Sự phối hợp giữa trường Cao Đẳng Y Tế Quảng Nam và Bệnh Viện Đa Khoa Quảng Nam trong công tác đào tạo sinh viên

Nghề y là một nghề rất đặc biệt bởi nghề y có nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ của con người, trong đó sức khoẻ là vốn quý nhất của con người mà con người lại là vốn quý nhất của xã hội, đồng thời con người là chủ thể của xã hội, quyết định đến sự tồn tại và phát triển của xã hội. Vì vậy, nghề y có vị trí quan trọng và có quan hệ thiết thực đến đời sống con người, đến hạnh phúc của từng gia đình, đến sức khoẻ và sự cường thịnh của một dân tộc và của toàn xã hội. Người thầy thuốc từ bao đời đã được xã hội phó thác cho một cái “Quyền” rất lớn như Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, người được suy tôn là ông tổ của ngành Y Việt Nam đã nói: “...Sống chết trong tay mình nắm, phúc hoạ trong tay mình giữ”. Hoặc Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng căn dặn: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khoẻ cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang”.

cdyt

Trường Cao đẳng Y tế Tỉnh Quảng Nam giờ tan trường

Với nhiệm vụ đó xã hội luôn luôn đòi hỏi người thầy thuốc phải có sự hiểu biết sâu rộng, tấm lòng nhân ái, từng trãi và kinh nghiệm nghề nghiệp. Vì vậy để trở thành người thầy thuốc vừa có năng lực và phẩm chất cao thì họ phải được đào tạo rất lâu, rất kỹ, mà giai đoạn đầu là đào tạo tại trường, sau đó học thêm kinh nghiệm trong suốt quá trình làm việc. Trong đó giai đoạn đào tạo tại trường y là giai đoạn quan trọng nhất, bởi họ được trang bị những kiến thức y học cơ bản, hình thành dần dần cho họ lòng say mê với nghề nghiệp, yêu thương bệnh nhân....để kết quả cuối cùng họ trở thành những người cán bộ y tế vừa “hồng” vừa “chuyên”, tức là vừa có đạo đức tốt, vừa có chuyên môn giỏi. Và trong giai đoạn này việc học tập của sinh viên cũng vô cùng vất vả, và hình thức học cũng khá là phong phú, đặc biệt trong đó là học thực hành. Họ không chỉ được học thực hành trên mô hình tại trường mà còn dành hơn nữa số thời gian học thực hành lâm sàng tại bệnh viện. Học lâm sàng là học tại giường bệnh, đối tượng học tập là người bệnh, người nhà của họ và những trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh. Do đó nhiệm vụ đào tạo sinh viên trở thành những cán bộ y tế tương lai không chỉ là của riêng nhà trường mà đó cũng là một phần trách nhiệm của các ban ngành có liên quan, đặc biệt là các cơ sở bệnh viện.

Nhận thấy được vai trò, trách nhiệm đó Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam luôn luôn hỗ trợ, giúp đỡ trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam trong công tác đào tạo, là môi trường thực tập chính của sinh viên ở đây. Vì vậy mối quan hệ giữa nhà trường và bệnh viện ngày càng gắn bó hơn. Hằng năm trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam kết hợp với cơ sở bệnh viện tổ chức một hội nghị được gọi là hội nghị: “TRƯỜNG – VIỆN” nhằm cùng nhau bàn bạc để đưa ra phương án tốt nhất giúp nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên. Và trong đó người tham gia hội nghị phần lớn là đại diện đến từ khoa phòng của bệnh viện đa khoa Quảng Nam, bởi đây là cơ sở thực tập chính. Hưởng ứng theo chỉ thị của Ban giám đốc, theo hội nghị mà tất cả các khoa phòng có sinh viên đi thực tập đều phối hợp với giáo viên trong việc quản lý; hỗ trợ, giúp đỡ trong việc giảng dạy; đồng thời luôn luôn tạo điều kiện cho các em sinh viên thực tập. Và trong những khoa phòng đó thì Khoa Cấp Cứu là một trong những khoa hưởng ứng tích cực nhất.

Khoa cấp cứu là một khoa tương đối nhỏ, tuy nhiên số lượng bệnh nhân lại rất lớn, không có bệnh nhân lưu trú và bệnh nhân vào từng đợt. Với đặc thù của khoa như vậy nên việc thực tập của sinh viên ở đây cũng có những mặt thuận lợi và khó khăn nhất định.

Về mặt thuận lợi:

-Đầu tiên phải nhắc đến đó là sự hỗ trợ, giúp đỡ tận tình, và tạo điều kiện tối đa của tập thể khoa trong việc học tập lâm sàng của sinh viên tại đây. Có thể nói tất cả các Bác sĩ, Điều dưỡng của khoa đều là những người có tâm huyết với nghề, họ luôn luôn có một tấm lòng say mê với công việc, cần cù, chịu khó, kiên nhẫn, không ngừng học tập để nâng cao kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp, đồng thời luôn tận tình, ân cần gần gủi với người bệnh, coi người bệnh đau đớn cũng như mình đau đớn. Ngoài ra họ luôn luôn chân thành, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau để hoàn thành tốt công việc. Đó chính là những tấm gương cho các em sinh viên học hỏi và làm theo, chính từ thực tế những người đi trước đã giúp các em hiểu rằng nghề y là một cao quý như thế nào, yêu cầu đối với một cán bộ y tế ra sao? và cảm nhận được những nỗi khổ và những niềm vui thầm lặng của người làm ngành y, cuối cùng tạo cho các em một tình yêu: yêu nghề, yêu người bệnh để có sức mạnh, niềm tin vượt qua mọi khó khăn mà tưởng chừng như không thể vượt qua được. Điều quan trọng nữa là nhân viên ở đây luôn luôn tận tình giúp đỡ, chỉ bảo, dạy dỗ, chia sẻ kinh nghiệm với các em sinh viên với tư cách là các bậc anh chị đi trước. Những gì mà các em may mắn nhận được từ những người đi trước sẽ là động lực cho các em cố gắng hơn nữa trong học tập.

- Số lượng người bệnh rất đông, bệnh rất đa dạng, phong phú và người bệnh vào khoa theo từng đợt sẽ giúp cho sinh viên có nhiều cơ hội, nhiều thời gian tập hỏi bệnh, tập khám bệnh, tập làm các thủ thuật trên người bệnh và tập lập kế hoạch chăm sóc. Chỉ có tự làm mới giúp ta cảm nhận được thực tế lâm sàng là như thế nào.

-Các em sinh viên trường y hầu hết là những em nghiêm túc trong học tập, lúc nào cũng trang phục chỉnh tề, tóc tai gọn gàng, luôn tôn trọng và thực hiện đúng theo nội quy bệnh viện, các quy định của khoa phòng; Đặc biệt luôn chịu khó học hỏi, nhiệt tình tham gia trong mọi công việc chăm sóc người bệnh; đưa người bệnh đi xét nghiệm, chụp x-quang, chuyển người bệnh vào khoa; sẵn sàng hỗ trợ khoa khi cần. Ví dụ tiêu biểu như 7 em sinh viên lớp CĐĐD 5A trực đêm đã tích cực cùng với khoa trong việc cấp cứu hàng loạt bệnh nhân bị tai nạn giao thông vào rạng sáng ngày 29/09/2011.

Về khó khăn:

- Cấp cứu là một khoa nhỏ chỉ đủ cho khoảng 15 em sinh viên trong mỗi đợt học tập tại đây. Tuy nhiên hiện nay số lượng sinh viên quá đông nên thực tế có khoảng 20 đến 25 em, như vậy đã gây áp lực cho các em và cả khoa phòng.

- Mọi công việc như khám bệnh, làm thủ thuật trên người bệnh yêu cầu phải nhanh, chính xác. Đây chính là khó khăn lớn nhất của sinh viên, bởi các em mới đang tập tò làm quen nên động tác còn rất chậm và vụng về. Đôi khi có nhiều ca bệnh nặng rất hay nhưng đòi hỏi cần xử trí nhanh để bảo vệ tính mạng cho người bệnh nên các y bác sĩ trong khoa đã trực tiếp làm các thủ thuật. Do đó, các em đã phải bỏ qua nhiều cơ hội được thực tập, mà đó là ca bệnh thực tế đem lại cho sinh viên nhiều bài học kinh nghiệm rất là quý giá.

- Một khó khăn không nhỏ đó chính là khó quản lý, khó phân chia bệnh cho sinh viên để các em có trách nhiệm và kế hoạch, mục tiêu học tập cho riêng mình.

Bên cạnh những thuận lợi thì sinh viên còn gặp nhiều khó khăn làm ảnh hưởng một phần nào đó đến chất lượng học tập. Tuy nhiên không có khó khăn nào không thể vượt qua, quan trọng là chúng ta tìm ra đó là khó khăn gì và tìm cách để giải quyết chúng ra sao. Vì thế, giáo viên luôn luôn phối hợp cùng tập thể khoa tìm ra phương án giải quyết tốt nhất. Sự kết hợp này càng chặc chẽ bao nhiêu thì càng giúp cho các em có nhiều thuận lợi bấy nhiêu. Cả hai bên luôn luôn hỗ trợ, giúp đỡ nhau. Về phía nhà trường thì sinh viên vừa học tập, vừa giúp đỡ, hỗ trợ khoa trong công việc đón tiếp người bệnh, chăm sóc người bệnh, đưa người bệnh đi làm các xét nghiệm, quản lý khoa phòng...Đây là nguồn nhân lực không nhỏ góp phần giải quyết công việc của khoa nếu biết tận dụng nó. Về phía khoa, dưới sự kêu gọi của lãnh đạo khoa toàn thể nhân viên luôn tận tình chỉ bảo, truyền đạt kinh nghiệm, tạo điều kiện để sinh viên có cơ hội được học tập. Ngoài ra, giáo viên đã luôn định hướng cho các em xây dựng kế hoạch, mục tiêu cho từng đợt thực tập của mình, phối hợp cùng lãnh đạo khoa quản lý, xắp xếp, phân nhóm công việc theo ba nhóm công việc: một là học cách nhận bệnh bao gồm: đón tiếp bệnh nhân, khai tên, đo dấu hiệu sinh tồn; hai là học làm thủ thuật trên người bệnh bao gồm cách hỏi bệnh, cách khám bệnh, các kỹ thuật điều dưỡng cơ bản..; ba là đưa người bệnh đi xét nghiệm.

Từ sự hỗ trợ, giúp đỡ của khoa trong nhiều năm qua đã giúp nhà trường rất nhiều trong công tác đào tạo sinh viên, đã giúp nhà trường nâng cao chất lượng học tập của sinh viên. Như vậy đã góp phần vào việc đào tạo những người cán bộ y tế vừa đủ đức vừa đủ tài cho xã hội

GV: Phan Thị Thúy Linh - Trường cao đẳng y tế Quảng Nam


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ tư, 01 Tháng 8 2012 14:24