Virus cúm(Influenza virus)

 CN Lê Văn Liêm -   Khoa Vi sinh

        Virus cúm là thành viên chính của nhóm Orthromyxovirus và đó là căn nguyên gây bệnh cúm: nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính tạo dịch do virus Orthromyxovirus bao gồm 3 týp miễn dịch: Cúm A, B, C.

        Virus cúm được phân lập lần đầu năm 1933, chúng có thể gây những vụ dịch lan tràn khắp thế giới. Năm 1918-1919 đại dịch cúm đã gây bệnh cho 20 triệu người. Trên cơ sở ý nghĩa y học đó, vào những năm cuối thập kỷ 40, việc nghiên cứu về cúm được tiến hành khẩn trương. Người ta đã xác định vai trò gây bệnh của virus cúm trên người và động vật rất rộng rãi.

vs1

        1. CẤU TRÚC VÀ ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC

        1.1 Cấu trúc

        Các virus cúm được phân chia thành 3 nhóm khác nhau (A, B, C) do một số cấu trúc kháng nguyên bề mặt khác nhau, nhưng phần lớn có cấu trúc kháng nguyên giống nhau. Dưới kính hiển vi điện tử thấy virus cúm có hình cầu. Đường kính khoảng 100-120nm. Các hạt virus cúm có cấu trúc phức tạp. Các protein capsid virus cúm, cùng via ARN, tạo thành nucleocapsid đối xứng xoắn. Bao ngoài của virus cúm được cấu tạo bởi 2 lớp lipid, trên bề mặt  2 lớp lipid đó có những điểm chồi lên (spike) giống như “lông”. Các điểm chồi đó được cấu tạo bởi glycoprotein, tạo nên bởi kháng nguyên hemagglutinin và neuraminidase ký hiệu là H và N. Mỗi sợi H và N dài 8-10 nm, cách nhau 8nm. Kháng nguyên hemagglutinin có chức năng giúp virus bám trên bề mặt tế bào cảm thụ và xuyên thủng màng tế bào. Chức năng của neuraminidase chưa được rõ, nhưng chúng cũng bổ sung chức năng của hemagglutinin và ngoài ra chúng còn thúc đẩy sự lắp ráp và chín muồi của virus trong tế bào cảm thụ. Hai cấu trúc glycoprotein H và N xác định  kháng nguyên đặc hiệu của từng thứ týp virus. Kháng nguyên H và N là những kháng nguyên quyết định khả năng ngưng kết hồng cầu của động vật.

        Virus cúm phân lập từ bệnh nhân ở giai đoạn nguyên thủy ( original phase ) có thể ngưng kết hồng cầu người ở nhóm máu O và hồng cầu chuột lang. Virus cúm nuôi cấy trong phòng thí nghiệm có thể ngưng kết được hồng cầu gà và hồng cầu ngỗng ( derivative phase) . Kháng nguyên H đặc trưng cho týp, kháng nguyên N đặc trưng cho thứ týp. Các cấu trúc H và N của virus cúm có thể thay đổi trong từng thứ týp. Hiện nay có 13 cấu trúc kháng nguyên H và 9 cấu trúc kháng nguyên N khác nhau đặc hiệu cho từng thứ týp của các týp cúm A, B và C: Ký hiệu kháng nguyên H1 đến H13, N1 đến N9. Cấu trúc ARN của cúm A và B phân làm 8 đoạn gen, còn cúm C phân làm 7 đoạn, trên mỗi đoạn gen virus, có thể ghi dấu cho nhiều mật mã di truyền.

        Các thứ týp H và N khác nhau của virus cúm có thể gây bệnh cho người và nhiều động vật khác nhau, nhất là những động vật mới sinh. Ví dụ: H­1N1 gây bệnh cho người và cũng gây bệnh được cho lợn, H1N3 có thể gây bệnh cho cá voi, H3N2 gây bệnh cho người, H4N5 gây bệnh cho hải cẩu…                        

         1.2 Khả năng thay đổi cấu trúc kháng nguyên

        Cấu trúc hemaglutinin (H) có thể thay đổi tạo thành các H mới.  Sự thay đổi cấu trúc kháng nguyên H của virus tạo thành một týp cúm mới. Như vậy kháng thể kháng H của týp virus mới chưa xuất hiện trong quẩn thể dân chúng và, vì vậy, týp cúm mới có thể gây nên dịch mới. Các kháng nguyên N cũng có thể thay đổi, đặc biệt thường xảy ra với virus týp A và B. Do vậy virus cúm A và cúm B có nhiều thứ týp (Subtype) do sự thay đổi cấu trúc kháng nguyên H và N.

        1.3 Cách gọi tên virus cúm

             Ví dụ: A/Swine/NewJersety/8/76/H­1N1;

                        A/BangKok/7/79/H3N2….B/Singapore/7/79/ H­1N2…

         Trước hết gọi týp virus, động vật cảm thụ ( nếu là động vật), địa danh, phân lập virus, số bệnh phẩm phân lập được virus và cấu trúc H và N.

         1.4 Phản ứng lý hóa của virus cúm

        Virus cúm tương đối bền vững với nhiệt độ, ở 0oC đến 4oC,sống được và tuần; ở -20oC và đông khô virus cúm sống hàng năm. Dễ diệt virus cúm ở 56oC. Dễ diệt với các dung môi hòa tan lipid: Ether, β-propiolacton, formol… Các tia tím bất hoạt virus cúm nhưng không phá hủy kháng nguyên nhiềm khuẩn hô hấp, nhiểm khuẩn bào thai và hoạt tính của H và N. Với pH thì vững bền từ 4 đến 9.

        2. LÂM SÀNG

        Đối tượng cảm thụ với bệnh là người khỏe mạnh không có kháng thể virus cúm. Triệu chứng của một bệnh cảm lạnh: sốt nhẹ, hắc hơi, đâu đầu, ho, xuất tiết nhiều lần sau thời gian ủ bệnh từ 1 đến 5 ngày. Với trẻ em nhiễm virus cúm cũng có dấu hiệu lâm sàng như trên, nhưng ở trẻ em nhỏ nhiễm trùng có thể sốt cao, co giật, viêm dạ dày-ruột. Bệnh ở trẻ sơ sinh còn nặng hơn với các triệu chứng: viêm cơ tim, viêm phổi và có thể có những biến chứng khác: viêm tai, viêm phổi thậm chí viêm não dẫn đến tử vong. Bệnh ở đường hô hấp do virus cúm thường có kèm bội nhiễm vi khuẩn; do đó, bệnh nặng lên gấp bội.

        Virus cúm týp A thường gây đại dịch via chu kỳ 7 đến 10 năm; cúm týp B thường chỉ gây dịch nhỏ hơn với chu kỳ 5 đến 7 năm. Riêng virus týp C chỉ gây các triệu chứng lâm sàng không điển hình và tạo các vụ dịch nhỏ ở những tập thể mới hình thành. Sau mỗi vị dịch thường xuất hiện kháng thể trong quần thể  và gây miễn dịch với đặc hiệu thứ týp virus. Sau những thời gian thích hợp, các cấu trúc kháng nguyên H hoặc N có thể thay đổi, kháng thể miễn dịch cũ không còn tác dụng với kháng nguyên mới.

         3. DỊCH TỄ HỌC

        Virus cúm lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp. Virus cúm nhân lên trong đường hô hấp sau 4 đến 6 ngày nhiễm trùng. Virus đạt hiệu giá tối đa sau 48 giờ. Trong những năm 1889-1890, 1918-1919, 1957 và 1968 đã có đại dịch do virus A girusa. Virus cúm cũng có thể lây từ động vật sang người.

                vs2      

                             Đường lây truyền chủ yếu của virus cúm

        4. CHẨN ĐOÁN PHÒNG THÍ NGHIỆM

        4.1 Chẩn đoán trực tiếp

          - Bệnh phẩm được lấy vào những ngày đầu của bệnh là nước xuất tiết đường mũi họng.

          - Bệnh phẩm được nuôi cấy trong tế bào như tế bào thai gà, thận khỉ phổi người hoặc tế bào thường trực Vero, LLC-MK2.

          - Sự nhân lên của ARN virus xảy ra trong nhân tế bào, các thành phần khác xảy ra ở bào tương tế bào hoặc trong màng ối của bào thai gà từ 8 đến 12 ngày. Xác định sự có mặt của virus cúm bằng phản ứng ngưng kết hồng cầu.

          - Định týp virus bằng phản ứng trung hòa trong tế bào hoặc ức chế ngưng kết hồng cầu via các kháng thể mẫu.

          Cũng có thể chứng minh sự có mặt của virus bằng phản ứng miễn dịch huỳnh quang trực tiếp bằng kháng thể mẫu gắn huỳnh quang.

        4.2 Tìm kháng thể kháng cúm

        Kháng thể kháng cúm thường tìm được bằng phản ứng kết hợp bổ thể, ức chế ngưng kết hồng cầu, ELISA, và trung hòa … Kháng thể cần phải tìm sớm, vào tuần lễ đầu và sau 10 ngày sau lần lấy máu để tìm động lực kháng thể. Kháng thể lần sau phải tăng gấp 4 lần so với lần đầu mới được xác định là bệnh nhân bị bệnh cúm. Kháng thể cúm thường giảm mất một nữa hiệu giá sau vài tuần, do vậy phản ứng phải làm đúng thời gian, nhất là phản ứng kết hợp bổ thể.

        5. NGUYÊN TẮC PHÒNG BỆNH VÀ ĐIỀU TRỊ

        Trong vụ dịch có thể dùng amantadin hydrochlorid để phòng bệnh có hiệu quả, nhất là via cúm A. Thuốc amantadin hydrochlorid còn được sử dụng để điệu trị bệnh nhân đã nhiễm trùng có hiệu quả ở đường hô hấp. Tuy vậy, đáng tiếc amantadin thong điều trị được các biến chứng của bệnh cúm. Interferon chưa có hiệu quả điều trị via bệnh cúm.

        Tiêm phòng: Vacxin virus bất hoạt týp A và týp B được sử dụng cho người kháng thể âm tính. Tuy vậy, kháng thể được hình thành chỉ kháng lại virus vacxin, thong miễn dịch chéo với thứ týp mới và không tồn tại lâu dài.

        Ngoài các phương pháp phòng bệnh đặc hiệu kể trên trong vụ dịch cần cách ly bệnh nhân, xử lý các chất thải từ đường hô hấp của bệnh nhân vafvoo trùng các dụng cụ, quần áo của bệnh nhân. 

    Nguồn: Lê Thị Oanh (2007), Vi Sinh Vật Y học, “ Virus cúm” NXB Y học, tr.284 – 287


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: