• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Mở khí quản sớm không có lợi cho bệnh nhân

  • PDF.

Ths Bs Lê Tự Định - Khoa ICU

Mở khí quản trong vòng 4 ngày đầu tiên sau khi nhập viện đã trở nên phổ biến cho các bệnh nhân bệnh nặng có khó thở. Các thầy thuốc thường nhận thức lợi ích tiềm tàng của việc mở khí quản sớm cho những bệnh nhân dự kiến ​​sẽ cần thở máy kéo dài, bao gồm giảm liều thuốc an thần, cải thiện sự thoải mái và cai máy thở sớm hơn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, người ta thấy rằng không có đủ bằng chứng về lợi ích của việc mở khí quản sớm ở các bệnh nhân nặng có suy hô hấp.

Mới đây, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA 2013, số 22, tháng 5 cho thấy việc mở khí quản sớm không có lợi về mặt sống sót của bệnh nhân và bằng cách chờ đợi ít nhất 10 ngày, thủ thuật này có thể tránh được hoàn toàn trong khoảng một phần ba số bệnh nhân.

MKQ3

Duncan Young, DM, từ Bệnh viện John Radcliffe, Oxford, Vương quốc Anh, và cộng sự so sánh mở khí quản sớm và muộn trong 909 bệnh nhân tuổi trưởng thành ở 72 bệnh viện tại Anh từ năm 2004 đến năm 2011. Bệnh nhân được chọn ngẫu nhiên, được mở khí quản sớm trong vòng 4 ngày kể từ ngày nhập viện hoặc mở khí quản muộn, sau 10 ngày nếu thủ thuật mở khí quản xét thấy vẫn còn cần thiết.

Tỷ lệ tử vong ngắn hạn và dài hạn là gần như giống nhau ở cả hai nhóm. Sau 30 ngày, 139 bệnh nhân (30,8%; khoảng tin cậy 95% [CI], 26,7% - 35,2%) trong nhóm mở khí quản sớm và 141 bệnh nhân (31,5%; 95% CI, 27,3% - 35,9%) ở nhóm mở khí quản muộn đã tử vong. Tương tự như vậy, sau 2 năm, khoảng một nửa các bệnh nhân ở cả hai nhóm đã tử vong (51,0% [95% CI, 46,4% - 55,6%] trong nhóm mở khí quản sớm so với 53,7% [95% CI, 49,1% - 58,3%] vào nhóm mở khí quản muộn).

Hơn nữa, bằng cách chờ đợi, rất nhiều bệnh nhân được phân vào nhóm mở khí quản muộn đã có thể hoàn toàn tránh được thủ thuật mở khí quản. Trong số 455 bệnh nhân được phân ngẫu nhiên vào nhóm mở khí quản sớm, 91,9% (95% CI, 89,0% - 94,1%) được mở khí quản, so với 44,9% (95% CI, 40,4% - 49,5%) trong số 454 bệnh nhân vào nhóm được mở khí quản muộn. Trong số 622 bệnh nhân được mở khí quản, 23 (5,5%) của 418 bệnh nhân trong nhóm mở khí quản sớm và 16 (7,8%) của 204 bệnh nhân trong nhóm mở khí quản muộn, phát triển các biến chứng liên quan đến thủ thuật, kể cả chảy máu cần phải truyền dịch hoặc các điều trị khác. Không có sự khác biệt về thời gian nằm viện giữa các nhóm.

"Các kết quả từ nghiên cứu này ở nhóm bệnh nhân mở khí quản muộn có ý nghĩa đối với thực hành lâm sàng và đối với bệnh nhân", các tác giả viết. "Không những có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỷ lệ tử vong giữa 2 nhóm mà còn, qua chờ đợi, một thủ thuật xâm lấn đã được tránh trong một phần ba bệnh nhân." 

Trong một bài viết đi kèm, Derek C. Angus, một bác sĩ khoa chăm sóc đặc biệt, Đại học Pittsburgh, Pennsylvania, lưu ý rằng đây là thử nghiệm ngẫu nhiên thứ hai cho thấy không có lợi ích của việc mở khí quản sớm. "Vì vậy, cho đến khi phát triển một công cụ thiết thực để dự đoán nhu cầu việc thở máy kéo dài, thủ thuật mở khí quản thường sẽ được trì hoãn cho đến ít nhất là 10 ngày sau khi bắt đầu thở máy," ông viết.

Lược dịch từ “JAMA. 2013; 309:2121-2129”.

Lần cập nhật cuối lúc Thứ năm, 23 Tháng 5 2013 13:35

You are here Đào tạo Tập san Y học Mở khí quản sớm không có lợi cho bệnh nhân