành một phần quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này có tính kế thừa và phát huy từ 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước. Trong đó, việc can thiệp của máy tính đã tiến lên tầm cao mới với kết nối internet đã biến đổi mọi công nghệ nhanh hơn.

2. Công nghiệp 4.0 với công nghệ thông tin y tế Việt Nam

Hiện nay trên thế giới, các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud)… đang ngày càng được ứng dụng sâu rộng hơn vào các nghiệp vụ ngành y, giúp y, bác sĩ thu thập và xử lý dữ liệu nhanh hơn. Bên cạnh đó, các chatbot, robot là những trợ lý đắc lực cho bác sĩ trong các công việc hằng ngày như chẩn đoán, điều trị, tìm kiếm thông tin bệnh nhân…

Tại Việt Nam, thống kê của ngành y cho thấy, đến nay phần lớn các bệnh viện đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ở nhiều mức độ khác nhau. Cụ thể, có đến 99,5% cơ sở khám bệnh trên cả nước đã kết nối khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) với cơ quan giám định BHYT để triển khai giám định BHYT điện tử. Một số BV đã tiên phong ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác khám, chữa bệnh, quản lý y tế, và bước đầu đạt hiệu quả cao. Đã có 14.000 cơ sở y tế cả nước chính thức kết nối toàn bộ việc giám định, thanh toán BHYT qua phương thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin, không chỉ đem lại bước thay đổi căn bản trong phòng bệnh, khám chữa bệnh mà còn là thời điểm lịch sử của hai ngành y tế và CNTT.

Đặc biệt, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã bước đầu hình thành mạng lưới y tế từ xa. Cụ thể, Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện hạt nhân triển khai tư vấn y tế, khám chữa bệnh từ xa với 11 bệnh viện đa khoa vệ tinh tuyến tỉnh, thành phố gồm Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Lào Cai, Ninh Bình, Hòa Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Xanh Pôn (TP. Hà Nội). Bệnh viện Việt Đức triển khai tư vấn y tế, khám chữa bệnh từ xa với 7 bệnh viện đa khoa vệ tinh tuyến tỉnh, thành phố gồm Hà Giang, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thái Bình, Điện Biên, Lào Cai, Bắc Giang.

Một số định hướng ứng dụng và phát triển CNTT y tế Việt Nam đến năm 2020

Xây dựng và từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý về CNTT y tế, trong đó ưu tiên xây dựng các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật và cơ chế tài chính trong ứng dụng CNTT y tế

(1) Thông tư ban hành gói dịch vụ cơ bản về công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh.

(2) Thông tư quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế từ xa.

(3) Thông tư quy định về bệnh án điện tử.

(4) Thông tư ban hành bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

(5) Thông tư quy định xây dựng, thẩm định, kiểm tra và nghiệm thu dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế.

(6) Thông tư hướng dẫn quản lý dịch vụ CNTT trong ngành y tế.

(7) Thông tư quy định về an toàn thông tin y tế điện tử.

(8) Thông tư quy định về dịch vụ công trực tuyến Bộ Y tế.

(9)Thông tư quy định về hệ thống danh mục điện tử dùng chung trong lĩnh vực y tế.

(10) Thông tư quy định về liên thông, trao đổi dữ liệu giữa các hệ thống thông tin trong lĩnh vực y tế.

(11). Xây dựng các văn bản về định mức kinh tế - kỹ thuật cho ứng dụng CNTT y tế.

(12). Xây dựng các định mức chi trả cho hoạt động CNTT trong công tác khám, chữa bệnh và thanh quyết toán bảo hiểm y tế; chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa chi phí tin học hóa bệnh viện, hoạt động CNTT trong bệnh viện và hệ thống giám sát điện tử vào trong giá dịch vụ thanh quyết toán bảo hiểm y tế (NQ36a).

Các chương trình y tế điện tử đến năm 2020

Chương trình 1: Xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai thống kê y tế điện tử để từng bước hình thành trung tâm dữ liệu quốc gia về y tế.

(1) Hoàn thành CSDL các danh mục dùng chung.

(2) Xây dựng hạ tầng CNTT đồng bộ, đảm bảo việc quản lý, lưu trữ, khai thác dữ liệu y tế tập trung tại Bộ Y tế.

(3) Xây dựng, cập nhật Kiến trúc Chính phủ Bộ Y tế, Kiến trúc y tế điện tử.

(4) Triển khai hệ thống thống kê y tế điện tử.

(5) Đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin y tế điện tử

Chương trình 2: Thực hiện hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử và phần mềm quản lý trạm y tế xã theo tiêu chuẩn chung để bảo đảm kết nối liên thông các phần mềm này với nhau và với giám định KCB BHYT.

1. Thực hiện hồ sơ sức khỏe điện tử

2. Triển khai bệnh án điện tử

a) Xây dựng kế hoạch, từng bước triển khai bệnh án điện tử tại các bệnh viện trên toàn quốc (NQ36a)

b) Xây dựng và duy trì kết nối hệ thống thông tin quản lý khám chữa bệnh và giám định bảo hiểm y tế qua mạng điện tử (NQ36a).

c) Xây dựng và vận hành hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (NQ36a).

Chương trình 3: Xây dựng và vận hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến một cửa Bộ Y tế, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần minh bạch hóa hoạt động của cơ quan nhà nước.

 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ sáu, 19 Tháng 10 2018 08:50