Giao tiếp và quy trình điều dưỡng

CN Nguyễn Thị Phước - Phòng Điều dưỡng

Giao tiếp là hoạt động giao lưu tiếp xúc giữa con người với con người. Để có thể sống lao động, học tập, công tác con người không thể không dành thời gian để giao tiếp. Nhờ giao tiếp con người sẽ tự hiểu mình được nhiều hơn; qua giao tiếp giúp hiểu được tâm tư, tình cảm, ý nghĩ và nhu cầu của người khác.

Khi giao tiếp với người  bệnh và gia đình người bệnh, người điều dưỡng cần phải hiểu được rằng: Bệnh tật là một sự cố không ai mong muốn, vì vậy khi mắc bệnh ai cũng cảm thấy lo lắng và rất cần sự đồng cảm từ nhân viên y tế. Trong các cơ sở khám chữa bệnh thì đội ngũ điều dưỡng chiếm tỷ lệ khá cao khoảng 50% nhân lực toàn bệnh viện, điều dưỡng cũng thường xuyên giao tiếp với người bệnh nhiều nhất; thông qua việc thăm khám, theo dõi, thực hiện các quy trình kỹ thuật, tư vấn giáo dục sức khỏe.... Điều dưỡng đã vận dụng linh hoạt các kỹ năng giao tiếp lồng ghép trong mọi bước của quy trình điều dưỡng: Nhận định, chẩn đoán điều dưỡng, lập kế hoạch, thực hiện và lượng giá.

giaotiep1

Các bước giao tiếp trong quy trình điều dưỡng:

1. Nhận định

            - Phỏng vấn để khai thác tiền sử và bệnh sử

            - Hỏi kiểm tra tình trạng sức khỏe

            - Quan sát các hành vi phi ngôn ngữ

            - Tóm tắt lại các ghi nhận và làm test chẩn đoán

2. Chẩn đoán điều dưỡng

            - Viết các phân tích nhận định

            - Thảo luận các biện pháp chăm sóc và những ưu tiên với người bệnh và gia đình

3. Lập kế hoạch

            - Viết kế hoạch chăm sóc

            - Kế hoạch họp đội chăm sóc

            - Thảo luận với người bệnh và gia đình về các phương pháp sẽ thực hiện

            - Làm các thăm dò

4. Thực hiện kế hoạch

            - Thảo luận với các nhà chuyên môn khác

            - Giáo dục sức khỏe

            - Cung cấp các hỗ trợ điều trị

            - Tiếp xúc với các nguồn sức khỏe khác

            - Ghi nhận sự tiến triển của người bệnh trong kế hoạch chăm sóc và các chú ý về điều dưỡng

5. Đánh giá

            - Đạt được các phản hồi về ngôn ngữ (không lời và có lời)

            - Viết các kết quả mong đợi

            - Cập nhập các thông tin kế hoạch điều dưỡng

            - Giải thích các thay đổi cho người bệnh

Một số lưu ý giúp người điều dưỡng giao tiếp có hiệu quả

- Người điều dưỡng nên linh động trong việc sử dụng các kỹ năng khi giao tiếp với từng người bệnh.

- Lắng nghe là một trong những kỹ năng giao tiếp quan trọng nhất. Nó là một phương pháp giao tiếp không lời để biểu lộ sự quan tâm đến các nhu cầu, mối quan tâm và những khó khăn của người bệnh. Kỹ năng lắng nghe thành thạo rất có lợi trong quy trình điều dưỡng và là một cách sử dụng thời gian có hiệu quả.

- Để bày tỏ sự chấp thuận, người điều dưỡng phải biết dấu đi nhận thức cũng như các biểu hiện cảm xúc cá nhân, tránh các vẻ mặt và cử chỉ gợi ý đến sự không đồng tình như: cau mày, nhướng mắt, hoặc lắc đầu không tin tưởng.

- Đặt câu hỏi là một phương pháp giao tiếp trực tiếp, mục đích của người điều dưỡng là thu thập các thông tin có giá trị về người bệnh. Đặt câu hỏi có hiệu quả khi nó liên quan đến các chủ đề hay mục đích đang được thảo luận và sử dụng các từ ngữ thông thường mà người bệnh có thể hiểu được.

- Thông tin qua việc diễn đạt lại, người điều dưỡng cho người bệnh thấy thông tin đã được nhận một cách chính xác và đầy đủ

- Khi không hiểu vấn đề, người điều dưỡng ngay tức khắc dừng cuộc thảo luận để làm rõ nghĩa.

- Trọng tâm được định nghĩa là tập trung vào các thông tin chìa khóa và các khái niệm cơ bản của thông tin được gửi. Trong việc làm sáng tỏ vấn đề, người điều dưỡng tìm kiếm ý nghĩa của thông tin từ các thông điệp của người bệnh.

- Người điều dưỡng không nên đưa ra các nhận xét làm người bệnh lúng túng hoặc giận dữ. Thậm chí ngay cả khi lời nhận xét được đưa ra với tính chất hài hước, người bệnh cũng có thể trở nên phẫn uất.

- Người điều dưỡng thường xuyên cung cấp thông tin cho người bệnh, khuyến khích họ trả lời nhiều hơn.

- Việc giấu giếm các thông tin đối với người bệnh là không có ích, đặc biệt khi họ muốn tìm ra chúng. Nếu người điều dưỡng từ chối việc chia sẻ thông tin hoặc chỉ cung cấp một phần, người bệnh có thể mất niềm tin vào họ.

- Người điều dưỡng cần tránh việc cho lời khuyên đối với người bệnh khi cung cấp thông tin, để tránh ảnh hưởng đến các quyết định của họ.

- Người điều dưỡng nên cung cấp các thông tin có thể giúp họ tiến tới các quyết định mà họ cảm thấy lạc quan và phù hợp.

- Im lặng cho phép người bệnh một cơ hội để giao tiếp nội tại, tổ chức các ý nghĩ và sắp xếp các thông tin, cho người bệnh thời gian để tìm từ ngữ và cảm xúc.          

- Im lặng cũng giúp cho người điều dưỡng có thể quan sát người bệnh. Duy trì sự im lặng chứng tỏ người điều dưỡng đang sẵn sàng đợi một câu trả lời.

- Tóm tắt giúp người điều dưỡng ghi lại các khía cạnh then chốt của quan hệ, với bản tóm tắt, người bệnh có thể ôn lại các thông tin, bổ sung hoặc sửa chữa nhằm phù hợp với nhu cầu cần được chăm sóc.

Giao tiếp luôn được lồng ghép trong mọi hoạt động theo dõi và chăm sóc của người điều dưỡng, thông qua giao tiếp người điều dưỡng có thể hiểu rõ được tâm tư nguyện vọng của người bệnh, xác định được nhu cầu của người bệnh và lập ra một kế hoạch chăm sóc cụ thể đáp ứng với các nhu cầu đó, nhằm hướng đến sự hài lòng của người bệnh.

Tài liệu tham khảo:

  1. PGS.TS Phạm Văn Lình: Điều dưỡng cơ bản 1. Nhà xuất bản giáo dục năm 2012. 
  2. Bệnh viện TW Huế: Nâng cao năng lực quản lý ĐD. NXB ĐH Huế năm 2009

 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Chủ nhật, 15 Tháng 11 2015 21:08