Sinh con thuận theo tự nhiên-Hiểu thế nào cho đúng

Khoa  Phụ Sản

Nếu gõ vào trang mạng Google về từ “ Sinh con thuận theo tự nhiên” hay Lotus Birth, các bạn sẽ được kết quả như sau.

Sinh con thuận theo tự nhiên   - Khoảng  2,060,000 kết quả (0.37 giây)

Lotus Birth                              - About 9,210,000 results (0.42 seconds)

Bộ Y tế đã có công văn 1448/ BYT-BMTE ngày 19/3/2018 về việc tăng cường công tác an toàn cho bà mẹ và trẻ sơ sinh trong vấn đề làm mẹ an toàn, khẳng định về những nguy hiểm trong vấn đề “ sinh con thuận theo tự nhiên” theo trào lưu phi khoa học được đăng tải trên mạng Facebook.

Trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, Khoa Phụ Sản BVĐK Quảng nam cũng đã thực hiện tốt việc truyền thông giáo dục cho các thai phụ qua lớp học tiền sản, tăng cường công tác tư vấn trong khám thai và quản lý thai nghén cũng như tuân thủ các quy trình chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh thiết yếu trong và ngay sau đẻ, thực hiện tốt quy trình “ da kề da sau sinh thường và sinh mổ”  để đem lại lợi ích thiết thực cho bà mẹ và trẻ sơ sinh.  

sinh1

Phóng viên Trung tâm truyền thông và giáo dục sức khỏe Tỉnh Quảng Nam cũng đã trao đổi với Khoa Phụ Sản về vấn đề này và với góc độ chuyên môn, chúng tôi xin trả lời một số câu hỏi đang được quan tâm.

Câu 1: Gần đây trên mạng xã hội rộ lên câu chuyện của một sản phụ ở Hưng Yên chia sẻ trên trang fb của mình về việc mình đẻ thuận tự nhiên tại nhà, không cắt cuống rốn cho trẻ mà để tự rụng? Vậy BS có ý kiến gì về cách sinh con của sản phụ trên ạ?

Theo một tài khoản facebook hướng dẫn “sinh con thuận theo tự nhiên” thì trong suốt quá trình mang thai, thai phụ cần thực hiện ăn chay hoàn toàn. Đến khi sinh cũng không đến bệnh viện hay nhà bảo sanh nào mà tự sinh con tại nhà, tự đỡ đẻ, không chích ngừa, không cắt rốn và thực hiện phương pháp da kề da sau sinh, không tiêm vitamin K cho trẻ sơ sinh. Điều đặc biệt, chủ tài khoản facebook khẳng định với phương pháp này, em bé đã tự tìm được vú mẹ sau 30 phút và vào ngày thứ 6 sau sinh, cuống rốn của trẻ sẽ được rụng một cách an toàn.

Về ý nghĩa y khoa, sinh con thuận theo tự nhiên là hướng dẫn sản phụ sinh con theo đường âm đạo, để chuyển dạ tự nhiên, khi cần thiết thì mới có biện pháp can thiệp y khoa nhằm hạn chế tai biến cho mẹ và con. Sinh con tự nhiên rất được khuyến khích, nhưng không phải theo cách để người mẹ tự sinh một mình, không được kiểm soát bởi nhân viên y tế như những thông tin lan truyền trên mạng.

Câu 2: Xin bác sỹ có thể cho biết sinh con thuận tự nhiên hay còn gọi là “liên sinh” là gì?

Trên thế giới từ năm 1974 khái niệm "sinh tự nhiên" đã xuất hiện tại Mỹ và Australia với tên gọi là liên sinh (lotus birth). Theo đó, liên sinh là một dạng thực hành sinh con mà cha mẹ giữ nguyên dây rốn của đứa bé dính liền kèm với bánh nhau cho đến khi dây rốn và bánh nhau tự hủy. Theo xu hướng này, các bà mẹ chọn sinh con tại nhà. Thay vì cắt rốn vài phút sau khi bé chào đời, bà mẹ để bánh nhau nối liền với đứa bé, đặt bánh nhau trong một cái tô hoặc một loại túi đặc biệt, cho vào đó muối hạt hoặc hoa lavender. Thay túi hàng ngày và giữ bánh nhau như thế cho đến khi bánh nhau phân hủy và dây rốn rụng tự nhiên khỏi cơ thể đứa bé, thường khoảng ba đến 10 ngày, thậm chí hai tuần sau.

sinh2

Những người ủng hộ trào lưu này cho rằng sự tiếp xúc kéo dài với bánh nhau giúp em bé dễ thích nghi với môi trường mới bên ngoài tử cung, giảm stress, nhận được tất cả các chất dinh dưỡng từ bánh nhau, bao gồm cả các tế bào gốc và lượng máu dồi dào còn lại. Họ cho rằng việc cắt rốn sớm có thể gây tổn thương và stress không cần thiết cho đứa bé. Năm 2008, trào lưu này phát triển mạnh mẽ  ở Anh nhưng đã bị giới y học kiên quyết phản đối. Việc bánh nhau nối liền với em bé nhiều ngày sau khi sinh có thể dẫn đến nhiễm trùng. Mô nhau chứa đầy máu. Một thời gian ngắn sau sinh, khi dây rốn ngừng đập, máu sẽ không còn tuần hoàn trong bánh nhau và bánh nhau trở thành mô chết. Để cơ thể em bé thông nối với mô chết đang phân hủy sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, gây nguy hiểm tính mạng bé sơ sinh và nhiễm trùng hậu sản cho mẹ.

Hiệp hội sản phụ khoa Anh sau đó đã đưa ra cảnh báo về trào lưu liên sinh, khẳng định chưa có nghiên cứu khoa học nào cũng như không có bằng chứng chứng tỏ liên sinh có thể mang lại lợi ích cho trẻ sơ sinh.

Câu 3: Ngày 19/3, Bộ Y tế đã có công văn số: 1448/BYT – BM TE gửi các Sở Y tế các tỉnh, thành phố Trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác đảm bảo sinh đẻ an toàn cho bà mẹ và trẻ sơ sinh. Bộ Y tế khẳng định việc tự sinh đẻ tại nhà có thể  gây nên những tai biến nghiêm trọng. Vậy thưa bác sỹ, sinh con tại nhà có thể gặp những rủi ro gì ạ?

Ông bà ta có câu “chửa đẻ cửa mả” để nói lên sự quan trọng của sinh đẻ trong việc ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người phụ nữ. Mặc dù sinh đẻ hết sức tự nhiên, nhưng tai biến sản khoa luôn luôn rình rập và có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Đầu tiên, trong quá trình chuyển dạ, nếu  sinh không được hoặc chuyển dạ đình trệ có thể dẫn đến vỡ tử cung khiến suy thai, đứa trẻ có thể bị ngạt và tử vong; người mẹ có thể bị kiệt sức, nhiễm trùng, vỡ tử cung trong khi chuyển dạ.

Trong và sau khi sinh, người mẹ vẫn có nguy cơ bị băng huyết sau sinh và nếu không được xử lý, người mẹ cũng có thể tử vong; hoặc tình trạng thuyên tắc mạch ối…thai to quá, em bé có thế sang chấn, kẹt vai., ngạt và tử vong.

Đối với những người mẹ sinh ngả âm đạo mà không có sự hỗ trợ của Bác sĩ và NHS, có thể bị rách tầng sinh môn phức tạp đưa đến những băng huyết, nhiễm trùng rất nặng chưa kể đến việc tổn thương các cơ quan lân cận như bàng quang, trực tràng sẽ để lại những di chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến cuộc sống của người phụ nữ sau này.

Câu 4: Trước tình hình hiện nay thì BS có lời khuyên gì để những sản phụ có thể “vượt cạn” được an toàn?

Trong những năm qua, ngành sản phụ khoa đã có những nỗ lực rất lớn nhằm giảm nguy cơ tai biến cho mẹ và con. Tỷ lệ tử vong mẹ năm 2009 là 233/100.000 phụ nữ mang thai giảm xuống còn 54/100.000 phụ nữ mang thai năm 2015 và tử vong sơ sinh từ 58/1000 trẻ năm 1990 còn 23/1000 trẻ năm 2011.

Một thai phụ từ khi mang thai cần được đăng ký khám thai ít nhất 4 lần và được quản lý thai nghén. Việc kiểm tra sức khỏe cả mẹ và thai nhi sẽ giúp cho nhân viên y tế phân loại thai nghén bình thường hay thai nghén nguy cơ từ đó hướng dẫn sinh  tại tuyến y tế cơ sở hay bệnh viện có đầy đủ phương tiện phẫu thuật, ngân hàng máu, hồi sức mẹ và con để có hướng điều trị, xử lý thích hợp nếu mẹ hoặc thai nhi có vấn đề. 

Theo hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản được Bộ Y tế phê chuẩn và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, chuyển dạ của sản phụ được các bác sĩ  và NHS xử trí "tuân theo tự nhiên", nghĩa là là để cho người mẹ đủ ngày đủ tháng, khi chuyển dạ thì theo dõi đẻ thường, và  việc chăm sóc “da kề da” sau khi sinh là bé tiếp xúc da kề da với mẹ. tiêm oxytocin giúp tử cung go hồi tốt sau đẻ, cắt rốn chậm từ 1- 3 phút sau  sinh và cho trẻ bú những giọt sữa non đầu tiên trong giờ đầu sau sinh.  Mục đích của việc cắt rốn chậm vài phút là giúp bé có thêm lượng sắt trong cơ thể và một số yếu tố khác nhằm hạn chế nguy cơ thiếu máu và tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Và da kề da còn thực hiện cho những thai phụ sinh mổ nhằm cải thiện sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt cần phải gây mê nội khí quản và bà mẹ cần phải theo dõi đặc biệt tại khoa hồi sức.

Trong năm 2017, khoa Phụ Sản chúng tôi đã đồng hành với 5831 thai phụ trong quá trình vượt cạn, trong đó có 1832 trường hợp phải mổ lấy thai do nhiều nguyên nhân như VMC, nhau tiền đạo, tiền sản giật, ngôi bất thường, đầu không lọt hoặc suy thai trong quá trình chuyển dạ. Trong số này chúng tôi cũng đã xử trí kịp thời 166 ca băng huyết sau sinh và 13 ca nhiễm trùng hậu sản và hậu phẫu.  Như vậy điều này một lần nữa khẳng định việc đăng ký và quản lý thai nghén rất cần thiết đối với thai phụ cũng như việc sinh đẻ cần có sự hỗ trợ của nhân viên y tế có kỹ năng là hết sức quan trọng để đem lại kết cục “mẹ tròn, con vuông”.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: