Sốt xuất huyết Dengue và test nhanh phát hiện kháng nguyên, kháng thể kháng sốt xuất huyết Dengue

Ths. Bs. Cao Thành Vân - Khoa YHNĐ

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh nhiễm khuẩn cấp do virus Dengue gây ra. Bệnh lây truyền từ người qua người do muỗi đốt. Trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes, chủ yếu là A. aegypti, còn gọi là muỗi vằn.

Sốt xuất huyết thường gây thành dịch với các biểu hiện lâm sàng cấp tính như sốt cao đột ngột, kéo dài 5-7 ngày, đau cơ khớp và có các biểu hiện xuất huyết ở các mức độ khác nhau, bệnh có thể tiến triển nặng dẫn đến choáng giảm thể tích, suy đa tạng và tử vong nếu không điều trị kịp thời.

muoi

Muỗi vằn

 CÁC GIAI ĐOẠN LÂM SÀNG CỦA SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE

(Ban hành kèm theo Quyết định số 458 /QĐ-BYT ngày 16 tháng 2 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

 muoi1

Virus Dengue thuộc nhóm Flavivirus (họ Arbovirus nhóm B hay Flaviviridae), có cấu trúc hình khối đa diện đường kính 35-50 nm, nhân là 1 chuỗi ARN, có trọng lượng phân tử là 3,8.106 Dalton, mã hóa cho 10 loại protein của virus gồm 3 loại protein cấu trúc là protein lõi C (Core), protein màng M (membrane), protein vỏ E (envolope) và 7 loại protein phi cấu trúc (non structure – NS) là NS1, NS2A, NS2B, NS3, NS4A, NS4B, NS5.

Virus Dengue có nhiều loại kháng nguyên, dựa vào sự khác biệt giữa các điểm quyết định kháng nguyên người ta chia virus Dengue ra làm 4 type huyết thanh là D1, D2, D3 và D4. Tuy vậy, các type của virus Dengue cũng có một số quyết định kháng nguyên chung nên chúng có hiện tượng ngưng kết chéo giữa các nhóm. Vì vậy kháng thể thu được sau khi nhiễm virus Dengue sẽ tạo ra miễn dịch bền vững với chính type virus đã nhiễm và miễn dịch chéo một phần với các typ virus còn lại (kéo dài khoảng 6 tháng).

muoi2

Xét nghiệm phân lập virus bằng cách nuôi cấy, tìm kháng nguyên bằng phản ứng miễn dịch huỳnh quang hay tìm RNA của virus Dengue trong máu là những xét nghiệm đặc hiệu, tuy nhiên chỉ có thể thực hiện được ở các phòng xét nghiệm hiện đại và rất tốn kém. Hiện nay, test nhanh phát hiện kháng nguyên Dengue NS1 và kháng thể Dengue IgM, IgG giúp sàng lọc và hỗ trợ chẩn đoán sớm nhiễm virus Dengue.

Kháng nguyên Dengue NS1 là 1 protein phi cấu trúc, có bản chất là glycoprotein, được tổng hợp ở cả dạng màng tế bào và dạng được bài tiết, là kháng nguyên kết hợp bổ thể, quyết định tính đặc hiệu nhóm và loài, có vai trò quan trọng trong phản ứng đáp ứng miễn dịch của cơ thể khi bị nhiễm virus. Sau khi nhiễm virus Dengue, NS1-Ag xuất hiện trong máu từ ngày thứ 1 đến ngày thứ 9 của bệnh. Đáp ứng miễn dịch tạo ra kháng thể IgM và IgG kháng virus Dengue. IgM được tìm thấy từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 5 của bệnh từ khi có triệu chứng và tồn tại khoảng 30 đến 60 ngày, IgG xuất hiện vào ngày thứ 6 của bệnh, tăng nồng độ lên sau vài tuần, nhiều nhất ở tuần thứ 2 đến tuần thứ 3 và tồn tại suốt đời. Nhiễm virus thứ phát làm tăng IgG trong vòng 2 ngày sau khi có triệu chứng.

Do đó test Dengue NS1 và test Dengue IgM, IgG cho phép chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời sốt xuất huyết Dengue.

Test Dengue NS1- Ag là một thử nghiệm nhanh sắc ký miễn dịch dạng que dùng để định tính kháng nguyên NS1 của virus Dengue trong huyết tương hoặc huyết thanh của người bệnh. Hiện tại, BVĐK Quảng Nam đang sử dụng Dengue Ag Rapid Test của CTK Biotech (USA) với độ nhạy là 95.6% và độ đặc hiệu là 95.5%. Kết quả phải được đọc trong vòng 25 phút sau khi tiến hành, việc không tuân thủ theo qui trình hoặc đọc kết quả sau thời gian này có thể cho kết quả sai.

Test Dengue IgM, IgG là một thử nghiệm nhanh sắc ký miễn dịch dạng que dùng để phát hiện và phân biệt đồng thời các kháng thể IgM, IgG kháng virus Dengue (D1, D2, D3 và D4) trong huyết tương hoặc huyết thanh của người bệnh. Hiện tại, BVĐK Quảng Nam đang sử dụng Dengue IgM/IgG Rapid Test của CTK Biotech (USA) với độ nhạy là 97,3% và độ đặc hiệu là 99,3%. Kết quả phải được đọc trong vòng 25 phút, việc không tuân thủ theo qui trình hoặc đọc kết quả sau thời gian này có thể cho kết quả sai. Kết quả có thể dương tính giả khi nhiễm các Flavivirus khác như Viêm não Nhật Bản, Sốt vàng, Wwst Nile …, có thể âm tính giả khi số lượng kháng thể hiện diện trong mẫu dưới ngưỡng phát hiện của thử nghiệm hoặc kháng thể chưa xuất hiện trong giai đoạn lấy mẫu.

Các kết quả xét nghiệm này chỉ nên được diễn giải khi kết hợp với các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng khác.

 

Các kết quả xét nghiệm này chỉ nên được diễn giải khi kết hợp với các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng khác

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ hai, 22 Tháng 2 2016 18:46