Chế độ ăn cho người bệnh máu nhiễm mỡ

ĐD Võ Thị Liễu - Khoa Khám bệnh

Máu nhiễm mỡ hay còn gọi rối loạn lipid máu xảy ra  khi có một hoặc nhiều các rối loạn sau: tăng Cholesterol trong máu, tăng Triglycerid máu, tăng LDL-Cholesterol hoặc giảm HDL-Cholesterol máu. Bệnh khá phổ biến và có xu hướng ngày càng tăng do đời sống ngày càng cao.

Mỡ máu cao và kéo dài dẫn đến xơ vữa động mạch, làm hep mạch máu và là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh lý tim mạch.

Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng

Bệnh xảy ra phần lớn là do dinh dưỡng, chế độ ăn chứa quá nhiều mỡ động vật, cholesterol (phủ tạng động vật, mỡ động vật, trứng, bơ, sữa toàn phần…) uống nhiều bia, rượu. Một số ít trường hợp có thể do di truyền, hoặc thứ phát sau một số bệnh như hội chứng thận hư, suy giáp, đái tháo đường, bệnh gan mật...

maumo1

Vi vậy người có máu nhiễm mỡ cần tuân thủ chế độ ăn uống sau:

Nên ăn những loại thực phẩm có chứa hàm lượng Cholesterol thấp như rau xanh, củ quả, các sản phẩm làm từ đậu, thịt nạc, cá…Đặc biệt là ăn rau có nhiều chất xơ làm giảm sự hấp thu Cholesterol của đường ruột.

Ăn rau nhiều, khoảng 500g/ngày để cung cấp đủ các vitamin, chất khoáng và chất xơ. Nên sử dụng các thực phẩm giàu chất chống ôxy hoá giúp giảm nguy cơ bệnh mạch vành,  giúp loại bỏ các gốc tự do gây hại như thức ăn giàu vitamin E: giá đỗ, dầu thực vật, dầu gấc, các sản phẩm chế biến từ gấc; thức ăn giàu beta-caroten: Cà rốt, bí đỏ, gấc, đu đủ chín, xoài, cá loại rau có màu xanh thẫm như: rau ngót, rau muống, rau dền, rau mồng tơi, cải soong...; thức ăn giàu vitamin C: các loại rau quả nói chung; thức ăn giàu selen: rau ngót, rau muống, rau cải bắp...

Hạn chế không nên dùng các chất béo chứa nhiều acid béo no (mỡ, bơ, nước luộc thịt),  các thực phẩm có nhiều cholesterol như: mỡ, da, phủ tạng động vật, óc, lòng đỏ trứng, hải sản nhất là gạch cua, gạch tôm...

Tăng cường các acid béo không no như dầu lạc, dầu olive, dầu đỗ tương thay cho mỡ và nên ăn các hạt có dầu như: vừng, lạc, hạt dẻ, hạt bí ngô để cung cấp acid béo không no có nhiều nối đôi omega 3, omega 6. Nên ăn cá, 2 -3 lần/ tuần, cá có nhiều Omega 3 có tác dụng bảo vệ động mạch: cá thu, cá ngừ, cá hồi, cá trích…

Nên ăn các sản phẩm được chế biến từ đậu nành: sữa đậu nành, đậu phụ, tào phớ, bột đậu tương, sữa chua đậu tương... vì chúng chứa nhiều estrogen thực vật và isoflavon làm giảm đáng kể nồng độ cholesterol toàn phần, LDL-cholesterol và triglycerid. Hạn chế đạm giàu mỡ như thịt ba rọi, thịt chân giò....

Cần theo dõi cân nặng và BMI. Nên giảm tổng lượng calo đưa vào cơ thể, có chế độ giảm cân hợp lý, điều chỉnh tổng lượng calo hàng tháng hoặc hàng tuần để đạt hiệu quả giảm cân cũng như duy trì cân nặng sau khi đạt BMI ở mức bình thường.

Vận động hợp lý

Một điều không thể quên là duy trì chế độ luyện tập phù hợp với cơ thể, đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày như: cầu lông, bóng bàn, êrôbic, đi bộ nhanh…Thời gian luyện tập có thể tăng dần, đây là phương pháp chữa bệnh có giá trị độc lập hoặc bổ sung cho điều trị dùng thuốc.

Cần kiểm tra xét nghiệm mỡ máu định kỳ, để kịp thời điều chỉnh chế độ ăn uống, vận động và phối hợp dùng thuốc khi cần.

 Nguồn bài viết:Cẩm nang bệnh cao mỡ máu, máu nhiễm mỡ 2015.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ bảy, 28 Tháng 5 2016 07:46