Vài điều cần biết về bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Lời tác giả: Trong thời gian tới, được sự đồng ý và hỗ trợ của ban giám đốc bệnh viện, khoa Nội tổng hợp sẽ triển khai đơn vị “TƯ VẤN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MÃN TÍNH”. Kể từ hôm nay, khoa Nội sẽ cung cấp loạt bài liên quan đến bệnh này để những người quan tâm cùng đọc và chia sẽ.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là thuật ngữ dùng chỉ tình trạng đường thông khí hệ hô hấp bị tắc nghẽn, gây khó thở.

copd1a

COPD là tình trạng giới hạn thông khí ở phổi không thể hồi phục hoàn toàn. Luồng lưu thông khí bị tắc nghẽn, lượng khí cặn trong phổi gia tăng làm bệnh nhân khó thở. Khi bị COPD, thành của đường dẫn khí dày lên, phù nề nên hẹp lại, không khí khó đi vào phổi; các phế nang bị phá hủy, làm tăng tình trạng ứ khí và giảm khả năng trao đổi khí ở phổi.. Bệnh tiến triển kéo dài trong nhiều năm và cuối cùng gây tử vong. Các chuyên gia trong lĩnh vực gọi căn bệnh này là “Kẻ giết người thầm lặng” hay “sát thủ vô hình”.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay COPD là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 4 trên thế giới và dự đoán nó sẽ đứng hàng thứ 3 vào năm 2030. Đáng lo ngại là nếu như đến năm 2010, trong khi các bệnh đứng ở top 5 về tỉ lệ tử vong có xu hướng giảm dần thì COPD lại có chiều hướng gia tăng. Mỗi năm, căn bệnh này đã cướp đi mạng sống của hơn 3 triệu người trên toàn thế giới.Cũng theo báo cáo WHO, COPD tập trung chủ yếu ở các nước đang phát triển do thói quen hút thuốc vẫn còn rất phổ biến, riêng tại Việt Nam  bệnh có tần suất ngày càng tăng. Nguyên nhân là do tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề trong khi tập quán hút thuốc lá không giảm..10% những người hút thuốc lá có triệu chứng lâm sàng COPD và 80-90 % bệnh nhân COPD là người nghiện thuốc lá (theo báo cáo của Chương trình Khởi động toàn cầu về COPD)  .

Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh COPD bên cạnh các tác nhân khác như: ô nhiễm không khí, môi trường làm việc ô nhiễm, hoá chất độc hại, khói than đá... Người hút thuốc có nguy cơ tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao gấp 10 lần so với người không hút thuốc. Những người hút thuốc lá thụ động cũng có nguy cơ mắc bệnh COPD.Báo cáo của GOLD cũng cho thấy nam giới trên 40 hút thuốc lá có nguy cơ mắc COPD rất cao. Một điều đáng quan tâm là trong những năm gần đây, tỉ lệ phụ nữ mắc bệnh này cũng đang có chiều hướng gia tăng do ngày càng có nhiều phụ nữ hút thuốc lá.

"Do bản chất là một loại bệnh tắc nghẽn đường thở mạn tính phục hồi không hoàn toàn, cách điều trị hữu hiệu nhất hiện nay đối với COPD vẫn là cai thuốc lá”. Người bệnh cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt, vận động hợp lý; giữ cho môi trường không gian sống của mình trong lành, sạch sẽ. Tập thể dục, hít thở không khí trong lành, ăn uống đầy đủ, có lối sống lành mạnh, bỏ hút thuốc cũng sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh COPD.

Th.s TRÌNH TRUNG PHONG- Khoa Nội Tổng Hợp


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ bảy, 23 Tháng 3 2013 21:07