• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Giới hạn và bẫy của chụp MDCT động mạch vành

  • PDF.

Bs Nguyễn Tấn Thương - Khoa CĐHA

1. Giới hạn:

Chụp MDCT (Chụp cắt lớp điện toán xoắn ốc đa dãy đầu dò) mạch vành rất dễ ở bệnh nhân có nhịp tim ổn định và có nín thở trong khoảng 20 giây. Tuy nhiên, chất lượng hình ảnh giảm đi do xảo ảnh ở những bệnh nhân nhịp tim không đều hoặc thở trong lúc chụp. Với các máy MDCT 4 hoặc 16, người ta không thể ghi hình chính xác được động mạch vành trong các trường hợp rung nhĩ, ngoại tâm thu thất dày do gặp nhiều xảo ảnh. Hiện nay, với máy MDCT 64, nhờ kỹ thuật chụp nhanh nên những trường hợp này không còn là chống chỉ định tuyệt đối nữa.

Giới hạn khác của chụp MDCT cũng giống với chụp X quang qui ước là chống chỉ định với những người không được phơi nhiễm với tia X ví dụ phụ nữ mang thai hoặc chống chỉ định với việc tiêm iode cản quang qua đường tĩnh mạch như dị ứng iode, suy thận, cường giáp…

mdct1

2. Các bẫy (pitfalls) cần lưu ý:

Xảo ảnh di động (motion artefacts):

Xảo ảnh này do tim đập nhanh hoặc không đều gây ra. Độ ly giải thời gian (temporal resolution) của các máy MDCT 64 cho phép chúng ta đánh giá động mạch vành một cách tin cậy hơn khi tần số tim ổn định dưới 70 lần/phút. Nên cho những bệnh nhân có nhịp tim nhanh dùng thuốc beta-blocker dưới dạng uống hay tiêm để hạ nhịp tim, làm giảm xảo ảnh di động.

Khi khảo sát toàn bộ động mạch vành, người ta thấy đoạn giữa động mạch vành phải di động  nhanh nhất, do đó nơi này thường gặp các xảo ảnh di động nhiều nhất. Khi tần số tim thấp, hình ảnh đoạn này sẽ được nhìn thấy rõ hơn.

Xảo ảnh do đóng vôi động mạch vành:

Các đám vôi động mạch vành là những cấu trúc có tỷ trọng cao tạo ra các xảo ảnh do làm cứng chùm tia (beam hardening artefacts) và các xảo ảnh do thể tích từng phần (partial volume artifacts). Khi chùm tia X đi xuyên qua một cấu trúc có tỷ trọng cao, như mảng vôi hóa, stent trong lòng mạch vành hoặc một chiếc kẹp phẫu thuật, sẽ có 2 hiện tượng xảy ra:

  • Phần lớn các tia X mềm (có năng lượng thấp) trong chùm tia đó bị hấp thụ làm cho chùm tia còn lại trở nên cứng hơn và dễ xuyên thấu hơn. Mức độ cứng của chùm tia còn lại tùy thuộc vào phổ tia X ban đầu và thành phần vật chất của khối mô chúng đi qua. Chùm tia cứng (có năng lượng cao) này đi qua những vùng có tỷ trọng thấp (cận kề với cấu trúc có tỷ trọng cao) sẽ ít bị hấp thu hơn. Kết quả là cường độ của chùm tia X sẽ giảm ở vùng trung tâm so với vùng rìa, làm thay đổi hình ảnh của cả 2 vùng tạo ra cái gọi là xảo ảnh làm cứng chùm tia (beam hardening artefacts) hay còn gọi là xảo ảnh hình mũ hay hình tách (capping or cupping artefacts).
  • Do hiệu ứng thể tích từng phần nên cấu trúc này có vẻ lớn hơn (appear enlarged) và che mờ lòng mạch vành kế cận gọi là xảo ảnh do thể tích từng phần (partial volume artefacts). Hiện tượng này xảy ra khi một vật không được chùm tia quét qua toàn bộ mà chỉ quét một phần hoặc các mặt quét qua vật ấy không đồng nhất tạo ra các vết sọc và bóng râm (streaking and shading artefacts) làm cho hình ảnh lớn hơn kích thước thật.

Những xảo ảnh này gây ra sự khuếch đại các đám vôi trong lòng động mạch vành, gây khó khăn cho việc đánh giá tổn thương. Vì vậy khi gặp những trường hợp động mạch  vành bị vôi hóa nặng, chúng ta cần phải đánh giá cả sự hiện diện lẫn độ nặng của tổn thương.

Xảo ảnh do hô hấp (respiratory artefacts):

Thở ra trong lúc chụp sẽ tạo nên các xảo ảnh có hình “bậc thang” (stair-step artefacts). Khi nhìn qua một mặt cắt dọc lớn (a large sagital view), ta có thể dễ dàng nhận ra những xảo ảnh này khi chúng chuyển động hướng về phía xương ức. Đôi khi cũng có thể nhận ra chúng khi nhìn qua mặt phẳng trán (coronal view). Nếu chuẩn bị bệnh nhân kỹ lưỡng và huấn luyện họ nín thở trong lúc chụp sẽ tránh được loại xảo ảnh này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Agaston AS, Janowitz WR et al (1990), “Quantification of coronary artery calcium using ultrafast computed tomography”. J Am Coll Cardiol (15), pp.827-32.
  2. David platten (2007), “Understanding Imaging Performance: Artefacts”. Impact course October 05, 2007, Hompage: http://www.impactscan.org.
  3. Kaeng W Lee, Jonathan Panting (2006), “Current status of non-invasive coronary angiography for the diagnosis of coronary artery stenosis”, the Bristish Journal of cardiology, volume 13(2), July 2006.
  4. Udo Hoffmann (2006), “Coronary CT Angiography”, The Journal of nuclear Medicine, Vol. 47(5).

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ ba, 17 Tháng 11 2015 10:35

You are here Đào tạo Đào tạo nhân viên BV Giới hạn và bẫy của chụp MDCT động mạch vành