Rotavirus

CN Bùi Minh Cảnh - Khoa Vi sinh

Kapikian và cộng sự lần đầu tiên phát hiện ra một virus có liên quan đến các bệnh ỉa chảy và đặt tên là Norwalk.

Đến năm 1973, Bishop quan sát dưới kính hiển vi điện tử mảnh sinh thiết ruột non từ một em bé chết vì bệnh ỉa chảy cấp, thấy có virus giống như Reovirus (reovirus-like) và ông đặt tên virus này là Rotavirus. Sau đó, Flewett, Bryden, Midleton cũng đề cập tới vài trò của Rotavirus trong bệnh viêm dạ dày-ruột. Sau này, những nghiên cứu về hình thái học bằng nhộm âm bản những lát cắt cực mỏng các tổ chức nhiễm virus Rota, quan sát dưới kính hiển vi điện tử đã cho phép xác định virus Rota thuộc họ Rioviridae.

Ở Việt Nam, tới năm 1980 mới xác định được virus Rota là căn nguyên của viêm dạ dày- ruột cấp tính, gây ỉa chảy ở trẻ em. Đây là một bệnh rất phổ biến, đứng hàng thứ hai sau nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính ở trẻ em. Theo một số công trình nghiên cứu đã công bố trong nước, bệnh ỉa chảy do Rotavirus chiếm khoảng 27% trong số các căn nguyên gây ỉa chảy ở trẻ em. Ở những nước phát triển, tỷ lệ ỉa chảy do do Rotavirus chiếm khoảng 50% trong tổng số các căn nguyên gây ỉa chảy ở trẻ em.

rota

Hình thể cấu trúc của Rotavirus

Nhiễm rotavirus thường bắt đầu với một cơn sốt và nôn, sau 3-8 ngày tiêu chảy. Nhiễm trùng có thể là nguyên nhân  gây ra đau bụng. Một số trường hợp ở những người lớn khỏe mạnh, một nhiễm rotavirus có thể chỉ gây ra những dấu hiệu và triệu chứng nhẹ - hoặc không có triệu chứng.

Rotavirus tồn tại trong phân vài ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện và  tồn lưu cho đến 10 ngày sau khi các triệu chứng giảm dần. Virus này lây lan dễ dàng qua tiếp xúc tay - miệng trong suốt thời gian này, ngay cả khi người bệnh không có triệu chứng.

Nếu bạn mắc rotavirus và bạn không rửa tay sau khi đi vệ sinh, hoặc con bạn bị rotavirus và bạn không rửa tay sau khi thay tã của trẻ hoặc giúp con bạn sử dụng nhà vệ sinh  thì virus có thể lây lan đến bất cứ vật gì bạn chạm vào, bao gồm thực phẩm, đồ chơi và đồ dùng. Nếu một người khác chạm tay chưa rửa của bạn hoặc đối tượng nhiễm bệnh và sau đó chạm vào miệng của mình, một ca bệnh nhiễm trùng có thể xuất hiện.

Bởi vì có rất nhiều loại rotavirus, nó có thể bị  tái nhiễm nhiều lần, thậm chí nếu bạn đã được tiêm phòng. Tuy nhiên, nhiễm trùng lặp lại thường ít nghiêm trọng.

Nhiễm Rotavirus là phổ biến nhất ở trẻ em tuổi từ 4 tháng đến 24 tháng  đặc biệt là những người dành nhiều thời gian trong cơ sở chăm sóc trẻ em. Người lớn tuổi và người lớn chăm sóc cho trẻ em có nguy cơ cao bị lây nhiễm.

Nguy cơ của nhiễm do rotavirus là cao nhất vào mùa đông và mùa xuân.

ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC

Đặc điểm về cấu trúc

Virus có hình khối tròn, đường kính trung bình 65 – 70 nm. Acid nucleic là ARN hai sợi, nằm ở trung tâm hạt virus, đường kinh 38nm và được bao bọc bởi hai lớp capsid. Các capsome của lớp trong xếp theo hình nan hoa và kéo nối với các capsome của lớp ngoài tạo nên hình vòng. Do vậy, các virus này mới có tên là Rota (rota = wheel, bánh xe)

Đặc điểm về kháng nguyên

Hai lớp capsid mang đặc điểm kháng nguyên riêng biệt: Lớp capsid ngoài mang kháng nguyên đặc hiệu týp. Lớp capsid trong mang kháng nguyên đặc hiệu nhóm. Nhân không mang kháng nguyên.

Rotavirus gây bệnh cho người và các Rotavirus gây bệnh cho động vật có kháng nguyên tương tự nhau nhưng không có mối liên quan về mặt kháng nguyên với các virus thuộc họ Reoviridae.

Đặc điểm nhân lên và khả năng gây bệnh

Virus vào cơ thể nhân lên chủ yếu ở niêm mạc tá tràng. Người ta đã cấy truyền virus trên hàng loạt các tế bào tiên phát như: Tế bào ruột và bao thai người, thận bào thai lợn… nhưng tỉ lệ virus gây nhiễm giảm dần và bị mất đi sau 2 đến 5 lần cấy truyền.

Sức đề kháng

Virus bị bất hoạt nhanh chóng khi bị xử lý bằng EDTA (Ethylenediaminetetraacetic acid). Chúng dễ bị bất hoạt ở pH nhỏ hơn 3 hoặc lớn hơn 10, nhưng có sức đề kháng tốt với Clo và ether; chúng bền vững sau nhiều ngày trong phân ở nhiệt độ thường.

CƠ CHẾ GÂY BỆNH

Rotavirus là căn nguyên thường gặp nhất trong bệnh ỉa chảy ở trẻ em dưới 2 tuổi, đặc biệt dưới 12 tháng. Virus độc lực xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa và nhân lên chủ yếu ở tá tràng, chúng phá hủy lớp tế bào trụ, làm lớp tế bào này bị biến dạng. Vì vậy dẫn đến quá trình hấp thu của ruột bị giảm, do đó làm ứ đọng các chất trong lòng ruột, đặc biệt là cacbohydrat; làm áp suất thẩm thấu tăng, kéo nước ra ngoài, gây ỉa chảy nhiều lần trong ngày và phân rất nhiều nước.

TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG

Giai đoạn ủ bệnh ngắn, chỉ 1-2 ngày kể từ khi virus xâm nhập vào cơ thể. Sau đó chuyển sang giai đoạn toàn phát với các triệu chứng sau: ỉa chảy nhiều lần trong ngày, phân nhiều nước; rất hiếm khi có máu và đây là đặc điểm quan trọng để chẩn đoán phân biệt với ỉa chảy do vi khuẩn. Đôi khi, bệnh nhân có nôn, trên lâm sàng biểu hiện mất nước nặng. Bệnh nhân thường sốt nhẹ. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 12 tháng và bệnh thường xảy ra vào mùa đông.

CHẨN ĐOÁN VI SINH VẬT

Xác định virus

Bệnh phẩm: Lấy phân bệnh nhân trong tuần lễ đầu của bệnh hoặc hút dịch tá tràng

Phương pháp xét nghiệm

Quan sát trực tiếp dưới kính hiển vi điện tử để phát hiện độ lớn, hình thái và cấu trúc hạt của virus. Để phát hiện virus trực tiếp từ bệnh phẩm, người ta dùng các kĩ thuật miễn dịch như miễn dịch enzym (ELISA), miễn dịch phóng xạ, miễn dịch huỳnh quang, ngưng kết hồng cầu thụ động, ngưng kết hạt latex.

Chẩn đoán huyết thanh học

Bệnh phẩm: Lấy máu tĩnh mạch bệnh nhân và chắc lấy huyết thanh.

Các phản ứng

-  Phản ứng ELISA, phản ứng huỳnh quang, miễn dịch phóng xạ và phản ứng kết hợp bổ thể đã được dùng để tìm kháng thể trong máu bệnh nhân.

Tuy vậy, bệnh ỉa chảy do Rotavirus là một bệnh cấp tính, nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời, bênh nhân có thể tử vong do mất nước và điện giải. Vì vậy, chỉ có phương pháp xác định virus trực tiếp từ bệnh phẩm là có giá trị nhất đối với bệnh nhân.

NGUYÊN TẮC PHÒNG BỆNH VÀ ĐIỀU TRỊ

Nguyên tắc phòng bệnh

Virus xâm nhập vào cơ thể bằng đường tiêu hóa, vì vậy, người ta sử dụng các biện pháp sau đây:

Vệ sinh ăn uống: sữa cho trẻ em phải đảm bảo các chỉ tiêu vệ sinh. Dụng cụ đựng đồ ăn của trẻ phải được khử trùng cẩn thận, người mẹ phải giữ gìn vệ sinh tốt trong thời kỳ cho con bú.

Xử lý và tẩy uế những chất thải và đồ dùng có liên quan tới bệnh nhân.

Cho tới nay đã thử nghiệm một số loại vacxin phòng beenhk, và xu hướng hiện nay là nghiên cứu sản xuất một số loại vacxin sông, giảm độc lưc. Vì người ta đã chứng minh được rằng IgAs được hình thành từ đường tiêu hóa sau khi bệnh nhân bị bệnh có vai trò quyết định trong miễn dịch bảo vệ. Mặt khác, những thử nghiệm ở bê đã cho thấy miễn dịch bảo vệ được hình thành sau khi cho chúng uống virus sống giảm độc lực.

Nguyên tắc điều trị

Phải bồi phụ nước và điện giải cho bệnh nhân. Thường sau một tuần, bệnh nhân hồi phục hoàn toàn.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Y Tế (2007), Vi Sinh Vật Y học,  NXB Y học.
  2. Centers for Disease Control and Prevention, et al. Prevention of rotavirus gastroenteritis among infants and children: Recommendations of the Advisory Committee on Immunization Practices (ACIP). MMWR. 2009;58:1. http://www.cdc.gov/mmwr/pdf/rr/rr5802.pdf. Accessed Jan. 11, 2013.
  3. Diarrhea. The National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases. http://digestive.niddk.nih.gov/ddiseases/pubs/diarrhea/#children. Accessed Jan. 16, 2013.
  4. Rotavirus. World Health Organization. http://www.who.int/nuvi/rotavirus/en/. Accessed Jan. 16, 2013.

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ bảy, 13 Tháng 2 2016 12:35