Ứng dụng của siêu âm trong chăm sóc tiền sản

Ths Bs Phan Thị Hồng Ngọc - Khoa Phụ Sản

Vai trò của siêu âm trong chăm sóc tiền sản

Chăm sóc tiền sản là chăm sóc sức khỏe cho cả bà mẹ và thai nhi trước khi sinh.

Trước đây, thai nhi là một bệnh nhân không thể tiếp cận được, thai được bao quanh bởi nước ối và che phủ bởi tử cung và thành bụng của người mẹ. Các dị tật của bào thai chỉ được nhìn thấy khi trẻ chào đời, và những thành viên khuyết tật này đã gây một hậu quả nặng nề cho gia đình và cả xã hội.

Siêu âm thật sự là một cuộc cách mạng trong sản khoa. Sự ứng dụng của siêu âm trong hơn 3 thập niên qua đã góp phần rất lớn trong công tác chăm sóc tiền sản. Nhờ siêu âm, nhiều dị tật thai đã được phát hiện trước sanh để có thể can thiệp kịp thời. Siêu âm Doppler màu đã giúp đánh giá khá chính xác tình trạng sức khoẻ của thai nhi, can thiệp kịp thời những trường hợp thai chậm tăng trưởng trong tử cung giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong chu sinh. Và trong những năm gần đây, sự ra đời của siêu âm 3 chiều 4 chiều cũng góp phần không nhỏ trong công tác chẩn đoán tiền sản, giúp khảo sát hình thái học thai nhi chính xác hơn.

siauamung1

Với mỗi giai đoạn của thai kỳ, siêu âm đóng vai trò khác nhau trong chẩn đoán tiền sản. Cần chú ý rằng siêu âm là phương tiện tốt để chăm sóc tiền sản, chứ không thay thế được khám lâm sàng thường quy

Nên đi khám thai và siêu âm khi nào?

 Khi thấy trễ kinh và dùng que thử thai thấy kết quả dương tính, sản phụ nên đi khám thai và siêu âm theo trình tự của tuổi thai (tính từ ngày có kinh cuối cùng) như sau: 

  Lần 1: Sau khi trễ kinh khoảng một  tuần. Siêu âm để loại trừ khả năng thai ngoài tử cung. Khám thai để được tư vấn các bất thường trong thai kỳ, chế độ dinh dưỡng và vệ sinh khi thai nghén.

  Lần 2: Khi  thai được khoảng 7 tuần  (trễ kinh được 3 tuần),  siêu âm để đánh giá tình trạng của thai (xem có phôi thai, tim thai chưa…) 

  Lần 3: Khi thai được khoảng 12 tuần. Siêu âm giúp phát hiện một số dị tật sớm của thai. Xét nghiệm các chất free bêta hCG và PAPP-A trong máu mẹ cộng với việc siêu âm để đo độ mờ da gáy và đánh giá xương mũi của thai cho phép  sàng lọc các trường hợp thai nhi bị bất thường nhiễm sắc thể như hội chứng Đao.

Siêu âm 3 tháng đầu đóng vai trò quan trọng. Để phát hiện các dị tật bẩm sinh nặng, siêu âm lúc thai 11-12 tuần cần phải được chú ý khảo sát hình thể. Nếu phát hiện bất thường, cần xem xét làm các xét nghiệm khác ( sinh hóa, CVS) để chẩn đoán sớm dị tật.

  Lần 4: Khi thai được khoảng 16 tuần. Khám thai để  đánh giá sự  phát triển thai và tình trạng sức khỏe của mẹ. Nếu có chỉ định của bác sĩ, sản phụ có thể phải làm thêm xét nghiệm các chất AFP, hCG, uE3 trong máu mẹ để sàng lọc các trường hợp thai bị dị tật của ống thần kinh, một số dạng bất thường nhiễm sắc thể như hội chứng Đao. 

  Lần 5: Khi thai được khoảng 22 tuần. Siêu âm giúp phát hiện nhiều dị tật của thai nhi.

Siêu âm 3 tháng giữa là thời điểm tốt nhất để khảo sát hình thái học. Trong giai đoạn này, siêu âm đã phát hiện được hầu hết các dị tật thai nhi thường gặp.

  Lần 6: Khi  thai  được khoảng  32  tuần. Nên đi siêu âm doppler màu để đánh giá sự tăng trưởng của thai, phát hiện sớm các trường hợp thai chậm tăng trưởng trong tử cung. Siêu âm còn cho phép phát hiện thêm một số dị tật biểu hiện muộn ở thai.

  Lần 7: Khi thai được khoảng 36 tuần. Khám thai và siêu âm để theo dõi sự tăng trưởng của thai, xác định ngôi thai, ước lượng cân nặng của thai để chuẩn bị cho cuộc đẻ. 

  Lần 8: Từ khi thai được 38 tuần trở đi, nên đi khám thai hàng tuần để chuẩn bị cho cuộc đẻ. Siêu âm để tiếp tục theo dõi sự sự tăng trưởng của thai,  xác định ngôi thai, ước lượng cân nặng của thai để chuẩn bị cho cuộc đẻ. 

Siêu âm 3 tháng cuối có vai trò đánh giá sự phát triển thai nhi, hạn chế trong khảo sát hình thái học. Tuy nhiên cần phải kết hợp với khám lâm sàng mới đánh giá được thai kém phát triển hay không.

Kết luận

Với sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật, siêu âm ngày nay đã gắn chặt vào chăm sóc tiền sản của người mẹ ở hầu hết mọi nơi. Tuy nhiên, hình ảnh siêu âm phải được lý giải cùng với lâm sàng, và không được dùng để thay thế các thăm khám thường quy. Cũng giống như mọi thăm khám khác, siêu âm cần có chỉ định rõ ràng và không được sử dụng như phương tiện để “thăm chừng em bé”.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ sáu, 13 Tháng 5 2016 17:36