Sùi mào gà sinh dục trong thai kỳ

Khoa Phụ Sản

Sùi mào gà sinh dục là một bệnh lây truyền qua đường tình dục khá phổ biến, ở cả nam và nữ. Bệnh gây nên do virus gây u nhú ở người (Human papilloma virus-HPV). Hiện nay có khoảng trên 150 típ HPV, trong đó gây bệnh sùi mào gà là típ 6, 11 không có khả năng gây ung thư. Ít nhất 13 trong tổng số típ HPV có khả năng gây ra loạn sản, ung thư cổ tử cung, hậu môn, dương vật, vòm họng, miệng…, đặc biệt các các trường hợp nhiễm HPV típ 16, 18 (khoảng 70%-80%).

Nhiễm HPV không liên quan đến sẩy thai, sinh non hay biến chứng thai kỳ. Do vậy, không ảnh hưởng sự phát triển thai nhi. Nguy cơ lây truyền virus cho thai nhi là rất thấp. Tỉ lệ trẻ sơ sinh bị u nhú thanh quản do người mẹ bị sùi mào gà sinh dục là rất hiếm.

Hormon trong thai kỳ có thể dẫn tới sự gia tăng kích thước hoặc số lượng của sùi mào gà. Nếu quá lớn có thể nghẽn âm đạo và biến chứng lúc sinh

suimaoga

 1.Triệu chứng lâm sàng

Biểu hiện bệnh là các u nhú màu hồng tươi, mềm, có chân hoặc có cuống, không đau và dễ chảy máu khi đụng chạm vào, thường không có dấu hiệu chủ quan. Có thể thấy tổn thương dạng phẳng, khó phát hiện. Ở nữ, sùi mào gà hay thấy ở âm vật, môi nhỏ, quanh lỗ niệu đạo, tầng sinh môn, cũng có thể gặp sùi mào gà ở cổ tử cung, hậu môn.

2. Chẩn đoán

- Tổn thương sùi mào gà rất đặc hiệu, do vậy chẩn đoán chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng.

- Phụ nữ bị sùi mào gà cổ tử cung cần phải làm xét nghiệm phiến đồ cổ tử cung định kỳ hàng năm hoặc các xét nghiệm khác để phát hiện sớm loạn sản, ung thư.

3. Điều trị: thường là trì hoãn nếu tổn thương không to lên

- Phẫu thuật cắt bỏ

- Đốt lạnh bằng nitơ lỏng

- Đốt bằng laser CO2

- Không sử dụng podophylin

4. Lựa chọn phương thức sinh:

- Việc mổ lấy thai ở thai phụ có sùi mào gà sinh dục để phòng ngừa u nhú thanh quản cho trẻ sơ sinh là không có cơ sở. Vì vậy, mổ lấy thai không phải là lựa chọn để phòng ngừa lây truyền virus HPV từ mẹ sang con.

- Mổ lấy thai được chỉ định khi người mẹ có khối u nhú quá lớn gây tắc nghẽn ống đẻ hoặc chảy máu ồ ạt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Y tế (2016), Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, tr 342- 345

2. CDC (2010), Sexually Transmitted Diseases: Treatment Guidelines, Genital Warts.

3. Treatment of condyloma acuminata in pregnant women with cryotherapy combined with proanthocyanidins: Outcome and safety.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: