Đau đầu vùng trán, đi khám phát hiện bệnh nguy hiểm

Bs Phạm Văn Sáu - 

Bệnh nhân Phan Văn Th., 33 tuổi ở xã Tam Thanh, Tam Kỳ làm nghề biển, tiền sử hay đau vùng trán, thể trạng rất tốt, vào viện ngày 26/4/2020. Ba ngày gần đây đau đầu vùng trán kèm buồn nôn, hoa mắt nhẹ, nghĩ bị viêm xoang nên mua thuốc uống ở nhà nhưng không đỡ. Bệnh nhân vào viện ghi nhận: tỉnh, tiếp xúc được, cảm giác lạnh run muốn đắp chăn, đo thân nhiệt 360 C , đau đầu vùng trán, nôn vọt, không liệt tay chân, ngoài ra không phát hiện gì đặc biệt. Xét nghiệm huyết học, sinh hóa máu bình thường nhưng khi cho chụp cắt lớp vi tính (CLVT) sọ não 16 dãy phát hiện khối u vùng tuyến yên lớn. Chẩn đoán: Theo dõi U tuyến yên, chuyển khoa Ngoại thần kinh - cột sống điều trị, tại đó chụp cộng hưởng từ sọ não cũng cho kết quả tương tự.

vungtran1

Hình ảnh chụp CLVT sọ não của bệnh nhân

I. Sơ lược về tuyến yên:

Tuyến yên là một tuyến nội tiết có kích thước bằng hạt đậu và khối lượng khoảng 0.5g nằm ở sàn não thất ba, trong hố yên của thân xương bướm. Đây là một tuyến quan trọng giữ vai trò chỉ đạo hoạt động của hầu hết các tuyến nội tiết khác. Tuyến yên có 03 thùy: thùy trước, thùy giữa, thùy sau. Mỗi thùy tiết ra mỗi loại hormon có chức năng khác nhau:

1. Thùy trước: Gồm hai loại tế bào: tế bào ưa acid tiết ra hormon GH và Prolactin, tế bào ưa kiềm tiết ra ACTH, TSH, FSH, LH, Lipoprotein...các hormon này tham gia vào rất nhiều hoạt động quan trọng của cơ thể như: quyết định sự tăng trưởng của cơ thể (GH), sự tăng trưởng và phát triển các tuyến sinh dục (LH, FSH). Đặc biệt các hormon tiền yên còn có tác động điều hòa hầu hết các tuyến nội tiết khác.

2. Thuỳ giữa: Thường phát triển mạnh ở động vật cấp thấp, ở người chỉ phát triển ở trẻ nhỏ. Thuỳ giữa tuyến yên tiết ra MSH có tác dụng phân bố sắc tố da.

3. Thuỳ sau: Gồm các tế bào giống như các tế bào mô thần kinh đệm,các tế bào này không có khả năng bài tiết hormon. Chúng chứa các hormon do vùng dưới đồi bài tiết ra đó là Vasopressin và Oxytoxin. Chức năng của Vasopressin (ADH): làm tăng tái hấp thu nước ở ống lượn xa và ống góp. Nếu thiếu hormon này thì nước không thể tái hấp thu ở thận gây bệnh đái tháo nhạt. Oxytoxin: làm tăng co bóp cơ tử cung. Phụ nữ có thai thường có nồng độ hormon này tăng cao trong máu. Đến giai đoạn sinh, tác dụng của oxytoxin làm co bóp mạnh cơ tử cung và đẩy thai nhi ra ngoài.

II. Nguyên nhân U tuyến yên:       

Hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác của u tuyến yên, một số ít trường hợp bệnh nhân bị u tuyến yên do di truyền trong gia đình có người bị bệnh khổng lồ. Đây không phải là bệnh lây nhiễm.

III. Triệu chứng U tuyến yên:

Như trên đã mô tả, tuyến yên có 03 thùy nên tùy vào vị trí tổn thương ở thùy nào, kích thước tổn thương lớn hay nhỏ, mức độ phát triển của khối u mà có các biểu hiện triệu chứng khác nhau. Thường có 03 nhóm triệu chứng sau:

1. Rối loạn nội tiết:

- Đối với phụ nữ: bị chậm kinh nguyệt, rối loạn kinh nguyệt hoặc mất kinh, nặng hơn có thể bị vô sinh, tiết sữa ở vú mặc dù đang không có thai hoặc có kinh nguyệt. Đối với nam giới có thể biểu hiện bằng dấu hiệu giảm ham muốn tình dục; giảm hoặc mất cương, gặp khó khăn trong sinh hoạt vợ chồng.

- Tăng tiết nội tiết tố tăng trưởng GH làm cho người bị bệnh có những biểu hiện phát triển bất thường như: đầu to, trán rộng, trán dô, mắt to, da thô, môi dày, bàn chân và các ngón chân to bất thường...dẫn đến hình dáng người bệnh rất đặc biệt so với người bình thường.

- Các triệu chứng thiếu hormon tuyến yên, giảm các nội tiết tố: vô sinh, ăn không ngon miệng, mệt mỏi, sợ lạnh, huyết áp thấp, cơ thể giảm sút cân nhanh, rụng lông tóc, táo bón, chậm phát triển hay chậm dậy thì ở trẻ em. Một số trường hợp có dấu hiệu chảy máu trong u tuyến yên dẫn đến đau đầu dữ dội, mắt nhìn mờ.

2. Rối loạn thị giác:

U tuyến yên nằm ở hố yên, phía dưới giao thoa thị giác nên khi u lớn chèn ép sẽ dẫn đến rối loạn nhìn, nhìn mờ, bán manh (chỉ nhìn được một phía trong hay phía ngoài) hoặc chỉ nhìn thấy những hình ảnh ngay trước mặt, không nhìn được ở phía bên ngoài thái dương (bán manh thái dương) hoặc không nhìn thấy ở phía trong (bán manh phía mũi). Khi khối u lấn sang bên vào xoang tĩnh mạch hang có thể có biểu hiện lác mắt, nhìn đôi, tê bì mặt... do chèn ép các dây thần kinh số III, IV,V.

3. Tăng áp lực nội sọ:

Khi khối u lớn chèn ép gây tăng áp lực trong sọ, sẽ có các biểu hiện đau đầu, buồn nôn, nôn vọt, rối loạn ý thức, thậm chí là hôn mê. Phần lớn người bệnh thường đến bệnh viện trong giai đoạn này (như bệnh nhân trên).

IV. Chẩn đoán:

Như trên đã mô tả, triệu chứng của U tuyến yên lúc đầu khá đa dạng, dễ bỏ sót nếu người bệnh và thầy thuốc không nghĩ tới nó. Xét nghiệm máu và nước tiểu để định lượng hormon xem có thừa hoặc thiếu không; khám chuyên khoa mắt để xác định rối loạn nhìn; chụp CLVT sọ não hoặc cộng hưởng từ (MRI) để xác định vị trí, kích thước khối u.

V. Điều trị:

Khi khối u nhỏ, chưa ảnh hưởng nhiều đến toàn trạng thì chưa cần điều trị gì nhưng phải tuân thủ lịch hẹn tái khám của bác sỹ. Hiện nay có ba phương pháp điều trị là: dùng thuốc, phẫu thuật, xạ trị. Ba phương pháp này có thể sử dụng đơn độc hoặc phối hợp với nhau.

- Dùng thuốc: các loại thuốc tập trung vào mục đích giảm tiết hormon dư thừa quá mức và giảm kích thước khối u. Nếu khối u đã được xử lý gây giảm tiết hormon thì dùng hormon thay thế để duy trì mức hormon bình thường cho cơ thể.

- Phẫu thuật: Chỉ định khi khối u đã chèn ép dây thần kinh thị giác, có thể gây mất thị lực, tăng áp lực nội sọ, hoặc các khối u sản xuất quá mức một số hormone. Hai kỹ thuật chính của phẫu thuật để điều trị các khối u tuyến yên là:

+ Phương pháp nội soi: Bác sỹ sẽ tiếp cận và loại bỏ khối u qua xoang mũi mà không có vết mổ bên ngoài.

+ Phương pháp mổ hở: Với các khối u lớn hoặc phức tạp mà không phẫu thuật nội soi được, bác sỹ sẽ tiếp cận bằng cách mở sọ để loại bỏ khối u. 

- Xạ trị: Sử dụng khi phẫu thuật không phải là lựa chọn tốt nhất hoặc phẫu thuật nhưng khối u vẫn tái phát.

Nhân trường hợp này, chúng tôi khuyến cáo mọi người không chủ quan với triệu chứng đau đầu, nhất là đau đầu kéo dài. Rất có thể đó là biểu hiện của khối u não hoặc phình mạch máu não nên cần đi khám để phát hiện và có biện pháp điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm xẩy ra.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ bảy, 02 Tháng 5 2020 10:07