Não mô cầu (Neisseria Meningitidis)

CN Nguyễn Văn Thọ - Khoa Vi sinh

Neisseria meningitidis, thường được gọi là não mô cầu, do Albrecht và Ghon mô tả lần đầu tiên vào năm 1901. Năm 1903, chính hai tác giả này đặt tên cho vi khuẩn là Micrococcus meningitidis. Năm 1929 Murray đề nghị chuyển chúng sang giống Neisseria; từ đó cho đến nay, vi khuẩn có tên chính thức là Neisseria meningitidis. Não mô cầu thuộc giống Neisseria, họ Neisseriaceae.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), 5- 10% dân số có trong người vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis, gây viêm màng não do não mô cầu. Trong đa số trường hợp, vi khuẩn ở trạng thái không hoạt động, có nghĩa là sẽ không gây bệnh, không có triệu chứng lâm sàng. Nếu vi khuẩn ở trạng thái hoạt động, nghĩa là gây nên các triệu chứng và bệnh, chúng trở nên rất nguy hiểm. Theo viện nghiên cứu quốc gia về các rối loạn thần kinh và đột quỵ Hoa Kỳ (NINDS ), nhiễm trùng có thể dẫn đến tử vong từ 10- 15% số trường hợp, kể cả đã được điều trị. 10-15% các trường hợp còn lại sẽ để lại những tổn thương vĩnh viễn về não bộ hoặc các hậu quả, di chứng không mong muốn nghiêm trọng khác.

nmc1

Hình ảnh N.meningitidis trên dưới kính hiển vi điện tử

ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC

1.1 Hình thể và tính chất bắt màu

Trong dịch não tủy, N. meningitidis có hình thể rất giống lậu cầu, đó là các song cầu Gram âm, hai mặt lõm quay vào nhau trông giống hình hạt cà phê.

Kích thước tế bào khoảng 1µm. Chúng có thể nằm bên trong hoặc bên ngoài tế bào bạch cầu. Trên các môi trường nuôi cấy, N. meningitidis có hình thể và kích thước rất thay đổi, tính chất bắt màu Gram cũng không đồng đều giữa các tế bào; nhiều tế bào có xu hướng tăng tính đề kháng với tẩy màu. Nuôi cấy càng lâu và cấy chuyển càng nhiều lần thì hình thể tế bào càng mất dần tính chất điển hình.

N. meningitidis trong dịch não tủy thường có vỏ, tính chất này thể hiện dưới hình thức một vùng sáng xung quanh tế bào vi khuẩn khi nhuộm bằng các phương pháp thông thường hoặc dễ nhận biết hơn nếu làm phản ứng phình vỏ bằng kháng huyết thanh tương ứng. Khi mới phân lập, N. meningitidis có các pili ở bề mặt. Những pili này giúp cho vi khuẩn bám vào tế bào biểu mô vùng họng mũi và duy trì tình trạng người lành mang vi khuẩn. Trên các môi trường nhân tạo, sự hiện diện của pili phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện nuôi cấy.

1.2 Tính chất nuôi cấy

Khi mới phân lập từ bệnh phẩm, N.meningitidis chỉ mọc tốt trên các môi trường có nhiều chất dinh dưỡng như thạch máu, chocolat và cần khí trường có từ 5- 8% CO2 . Khi đã được cấy chuyển nhiều lần thì đòi hỏi về dinh dưỡng của N.meningitidis giảm đi, thậm chí chúng có thể mọc trên thạch dinh dưỡng bình thường. Nhiệt độ tối ưu là 37oC, nhưng chúng có thể mọc được trong khoảng nhiệt độ từ 25- 42oC.

Khuẩn lạc của N.meningitidis thay đổi tùy thuộc vào môi trường nuôi cấy; thông thường trên môi trường thạch máu, sau 24 giờ, khuẩn lạc có đường kính khoảng 1 mm; không gây tan máu, dạng S ( lồi, nhẵn, bóng).

1.3 Tính chất hóa sinh

N.meningitidis có phản ứng oxidase dương tính. Chúng phân giải đường glucose; không phân giải fructose; saccharose và lactose (giống lậu cầu). Đặc điểm quan trọng nhất để phân biệt chúng với lậu cầu là N.meningitidis thì phân giải maltose còn lậu cầu thì không.

1.4 Tính chất kháng nguyên

N.meningitidis có kháng nguyên vỏ là polysaccharid. Dựa vào kháng nguyên này, hiện nay ít nhất có 13 nhóm kháng nguyên đã được biết, trong đó 9 nhóm thường gặp là A, B, C, D, X, Y, Z, W-135 VÀ 29E; bốn nhóm còn lại là H, I, K và L thì hiếm gặp hơn. Các nhóm A, B, C thường gây thành dịch.

Các kháng nguyên của N.meningitidis, đặc biệt là các kháng nguyên polysaccharid, có thể tìm thấy trong máu và trong dịch não tủy; người ta đã lợi dụng đặc điểm này để chẩn đoán nhanh N.meningitidis bằng các kỹ thuật miễn dịch.

2. KHẢ NĂNG GÂY BỆNH

Người là túc chủ duy nhất của N.meningitidis. Chúng thường ký sinh ở họng mũi,

Ở trạng thái không gây bệnh, N.meningitidis thường không có vỏ. Khi điều kiện thuận lợi, N.meningitidis gây viêm họng mũi (thường là nhẹ, không có triệu chứng); một tỷ lệ nhỏ trong các trường hợp này, chúng từ họng mũi xâm nhập vào máu, thường là qua đường bạch huyết, gây ra tình trạng nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu. Từ máu, N.meningitidis có thể đến màng não gây ra viêm màng não, hoặc đến da gây nên các chấm hoặc ban xuất huyết; hiếm hơn, có thể gặp các tổn thương ở khớp, phổi. Tổn thương xuất huyết có thể gặp ở da hoặc ở các cơ quan nội tạng đặc biệt là thận (hội chứng Waterhouse- Friderichsen); người ta cho rằng tổn thương này là do giải phóng các bướu nội độc tố trên vách tế bào vi khuẩn. Nhiễm khuẩn huyết do N.meningitidis có thể dẫn đến sốc nặng trong vòng vài tiếng đồng hồ.

 nmc2

Hình ảnh tổn thương ở da khi nhiễm N. meningitidis

N.meningitidis còn có thể gây nên tình trạng đông máu nội mạch rải rác do một lượng lớn nội độc tố đã được giải phóng ra và kích thích cơ thể tổng hợp yếu tố hoại tử u loại α (TNF- α, tumor necrosis factor- α) và hoạt hóa yếu tố đông máu XII.

Biến chứng thường gặp nhất của nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu là viêm màng não. Vi khuẩn đã vượt qua hàng rào máu- não và gây ra viêm màng não với các triệu chứng xuất hiện đột ngột như lú lẫn, đau đầu, sốt cao, sợ ánh sáng, cứng cổ, nôn mửa.

Những triệu chứng khác có thể xảy ra, nhưng hiếm gặp hơn bao gồm cáu gắt,ban đỏ, buồn ngủ, hôn mê...

3.CHẨN ĐOÁN VI SINH VẬT

3.1 Nhuộm soi

Trong trường hợp viêm màng não, bác sỹ điều trị sẽ tiến hành chọc dò tủy sống. Dịch này sẽ được gởi đến phòng xét nghiệm để ly tâm dịch não tủy, lấy cặn ly tâm nhuộm đơn hoặc nhuộm Gram. Hình thể điển hình của N. meningitidis nằm trong tế bào bạch cầu đa nhân cho phép chẩn đoán nhanh bệnh viêm màng não.

nmc3

Hình ảnh N. meningitidis trong nhuộm Gram

3.2 Tìm kháng nguyên

Lấy dịch não tủy làm phản ứng ngưng kết với kháng thể đặc hiệu đã được gắn trên các hạt latex hoặc trên các giá đỡ khác, người ta có thể chẩn đoán nhanh sự hiện diện của N.meningitidis trong dịch não tủy.

3.3 Nuôi cấy

Cấy dịch não tủy vào trong môi trường không có chất ức chế (thường dùng là thạch máu và thạch chocolat), để trong khí trường CO­­2 ở 37oC. Chọn các khuẩn lạc nghi ngờ; xác định vi khuẩn bằng phản ứng ngưng kết trên phiến kính với kháng thể mẫu và các tính chất sinh  hóa.

4. PHÒNG BỆNH VÀ ĐIỀU TRỊ

4.1. Phòng bệnh

4.1.1 Phòng bệnh không đặc hiệu

Viêm màng não do não mô cầu lây qua đường hô hấp. Khi trong một tập thể (gia đình, trường học, đơn vị quân đội,…) có người bị viêm màng não thì những người xung quanh thường đã thấy có N. meningitidis ở họng mũi. Vì vậy, phải phát hiện bệnh sớm và cách ly những người nghi ngờ. Tập thể nào có người đã bị bệnh hoặc những người đã tiếp xúc với người bệnh, phải cho uống kháng sinh dự phòng.

4.1.2 Phòng bệnh đặc hiệu

Dùng vacxin tinh chế từ vỏ polysaccharid của N. meningitidis. Vacxin  này gồm 4 nhóm kháng nguyên (A, C, Y và W-135); trong đó, nhóm A gây đáp ứng miễn dịch tốt hơn các nhóm khác ở trẻ dưới 3 tháng tuổi; còn các kháng nguyên nhóm C, Y và W-135 thì gây đáp ứng miễn dịch rất kém hoặc không  gây đáp ứng miễn dịch ở nhóm trẻ dưới 2 tuổi. Polysaccharid nhóm B không có tính sinh miễn dịch ở người nên không được dùng để sản xuất vacxin.

4.2 Điều trị

Bệnh viêm màng não do não mô cầu có khả năng tử vong cao, nên phải xếp vào dạng ưu tiên cấp cứu. Cần cho nhập viện càng sớm càng tốt, và không nhất thiết phải cách ly ngay. Điểu trị bệnh viêm màng não do não mô cầu, cũng giống như do H. in fluenzae. Các loại thuốc kháng sinh có thể dùng để điều trị nhiễm trùng như: Penicillin, Ampicillin, Cloramphenicol và Ceftriaxone. Dùng kháng sinh chỉ có hiệu quả cao khi tích cực phòng và điều trị các rối loạn khác.

Để phòng bệnh viêm não, màng não do não mô cầu, tránh lây lan trong cộng đồng, Cục Y tế dự phòng và Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau:

Nguồn:      

  1. Lê Huy Chính (2007), Vi Sinh Vật Y học, “ Não mô cầu” NXB Y học, tr.153 – 156.
  2. Dịch từ trang http://www.healthline.com/health/meningitis-meningococcal#Overview1      
  3. Dịch từ trang http://www.cdc.gov/meningococcal/about/diagnosis- treatment.html

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ tư, 12 Tháng 10 2016 13:57