Phòng sốt xuất huyết sao vẫn khó!

Dù năm nào ngành y tế cũng tổ chức nhiều cuộc họp tìm các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết, nhưng cứ đến mùa mưa số ca sốt xuất huyết vẫn tăng cao

sxh

Năm nay, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trong cả nước tăng 35% so với cùng kỳ năm trước và đã có 26 trường hợp tử vong. Đối với khu vực phía Nam, sốt xuất huyết vẫn gây nhức nhối trong phòng chống dịch bệnh. Hơn 80% số ca mắc sốt xuất huyết tử vong là ở miền Nam, chủ yếu rơi vào trẻ dưới 15 tuổi. PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, bộ trưởng Bộ Y tế, đã phát biểu như vậy tại hội nghị tăng cường phòng chống sốt xuất huyết năm 2012, do Bộ Y tế tổ chức tại Viện Pasteur TP.HCM ngày 15-8.

Đang khỏe bỗng...chết vì sốt xuất huyết

sxh2

Bộ trưởng nhấn mạnh sốt xuất huyết vẫn ảnh hưởng nhiều đến tính mạng trẻ em. Ngành y tế vẫn tận mắt chứng kiến những cái chết thương tâm do bệnh sốt xuất huyết gây ra. Có những cháu bé trước đó khỏe mạnh đi học bình thường, vẫn đọc bài “không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết” nhưng khi mắc bệnh sốt xuất huyết nặng đã tử vong sau đó. Dù được nghe tuyên truyền rất nhiều nhưng không ít người dân ở đồng bằng sông Cửu Long chứa nước vào lu, để trong buồng ngủ, trong bếp... với đầy lăng quăng. Chỉ đến khi thấy con chết vì sốt xuất huyết mới chịu đổ nước đi!

“Đã có luật phòng chống bệnh truyền nhiễm nhưng chúng ta chưa xử phạt nghiêm. Người dân ở các tỉnh An Giang, Tiền Giang vẫn trữ nước với dày đặc lăng quăng nhưng đã có trường hợp nào bị phạt? Sắp tới sẽ phải phạt những trường hợp này như thế nào?” - bà Tiến đặt vấn đề. Đại diện tỉnh An Giang cho biết ở địa phương khó xử phạt những trường hợp này, phần lớn là dân nghèo lấy tiền đâu mà đóng! Cũng có ý kiến cho rằng vấn đề xử phạt những nội dung vi phạm trong hoạt động phòng chống dịch cần nên mời cảnh sát môi trường vào xử phạt để có hiệu quả.

Bộ trưởng y tế nhận định dù nhiều năm đã phòng chống dịch sốt xuất huyết nhưng số mắc hằng năm trong nước vẫn là mấy chục ngàn ca/năm và chưa năm nào thấp hơn 20.000 ca, con số tử vong cũng luôn ở hai con số và chưa khi nào xuống được một con số. Tính từ đầu năm nay đến nay sốt xuất huyết đã tăng 35%, số ca tử vong cũng đã tăng hơn so với năm ngoái.

40% ca tử vong do nhập viện muộn

TS Trần Thanh Dương, cục phó Cục Y tế dự phòng, cho biết các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết đều được chẩn đoán ở mức độ nặng, thường gặp ở lứa tuổi dưới 15 (76,9%) và giới nữ (80,8%). Tỉ lệ nhập viện muộn còn cao, chiếm khoảng 40%. Đa số trường hợp đều tử vong sau một tuần điều trị do biến chứng của xuất huyết và suy đa tạng. Các bệnh nhân đã được điều trị tại các bệnh viện tuyến huyện, xã, phòng khám tư nhân trước khi chuyển lên tuyến trên, tuy nhiên hầu hết đều trong tình trạng nặng, hôn mê và xuất huyết nặng nên tỉ lệ tử vong tại tuyến tỉnh và tuyến trung ương còn cao. TS Dương cũng nhấn mạnh tại cộng đồng người dân chưa thật sự tham gia hoạt động phòng chống sốt xuất huyết.

Ông Trần Ngọc Hữu, viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho rằng miền Nam là trọng tâm của sốt xuất huyết vì tại đây chiếm 89% số ca mắc trong cả nước và 80% số ca tử vong. Tính đến ngày 5-8-2012, số ca mắc sốt xuất huyết tại các tỉnh phía Nam là 37.719 ca, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, An Giang là những tỉnh, thành có trên 3.000 ca sốt xuất huyết. Dù vậy, ông Trần Ngọc Hữu vẫn cho rằng những con số này chưa thể hiện được nhiều tình hình bệnh sốt xuất huyết ở khu vực phía Nam vì vài tháng nữa mới là đỉnh điểm của bệnh sốt xuất huyết. Theo ông, mối lo hiện nay là tính phòng chống chủ động bệnh sốt xuất huyết chưa được như mong muốn vì lăng quăng ở nhiều tỉnh, thành vẫn còn cao dù đã qua xử lý. Do vậy, vấn đề khảo sát lăng quăng tại các hộ gia đình vẫn là một bài toán cho ngành y tế.

Chưa kể, như phát biểu của ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, số lượng người lớn mắc bệnh sốt xuất huyết ngày càng tăng. Hiện có hơn 40% tổng số ca sốt xuất huyết ở các tỉnh phía Nam là người lớn. Do vậy, các bệnh viện điều trị cũng cần lưu ý chuẩn bị các khoa phòng, bác sĩ điều trị bệnh sốt xuất huyết cho người lớn vì người lớn mắc bệnh sốt xuất huyết cũng có trường hợp nặng dẫn tới tử vong.

Một vấn đề gặp phải khác trong việc điều trị sốt xuất huyết đã được bác sĩ Nguyễn Bích Liên, phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết: sáu tháng đầu năm vừa qua Bệnh viện Nhi Đồng 1 gặp khó khăn trong vấn đề cung ứng dịch truyền cao phân tử trong điều trị sốt xuất huyết vì có công ty dược không cung cấp. Bác sĩ Liên cho rằng Bộ Y tế nên duy trì số dự trữ quốc gia về dịch truyền cao phân tử để tránh bị động khi số ca sốt xuất huyết tăng cao.

Sau khi nghe các đại biểu có ý kiến, bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định việc phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết muốn hiệu quả cần sự góp sức của các ngành, các cấp chính quyền. Bà Tiến cũng đề nghị Cục Y tế dự phòng phối hợp với Vụ Pháp chế và các vụ, cục liên quan xem xét đến vấn đề xử phạt trong luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, để có thông tư hướng dẫn, xử phạt những hộ gia đình có hành vi gây hại cho chính mình và những người xung quanh.

Theo Thùy Dương - Báo Tuổi trẻ

Mời các bạn xem thêm:

1. Công văn chỉ đạo điều trị SXH tháng 6 năm 2012 của Bộ Y tế ngày 07 tháng 08 năm 2012. 
2. Kế hoạch công tác điều trị phòng, chống Sốt xuất huyết Dengue năm 2012.


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ sáu, 17 Tháng 8 2012 20:41